Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Hồi giáo phẫn nộ vì bị rao bán trên mạng

Sự phân biệt giới tính cùng tâm lý bài xích đạo Hồi khiến những phụ nữ này trở thành mục tiêu bị tấn công trên mạng.

Đầu tháng 7, phi công kiêm nhà đấu tranh nữ quyền Hana Mohsin Khan là một trong 80 phụ nữ đạo Hồi bị đăng ảnh lên ứng dụng Sulli Deals. Cái tên này là một cụm từ xúc phạm phụ nữ Hồi giáo, thường được dùng bởi đàn ông Hindu cánh hữu.

Trên trang web, người dùng được mời mua những phụ nữ bị đăng hình như trong buổi đấu giá. Dù không thực sự buôn bán phụ nữ, ứng dụng này khiến nhiều người như Khan cảm thấy sợ hãi, tổn thương và tức giận.

Hai tháng sau, trang web được gỡ xuống bởi nền tảng GitHub của Mỹ. Tuy nhiên, những người phụ nữ vẫn giận dữ khi kẻ tạo ra trang web chưa bị bắt giữ.

phu nu Hoi giao An Do bi tan cong tren mang anh 1

Hana Mohsin Khan bị đăng ảnh lên trang web "rao bán" phụ nữ Sulli Deals. Ảnh: CNN.

Phân biệt giới tính, bài xích Hồi giáo

Vụ việc này làm nổi bật sự phân biệt đối xử với phụ nữ đạo Hồi trong xã hội Ấn Độ, nơi Hindu giáo thống trị. Nhiều người ủng hộ nữ quyền phải chịu sự tấn công trên mạng xã hội.

Nhưng họ sẽ không im lặng chịu đựng.

Dù có luật cho tội phạm mạng, Ấn Độ không có chính sách cụ thể chống hành vi tấn công trực tuyến, dù ngày càng nhiều phụ nữ nơi đây gặp phải vấn nạn này.

Khan và các nhà hoạt động nữ quyền nói rằng họ trở thành mục tiêu vì mạnh mẽ chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới ở Ấn Độ.

Trên nhiều phương diện, tình trạng bình đẳng giới tại quốc gia này còn kém phát triển. Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có ít hơn 1/4 phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động. Số tiền họ kiếm được thậm chí chỉ bằng 1/5 so với đàn ông.

Báo cáo cho biết thêm rằng tình trạng bạo lực với nữ giới vẫn là một vấn đề nan giải. Hơn 1/4 phụ nữ Ấn Độ bị từng bị bạn tình lạm dụng hoặc kiểm soát.

Vì thẳng thắn nói lên những vấn đề trên, Khan thường xuyên nhận bình luận thù ghét trên Twitter, chủ yếu từ đàn ông. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ảnh cô xuất hiện trên Sulli Deals.

"Đàn ông bị đe dọa bởi những phụ nữ quyết đoán ở đất nước chúng tôi. Phụ nữ Hồi giáo thẳng thắn, mạnh mẽ là hiểm họa lớn nhất trong mắt họ", cô nói.

phu nu Hoi giao An Do bi tan cong tren mang anh 2

Nabiya Khan, nhà thơ kiêm nhà đấu tranh nữ quyền, cảm thấy phẫn nộ vì khiếu nại của mình không được hồi đáp. Ảnh: CNN.

Sau khi các bức ảnh "đấu giá" lan truyền trên mạng xã hội, 21 phụ nữ đã tham gia nhóm WhatsApp để hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả nhà thơ Nabiya Khan.

Nabiya Khan thường xuyên đăng bài viết trên Twitter để khuếch đại tiếng nói của nhóm yếu thế trong xã hội Ấn Độ. Điều này khiến cô trở thành mục tiêu của những kẻ đứng đằng sau Sulli Deals.

Cô đã báo cáo vụ việc với cảnh sát nhưng không nhận được phản hồi gì.

"Tôi đã hy vọng rằng khiếu nại của mình sẽ được hồi đáp công tâm, nhưng thực tế không như vậy. Điều này khiến tôi rất phẫn nộ", cô nói.

Trong số 580 triệu phụ nữ Ấn Độ, khoảng 6,5% là người Hồi giáo, theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất của chính phủ vào năm 2011.

Việc tấn công trực tuyến là biểu hiện của sự bài xích người Hồi giáo ở Ấn Độ, theo nhóm của Khan.

Vào năm 2019, quốc hội Ấn Độ đã thông qua một dự luật cho phép người nhập cư từ 3 quốc gia láng giềng có cơ hội trở thành công dân, ngoại trừ người Hồi giáo.

Thành kiến chống Hồi giáo cũng có mặt trong lực lượng cảnh sát của nước này. Báo cáo năm 2019 cho thấy khoảng một nửa số cảnh sát Ấn Độ được khảo sát cho rằng người Hồi giáo "có xu hướng phạm tội".

Vấn nạn không được giải quyết

Tấn công trên mạng là một vấn đề lớn ở Ấn Độ, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Theo báo cáo năm 2019 từ Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nữ chính trị gia Ấn Độ bị tấn công trực tuyến gần gấp đôi so với đồng nghiệp của họ ở Mỹ và Anh.

Báo cáo đã xem xét 7,1 triệu tweet đề cập đến các chính trị gia nữ và phát hiện ra rằng gần 1 triệu bài đăng có nội dung lăng mạ, thù địch và phân biệt giới tính.

Tại Ấn Độ, nhiều vụ tấn công trực tuyến không được báo cáo, theo chuyên gia luật mạng Karnika Seth.

"Trong nhiều vụ việc, gia đình và nạn nhân chỉ muốn kết thúc mọi chuyện, đặc biệt là với những trường hợp bị rình rập trên mạng", cô nói.

phu nu Hoi giao An Do bi tan cong tren mang anh 3

Pháp luật Ấn Độ chưa có cách đối phó cụ thể với nạn bắt nạt trên mạng. Ảnh: Al Jazeera.

Trong phiên họp quốc hội ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet đã gây ra "sự gia tăng tội phạm mạng trên toàn thế giới".

Tuy nhiên, Ấn Độ không có giải pháp thống nhất để chống bắt nạt trên mạng. Số trường hợp được báo cáo với cảnh sát cũng rất thấp.

Năm 2017, chỉ có 7 vụ tấn công trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em được báo cáo tại Ấn Độ. Con số này đã tăng lên 40 vào năm 2018 và 45 vào năm 2019, theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia.

Các nhà hoạt động xã hội nói rằng hệ thống hình sự của Ấn Độ rất khó để hiểu và điều hướng. Vì vậy, nhiều nạn nhân không muốn nộp đơn tố cáo. Nếu họ làm vậy, các luật sư phải trình lên tòa bằng chứng được lấy từ thiết bị của bị cáo, một điều gần như bất khả thi, Seth nói.

Khi đơn tố cáo được đưa ra tòa, nạn nhân phải đợi nhiều năm để có phán quyết.

"Còn rất nhiều vấn đề tồn đọng với tội phạm mạng. Cảnh sát cũng không được trang bị tốt", Seth bày tỏ.

Hana Mohsin Khan cho biết việc chính quyền không hành động thể hiện Ấn Độ thiếu sự hỗ trợ dành cho nạn nhân của tấn công trực tuyến.

Nabiya Khan nói rằng cô sẽ không ngừng lên tiếng chống lại vấn nạn này và "bảo vệ phụ nữ bằng tất cả những gì tôi có".

"Phụ nữ Hồi giáo sẽ không bị đàn áp trong im lặng", cô tuyên bố.

Tiếp viên hàng không ở UAE bỏ việc vì bị kiểm tra cân nặng

Duygu Karaman bị kiểm tra cân nặng ngẫu nhiên trong 3 năm sau khi một đồng nghiệp báo với cấp trên rằng cô “thừa cân”.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm