Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Mỗi năm, đột quỵ giết chết 6 triệu người trên thế giới và khiến 5 triệu người bị tàn phế suốt đời.

Tại buổi tọa đàm “Đột quỵ: Có thể phòng ngừa?”, diễn ra tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, cho biết trên thế giới mỗi năm có 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm, trong đó có khoảng 6 triệu người tử vong, 5 triệu bệnh nhân sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. 

Ở Việt Nam ước tính mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ và hơn 30% bệnh nhân tử vong. 70% người "thoát khỏi cửa tử" sau cơn đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

dot quy anh 1
Bệnh nhân đột quỵ đã kịp thời qua cơn nguy kịch. Ảnh: Lê Phụng.

Những dấu hiệu đột quỵ luôn diễn ra âm thầm và không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Khoảng 20% bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nằm trong nhóm nguy cơ đột quỵ cao như rung nhĩ, tiểu đường, cao huyết áp, được chỉ định tầm soát đột quỵ.

Ở Việt Nam, nhiều còn còn chưa hiểu rõ về biến chứng này. Các triệu chứng ban đầu của đột quỵ như méo miệng, nói lắp bắp, rung tay chân nhưng nhiều người lại cho rằng bị trúng gió không chuyển bệnh nhân đến bệnh viện sớm. Sai lầm này khiến người bệnh phải phải gánh chịu những di chứng đáng tiếc.

Đặc biệt, bác sĩ Thắng khẳng định chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các biện pháp chích kim vào đầu ngón tay, ngón chân để giúp người đột quỵ vượt qua cửa tử. Thời gian vàng để cứu sống một bệnh nhân đột quỵ khi vừa xảy ra là 3-6 tiếng. Nếu qua thời gian này, bác sĩ dù chuyên môn cao cũng bất lực.

dot quy anh 2
Hội thảo khoa học về phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ. Ảnh: PV

Thông thường, việc điều trị cho người đột quỵ bằng cách sử dụng thuốc đánh tan tụ huyết khối. Thời gian tới, ngành đột quỵ sẽ áp dụng kỹ thuật can thiệp động mạch, mở ra hi vọng kéo dài thời gian vàng cho người đột quỵ lên 8 tiếng.

Những người mắc bệnh mạn tính như rung nhĩ có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách dùng thuốc kháng đông đường uống. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần giải quyết gốc rễ các bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.

“Các thuốc kháng đông đường uống không phải nhóm kháng vitamin K được xem là bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ. Các thuốc này có hiệu quả tương tự như thuốc kháng vitamin K, nhưng có những ưu điểm đã được chứng minh như tỷ lệ xuất huyết nội sọ thấp, liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần xét nghiệm máu, không cần theo dõi chỉ số INR (chỉ số theo dõi tình trạng đông máu) và thuận tiện sử dụng cho bệnh nhân,” TS.BS Thắng giải thích.

Sự an toàn và hiệu quả của thuốc kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K đã được tái khẳng định qua chương trình nghiên cứu XANTUS. Chương trình khảo sát 11.000 bệnh nhân tại 47 nước, trong đó có Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chứng minh tỷ lệ đột quỵ và xuất huyết nghiêm trọng (bao gồm xuất huyết nội sọ) thấp ở bệnh nhân rung nhĩ dùng thuốc kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K dùng ngày một lần. Cụ thể, tỷ lệ này lần lượt là 0.9% và 1.7%/ năm, đồng nhất với kết quả thử nghiệm lâm sàng pha III. 

Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 ca đột quỵ. Trong số đó, ngày càng có nhiều bệnh nhân từ 29-35 tuổi.

Điều đó chứng tỏ nhiều người trẻ Việt Nam có lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, hạn chế tập thể thao, làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Vì vậy, người dân có thói quen khám sức khỏe định kỳ, áp dụng chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao hợp lý, điều độ để bảo vệ sức khỏe.

Làm gì để tránh tàn tật sau khi đột quỵ?

Khoảng 15-25% bệnh nhân sau đột quỵ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Nguyên nhân là việc bắt đầu tập phục hồi chức năng quá muộn.


Hoài Nhơn

Bạn có thể quan tâm