Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phóng viên tử vong vì làm việc quá sức

Tháng 7/2013, nữ phóng viên Miwa Sado (Nhật Bản) qua đời do suy tim sau khi làm việc quá sức, nhưng sự việc chỉ mới được công bố trong tuần này.

Vào thời điểm xảy ra sự việc, Miwa Sado đang là phóng viên của đài truyền hình NHK (Nhật Bản). Cô đã làm thêm 159 giờ, chỉ nghỉ 2 ngày trong vòng một tháng trước khi tử vong.

Miwa Sado là phóng viên chuyên mảng chính trị, cô tham gia đưa tin cuộc bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo và bầu cử thượng viện Nhật Bản hồi tháng 6 và 7/2013. Nữ phóng viên này qua đời chỉ 3 ngày sau khi cuộc bầu cử thượng viện kết thúc.

chet do lam viec qua suc anh 1
Nữ phóng viên Miwa Sado của đài NHK.

Văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động Tokyo kết luận cô Miwa Sado chết do karoshi (thuật ngữ chỉ cái chết do làm việc quá sức). 

Masahiko Yamauchi, quan chức của ban tin tức thuộc NHK, giải thích đài truyền hình này đợi 4 năm mới công bố sự việc do sự tôn trọng với gia đình của nữ phóng viên Miwa Sado.

Cách đây không lâu, một nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu cũng tử vong do làm việc quá sức. Câu chuyện này một lần nữa dấy lên một cuộc tranh cãi trên khắp nước Nhật về quan điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhiều người kêu gọi hạn chế việc làm thêm giờ.

Tháng 4/2015, cô Matsuri Takahashi tự tử ở tuổi 24 khiến dư luận xôn xao. Cơ quan chức năng kết luận cái chết của nữ nhân viên này do căng thẳng kéo dài. Trước đó, Takahashi đã làm thêm hơn 100 giờ trong nhiều tháng.

Ngoài ra, nữ nhân viên nói trên đã đăng tải lên mạng xã hội các dòng trạng thái như: "tôi muôn chết", "tôi bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần".

Theo tờ Guardian, trong Sách Trắng đầu tiên về karoshi ở Nhật Bản được công bố năm 2016, chính phủ nước này cho biết cứ 5 người lao động thì 1 người có nguy cơ tử vong do làm việc quá sức. Tính đến tháng 3/2016, có 2000 người ở nước này đã tự sát vì stress. Trong khi đó, hàng chục nạn nhân khác chết vì đau tim, đột qụy hoặc các bệnh khác do làm việc quá sức.

Theo Sách Trắng nói trên, có 22,7% trong số các công ty được hỏi ý kiến từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016 cho biết một số nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Đây là cường độ làm việc bắt đầu gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy người lao động Nhật Bản làm việc kéo dài hơn đáng kể so với nhân viên ở Mỹ, Anh và các nước phát triển khác. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nhân viên ở Nhật Bản chỉ sử dụng trung bình 8,8 ngày nghỉ phép trong năm 2015, thấp hơn một nửa so với số ngày phép được hưởng.

Hồi năm 2015, nghiên cứu của Giáo sư Mika Kivimaki (Đại học London, Anh) được công bố trên tạp chí y khoa Lanchet, cho thấy những người làm việc hơn 55 giờ/tuần sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 33% và nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 13% so với những người làm việc từ 35 đến 40 giờ/tuần.

Sắp thử nghiệm vắc xin phòng cúm không phải tiêm lại hàng năm

Một loại vắc xin phòng cúm mới với tác dụng bảo vệ tốt hơn sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở Anh

Quang Minh

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm