Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM

Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi tăng cường là biện pháp quan trọng giúp TP.HCM chủ động ứng phó với dịch Covid-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhiễm mới ở TP.HCM trong thời gian gần đây thường xuyên được ghi nhận ở ngưỡng 1.000-1.500 ca/ngày. Điển hình có ngày lên tới hơn 1.700 trường hợp. Trong khi đó, số lượng F0 tử vong tại TP.HCM (trừ nhóm chuyển đến từ địa phương khác) cũng dao động trong khoảng 50-80 ca/ngày.


Dù lãnh đạo thành phố khẳng định tình hình dịch đang trong tầm kiểm soát, việc số ca nhiễm tăng nhanh vẫn mang đến lo ngại về nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Để hạn chế mối nguy cơ này, các chuyên gia cho rằng giải pháp là đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vaccine tăng cường, củng cố hệ thống y tế, chuẩn bị số lượng giường hồi sức, trang thiết bị y tế.

Dự báo

Vừa qua, thạc sĩ Ngô Hoàng Anh và tiến sĩ Romain Ragonnet, dưới sự hỗ trợ và theo dõi của Đơn vị Mô hình hóa Dịch tễ tại Đại học Monash (Australia), đã phân tích và cung cấp dự báo liên quan tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM. Quá trình phân tích cũng được bà Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook Việt Nam, làm đầu mối dữ liệu và tư vấn về các kịch bản chính sách.

Mô hình được hiệu chỉnh với 3 dữ liệu gồm số ca dương tính được cung cấp bởi Sở Y tế TP.HCM, số giường hồi sức tích cực và số ca tử vong hàng ngày. Các dữ liệu này được thu thập từ ngày 25/5 đến 1/12 vừa qua.

du bao lan song dich covid-19 tai tp.hcm anh 1

Kết quả về số ca nhiễm, lượng giường bệnh, giường ICU và số người tử vong nếu biến chủng Omicron xuất hiện tại TP.HCM từ ngày 1/1/2022. Ảnh: Chuyên gia cung cấp.

Kết quả cho thấy nhiều khả năng từ nay đến cuối tháng 3/2022, TP.HCM sẽ phải đối mặt với ít nhất một làn sóng dịch mới. Độ lớn của làn sóng dịch này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực thi các biện pháp kiểm soát của thành phố.

Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến 30/6/2022, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của thành phố sẽ dao động trong khoảng 700.000-1.200.000 người (trung bình khoảng 3.300-5.000 ca/ngày). Bên cạnh đó, số F0 tử vong trong thời gian trên cũng sẽ ở khoảng 11.500-26.000 ca (trung bình khoảng 54-123 ca/ngày).

Như vậy, số ca nhiễm mới được dự báo sẽ tăng khoảng 2-4 lần so với thời điểm hiện tại. Số ca tử vong cũng tăng khoảng 1,5-2 lần. Cũng từ dự báo trên, số giường hồi sức tích cực (gồm ECMO, thở máy xâm lấn và không xâm lấn) TP.HCM cần chuẩn bị trong thời gian này là khoảng 1.700.

Hiện nay, thế giới chưa có bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vaccine đối với biến chủng Omicron. Do đó, các ước tính trên chỉ dựa vào giả định tạm thời. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đánh giá nếu tình trạng trên xảy ra, hệ thống y tế của TP.HCM sẽ chịu áp lực khá lớn.

Giải pháp

Với những dự báo trên, các nhà nghiên cứu gợi ý biện pháp hàng đầu trong việc phòng, chống dịch Covid-19, mang lại hiệu quả nhất cho TP.HCM là nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi 3) sau 6 tháng. Đối tượng ưu tiên là nhóm có nguy cơ cao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và trường hợp mắc bệnh nền…

Thậm chí, các chuyên gia này cũng khuyến khích TP.HCM có thể xem xét tiêm mũi tăng cường sau 3 tháng nếu nguồn cung vaccine cho phép.

du bao lan song dich covid-19 tai tp.hcm anh 2

Những người đầu tiên tại TP.HCM được tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với sự nguy hiểm từ biến chủng mới ở Nam Phi, việc tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 có giá trị rất lớn.

“Mũi vaccine tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia”, vị chuyên gia này cho hay.

Một biện pháp quan trọng khác cũng được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh là nâng số giường hồi sức tích cực (ICU).

“Mục đích của việc tăng số giường hồi sức tích cực là nâng cao khả năng chịu đựng của ngành y tế với các phạm vi dịch”, bác sĩ Cấp nói.

du bao lan song dich covid-19 tai tp.hcm anh 3

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông, với Covid-19, dù độ bao phủ vaccine trong cộng đồng cao, chúng ta vẫn phải đối diện với tỷ lệ diễn biến nặng nhất định. Khi chưa tiêm vaccine, tỷ lệ này là khoảng 20%. Sau khi bao phủ vaccine, con số này có thể giảm xuống dưới 10%.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh: “Chúng ta mở rộng năng lực hồi sức đồng nghĩa với việc mở rộng khả năng đáp ứng với tổng số bệnh nhân nhiễm virus. Ví dụ, trước đây khi có khoảng 10.000 ca mắc, thành phố đã phải phong tỏa và giãn cách xã hội để bảo vệ hệ thống điều trị. Hiện nay khi mở rộng số giường hồi sức, chúng ta có thể sẵn sàng đối mặt với tình huống ghi nhận hàng trăm nghìn ca mà không phải phong tỏa, giãn cách xã hội. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống vẫn được duy trì ngay cả khi có dịch”.

Để giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng TP.HCM phải nhanh chóng giải quyết vấn đề bệnh nhân Covid-19 không được tiếp cận sớm với y tế. Tình trạng này có thể đến từ việc hệ thống y tế bị quá tải, y bác sĩ không tới kịp khi nhận thông tin từ người dân, việc truyền thông chưa đủ mạnh. Thậm chí, chúng ta cần loại bỏ việc chủ quan, coi thường diễn biến nặng dẫn đến không theo dõi sát F0.


Sở Y tế TP.HCM từng nhận định bài học kinh nghiệm quan trọng trong đợt bùng phát dịch vừa qua là huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong giai đoạn hầu hết lực lượng chi viện đã rút khỏi thành phố.

Do đó, cơ quan này cũng vừa vận động, kêu gọi khoảng 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ngoài ra, PGS Đỗ Văn Dũng còn khuyến khích TP.HCM củng cố lại vấn đề nhân lực trong hệ thống điều trị thông qua kêu gọi sinh viên các ngành y tế trực tiếp tham gia chống dịch trong thời gian tới.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng trong thời gian tới, người dân thành phố cần hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong phòng kín. Mọi người cũng chỉ nên di chuyển khi thực sự cần thiết, nhất là dịp Giáng sinh và năm mới sắp đến.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng đã phê duyệt quyết định Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, địa phương đưa ra 6 chiến lược để thích ứng với dịch gồm:

- Chiến lược bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân.

- Chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.

- Chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

- Chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện.

- Chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, tập trung vào hệ thống y tế cơ sở.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ F0 tử vong tại TP.HCM còn cao

Dù chênh lệch về số ca nhiễm mới hàng ngày không lớn, lượng người tử vong do Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian qua vẫn cao hơn hẳn Hà Nội.

Thêm 16.104 ca mắc Covid-19, Bình Phước có 1.164 F0

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất trong 24 giờ qua là TP.HCM (1.441), Bình Phước (1.164), Tây Ninh (903).

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm