- Chuyên gia nhận định số F0 tại Việt Nam chưa thể giảm trong vài tuần tới.
- TP.HCM chỉ đạo khẩn về yêu cầu xét nghiệm học sinh F1.
- Số ca mắc Covid-19 cả nước vượt ngưỡng 100.000 người. F0 tử vong tăng nhẹ.
"Số ca mắc mới chưa thể giảm trong vài tuần tới"
Trong tuần qua, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới không ngừng gia tăng nhanh chóng tại các địa phương. Đặc biệt, ngày 2/3, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 người. Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cả nước hiện tại hơn 3,7 triệu ca, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: "Số ca mắc Covid-19 sẽ phải tăng rồi mới giảm. Số người nhiễm nCoV chưa thể giảm được trong vài tuần tới".
Theo chuyên gia này, việc bùng phát dịch có thể do biến chủng Omicron đã lây lan quá nhanh trong cộng đồng cùng với sau Tết lượng người đi lại, giao lưu lớn. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là một bộ phận người dân chấp hành các quy định về cách ly, phòng dịch không nghiêm.
“Chúng ta chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn”, ông Trần Đắc Phu nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản triệt để sự lây lan của biến chủng này từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người nhiễm nCoV có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên.
Do đó, ông cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định số người nhiễm nCoV chưa thể giảm được trong vài tuần tới. |
Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), lại nhận định chúng ta đã tiêm đủ vaccine, việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay là đánh giá tỷ lệ người dân trong nước nhiễm biến chủng Omicron, chiếm bao nhiêu phần trăm để làm căn cứ bãi bỏ dần các quy định.
Ông nêu thực tế ở một số nước tiên tiến đã bỏ các quy định phòng chống dịch và “không làm gì hết” khi đánh giá tỷ lệ lây nhiễm Omicron khoảng 90%. Quan điểm của những nước này là chủng Omicron rất nhẹ, có thể để miễn dịch cộng đồng tự nhiên.
Vì thế, ở Việt Nam cũng cần xác định tỷ lệ này trên cả nước. Và khi chứng minh nhiễm biến chủng Omicron nhẹ nên để miễn dịch tự nhiên.
“Miễn dịch càng sớm thì càng mau chấm dứt dịch, chỉ cần bảo vệ nhóm người nguy cơ và tiêm chủng cho đủ”, ông Khanh nói.
Ông Khanh nhấn mạnh đã đến lúc xem việc nhiễm biến chủng Omicron như cúm mùa, chỉ nên tập trung vào việc bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như tiêm chủng đầy đủ và chuẩn bị sẵn thuốc đặc trị Covid-19.
TP.HCM bỏ quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp có F0
Chiều 2/3, theo quyết định mới nhất của UBND TP.HCM, không cần phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên toàn bộ F1, học sinh, giáo viên của lớp có F0. Thay vào đó, những trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 mới cần phải xét nghiệm.
Nhiều trẻ em mắc Covid-19 sau thời gian ngắn trở lại trường. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Việc xét nghiệm nhanh sẽ không cần do nhân viên y tế thực hiện hay giám sát như quy định trước. Phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều.
Sau đó, phụ huynh thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh xét nghiệm qua email, Zalo hay tin nhắn điện thoại.
Trường hợp gia đình không có điều kiện thực hiện test nhanh cho con tại nhà, phụ huynh có thể đưa học sinh đến trạm y tế để được nhân viên y tế thực hiện. Phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả âm tính gửi đến giáo viên được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh) để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày.
Sự điều chỉnh này cụ thể hóa đối tượng học sinh cần theo dõi sức khỏe. Công văn cũ chỉ yêu cầu lập danh sách học sinh mắc bệnh nền.
25 địa phương ghi nhận trên 2.000 F0
Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc mới trong ngày 2/3 tăng 11.537 ca so với ngày trước đó.
Đáng chú ý, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 20.866 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 12.691 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 7.994 ca.
Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới tại Việt Nam ở ngưỡng trên 100.000 F0 kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm tăng cao ở hầu hết tỉnh, thành phố.
Hà Nội tiếp tục lập "đỉnh" mới với 15.114 F0. Theo ghi nhận của Zing, sau nhiều ngày số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, đường phố trở nên vắng vẻ hơn dù không có lệnh giãn cách hay hạn chế người dân ra đường.
Sau Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng ghi nhận số ca nhiễm ở mức cao. Trong đó, 25 địa phương công bố hơn 2.000 ca bệnh trong ngày.
10 tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc Covid-19 trung bình cao nhất trong 7 ngày | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Quảng Ninh | Thái Nguyên | Nam Định | Phú Thọ | Bắc Giang | Hà Giang | Nghệ An | Bắc Ninh | Hưng Yên | |
Số F0 trung bình 7 ngày qua | Người | 11755 | 8339 | 5974 | 5803 | 4891 | 4451 | 3751 | 3304 | 3113 | 2963 |
Tại TP.HCM, số ca nhiễm mới có xu hướng tăng cao trở lại. Ngày 2/3, thành phố này phát hiện 2.746 F0, tăng 724 ca nhiễm.
Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch của TP.HCM, từ 21/2 đến 27/2, TP.HCM có 222/312 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh); 77 phường, xã cấp 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam).
Thành phố không có phường, xã ở cấp độ 4. Tuy nhiên, số địa phương ở cấp 3 tăng 12 xã, phường so với tuần trước đó (từ 14/2 đến 20/2 chỉ có một địa phương vùng cam).
Số ca nhiễm tăng mạnh liên tục trong nhiều ngày nhưng lượng bệnh nhân tử vong vẫn duy trì ở mức trên dưới 100 ca/ngày. Trong ngày 2/3, cả nước ghi nhận 114 ca tử vong, tăng 28 ca so với ngày trước đó. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 18 trường hợp. TP.HCM ghi nhận 2 trường hợp đều từ các địa phương khác chuyển đến.
Theo các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 chỉ tập trung tại nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ có thai chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine.