Triệu chứng chóng mặt rất thường gặp trên lâm sàng và là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có đột quỵ. Ảnh: Universityhealthnews. |
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 70 tuổi, vào viện với lý do chóng mặt kéo dài, đi lại không vững.
Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt cách đó 2 tuần, đã tự gọi nhân viên y tế đến tiêm thuốc khoảng 10 ngày nhưng không đỡ, tình trạng ngày càng nặng. Vì vậy, gia đình quyết định đưa bệnh nhân vào viện.
Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh, chóng mặt bồng bềnh, buồn nôn, nôn nhiều, đi lại mất thăng bằng. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhồi máu não tiểu não hai bên, tín hiệu động mạch thân nền kém. Bệnh nhân được điều trị nội khoa phác đồ nhồi máu não.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân khởi phát triệu chứng chỉ có chóng mặt và nôn. Người dân thường nghĩ đến hội chứng tiền đình, không đi viện mà tự ý ở nhà tiêm thuốc bổ làm lỡ mất cơ hội cứu sống các tế bào não. Điều này dẫn đến có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.
Bệnh nhân tổn thương tiểu não gây rối loạn thăng bằng, dáng đi, chóng mặt kéo dài... Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm theo tín hiệu động mạch thân nền kém có nguy cơ tắc cao, gây triệu chứng nặng như hôn mê, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, có nguy cơ tử vong.
Triệu chứng chóng mặt rất thường gặp trên lâm sàng và là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có đột quỵ. Hiện nay, tổ chức đột quỵ đã đưa ra quy tắc BEFAST để nhận biết dấu hiệu đột quỵ. BEFAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ. Trong đó, B (BALANCE) diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
Do vậy, khi có triệu chứng chóng mặt xuất hiện, đặc biệt ở người cao tuổi và có nhiều bệnh lý nền, gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám loại trừ đột quỵ, không tự ý điều trị thuốc, tránh những hậu quả đáng tiếc.