Ngày 10/9, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Theo Sixth Tone, các hành vi phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam sẽ bị cảnh cáo, khiển trách. Cơ quan chức năng có nhiệm vụ giám sát, xử lý tranh chấp liên quan tới phân biệt giới tính trong môi trường làm việc.
"Các nhà tuyển dụng không thể chỉ chọn ứng viên nam hay ưu tiên người nam hơn nữ trừ khi có quy định cụ thể từ chính quyền", bản kế hoạch nêu rõ.
Nhiều công ty ở Trung Quốc chỉ tuyển nam giới, hoặc ưu tiên nam giới hơn nữ giới vì sợ phải chi trả thêm chi phí. Ảnh: China Daily. |
Quy định trên lặp lại thông báo năm 2019 về các hình thức xử phạt đối với hành vi tuyển dụng bất bình đẳng giới. Luật tuyển dụng lao động ở nước này cũng cấm phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, tôn giáo và giới tính, tuy nhiên không đề cập đến các nhóm thiểu số khác.
Giới chuyên gia về quyền cho giới nhận định quyết tâm xóa bỏ tình trạng phân biệt nam - nữ của chính phủ là bước tiến mới, song tỏ ra lo ngại về cách hiện thực hóa mục tiêu này.
Thực tế, dù bất hợp pháp, một số công ty vẫn không muốn thuê phụ nữ hoặc người mới làm mẹ vì sợ phải trả thêm chi phí, chậm tiến độ công việc.
Hồi tháng 1, Chi hội Phụ nữ địa phương thuộc Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc ở phía tây nam tỉnh Quý Châu đã chỉ ra một công ty trong danh sách Fortune 500 chỉ tuyển ứng viên là nam.
"Việc triển khai chính sách sẽ không dễ dàng. Nhà tuyển dụng có thể không ghi 'chỉ tuyển nam' lên thông báo, nhưng sẽ loại bỏ các ứng viên nữ trong quá trình lọc hồ sơ", một dân mạng bình luận dưới bài viết về kế hoạch này.
Chen Yaya, nhà nghiên cứu về giới tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với Sixth Tone rằng kế hoạch của chính phủ có chủ đích tốt, song chưa chắc đem lại hiệu quả.
"Có nhiều chính sách nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới, nhưng đều chưa thực sự giải quyết vấn đề. Dù kế hoạch lần này có những biện pháp cụ thể, nó mới dừng lại ở những khuyến cáo, cảnh báo", bà Chen nói.
Một số chuyên gia cho biết kế hoạch mới không bao gồm các đối tượng thuộc nhóm thiểu số như cộng đồng LGBT hay các lao động nhiễm HIV. Ảnh: The Atlantic. |
Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng kế hoạch trên chưa bao gồm các nhóm thiểu số giới tính, những lao động nhiễm HIV.
Một khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm LGBT Bắc Kinh và ĐH Bắc Kinh cho thấy khoảng 75% trong số 3.400 người được hỏi không hài lòng với các chính sách chống phân biệt đối xử của các nhà tuyển dụng.
Một báo cáo khác được công bố năm 2016 chỉ ra cộng đồng LGBT thường bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc.
Cui Le, chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Auckland, cho biết kế hoạch có thể đặt ra mục tiêu chi tiết hơn để bảo vệ quyền con người, chống phân biệt dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới.
"Sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại ở nơi làm việc, bất chấp các quy định liên quan. Các giáo viên là người đồng tính vẫn bị kỳ thị vì xu hướng tính dục của họ", anh cho biết.
Năm 2015, khi tuyên bố công khai mình là người đồng tính, Cui Le trở thành cái tên bị nhắc đến trên các tiêu đề tin tức ở báo chí địa phương, cũng như chịu sự theo dõi gắt gao từ phía trường học nơi anh làm việc ở Trung Quốc.