Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ quán ở TP.HCM: '200 khách nhắn hỏi nhưng chưa biết khi nào mở bán'

Trước sự hối thúc của khách quen, chủ quán ăn, tiệm cà phê ở TP.HCM sốt ruột nhưng chưa thể kinh doanh trở lại vì gặp nhiều khó khăn.

“TP.HCM cho phép quán ăn bán mang đi, một tín hiệu tích cực sau chuỗi ngày dài đóng cửa. Bà con chờ được ăn món gì nhất ạ?”.

Nguyễn Đức Nhật Thuận (sinh năm 1990), chủ quán ăn Cà Mèn (quận Phú Nhuận), viết trên mạng xã hội, ngay sau khi TP.HCM ra thông báo cho phép hàng quán hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi vào tối 8/9.

Chỉ sau một đêm, Thuận nói với Zing anh nhận được hơn 200 tin nhắn của khách hỏi về kế hoạch mở cửa trở lại của quán.

“Ai cũng chờ đợi ngày này lâu lắm rồi nhưng cụ thể ra sao thì phải đợi thêm 1-2 ngày nữa. Theo thông báo hiện tại, bên mình gặp nhiều khó khăn nên chưa thể bán lại ngay. Hy vọng sau 15/9 sẽ bán được một vài món cơ bản”.

hang quan tphcm ban mang di anh 1

Nhiều hàng quán tại TP.HCM vẫn chưa mở cửa dù đã được bán mang đi. Ảnh: Phương Lâm.

Chủ vừa khỏi Covid-19, nhân viên đang cách ly

Với quy định hiện tại của thành phố, Thuận cho biết anh gặp 4 khó khăn trong việc mở cửa trở lại.

Đầu tiên, để đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”, quán sẽ phải lo thêm chỗ ở cho nhân viên. “Mấy tháng nay quán trở thành bếp từ thiện nấu cơm tặng bệnh viện nên vẫn có một vài người ở lại, nhưng giờ kinh doanh, phải cần nhiều nhân sự hơn và sẽ không đủ chỗ”.

Theo Thuận, việc test Covid-19 2 ngày/lần cũng là yêu cầu khó thực hiện. “Thứ 3 là nguồn hàng. Hiện mua đồ cho gia đình ăn còn khó, huống gì mua nguyên liệu để nấu”.

Và cuối cùng, bán online điều quan trọng nhất là phải có người giao nhưng trong điều kiện hiện tại rất khó để đặt được shipper. Ngoài ra phí ship quá đắt cũng là vấn đề.

“Hy vọng tới lúc mở lại, book phát nào có shipper phát đó, chứ đợi mấy tiếng mới có một shipper thì khổ lắm”, Thuận nói.

hang quan tphcm ban mang di anh 2

Nhiều chủ quán lo khó đặt shipper khi mở bán mang đi. Ảnh: Phương Lâm.

Cũng gặp những khó khăn tương tự như quán của Thuận, Nguyễn Mai Phương Anh (sinh năm 1992), chủ một tiệm cà phê ở quận 3, cho biết hiện vẫn chưa tính trước được ngày nào sẽ kinh doanh trở lại.

Theo Phương Anh, quy định áp dụng cho việc bán mang đi hiện đảm bảo cho việc phòng ngừa dịch bệnh nhưng gây nhiều khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

“Việc hoạt động trở lại chỉ áp dụng cho các quán có đăng ký kinh doanh, thì các quán nhỏ lẻ hoặc gia đình ít có giấy tờ này. Việc đáp ứng tiêm ngừa và xét nghiệm âm tính 2 ngày/lần cũng rất khó”.

Phương Anh, F0 vừa xuất viện 3 tuần trước, nói thêm quán cần thời gian để từng bước thiết kế lại quy trình hoạt động cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. “Bên cạnh đó, mình cũng phải sắp xếp lại nhân sự vì nhiều nhân viên cũ hiện vẫn trong khu phong tỏa”.

Nửa mừng nửa lo

Anh L.Đ.D (sinh năm 1987), đại diện một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đường Cao Thắng, quận 3, cho biết khi nhận được thông tin TP.HCM cho phép mở bán mang đi, anh và mọi người “nửa mừng, nửa lo”.

Để hoạt động trở lại, chuỗi quán ăn của anh phải giải quyết nhiều bài toán nhức đầu như nơi cung cấp nguyên liệu, nguồn lao động, phương án “3 tại chỗ”, xét nghiệm, giấy đi đường và quan trọng nhất là cân đối doanh thu để bù đắp chi phí vận hành.

Ngoài những nỗi lo trên, anh cũng e ngại việc chỉ thị sẽ thay đổi liên tục khi các mô hình kinh doanh chưa kịp ổn định. Hiện anh và các thành viên trong ban lãnh đạo vẫn đang thảo luận để xem xét tình hình, chốt kế hoạch cụ thể cho giai đoạn sắp tới.

Anh L.Đ.D cho biết thêm để duy trì hoạt động suốt mùa dịch, bên anh đã chuyển sang mảng bán lẻ thực phẩm từ tháng 7/2021 sau khi tạm ngưng dịch vụ ăn uống.

Ngoài ra, anh cũng tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như phát khoai lang tím miễn phí cho người đi đường và lao động nghèo tại TP.HCM.

hang quan tphcm ban mang di anh 3

Ông chủ 33 tuổi quyết định không mở bán trở lại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Ảnh: Gia Bảo.

Trong khi đó, sức khỏe là nỗi lo duy nhất của anh Trần Thanh Tùng (33 tuổi), chủ quán cà phê Monkey in Black (quận 10), khi TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống được mở bán mang đi từ ngày 8/9.

Theo anh, việc hoạt động trở lại sẽ không tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là giữa nhân viên và shipper.

Vì thế, anh quyết định tạm thời chưa cho quán cà phê hoạt động lại để chờ tình hình khả quan hơn. Thay vào đó, ông chủ 33 tuổi tiếp tục đẩy mạnh việc bán nguyên liệu đóng gói lên sàn thương mại điện tử.

“Nếu nhận các đơn hàng online sẽ có nhiều shipper tụ tập trước quán. Các nhân viên của quán chỉ mới tiêm mũi 1 nên tôi không yên tâm khi mở cửa”, anh Tùng nói với Zing.

Chủ quán cà phê Monkey in Black chia sẻ việc bán sản phẩm đóng gói trên các app trực tuyến chỉ đủ lấy 1/10 doanh số, không đủ trả tiền lương trong các tháng vừa rồi và lỗ rất nhiều. Tuy nhiên, anh nghĩ an toàn là trên hết và đây là cách tốt nhất để bảo vệ nhân viên, khách hàng và cộng đồng giữa dịch Covid-19.

“Từ góc nhìn doanh nghiệp, việc được tiếp tục buôn bán là niềm vui to lớn. Thế nhưng, về cá nhân, tôi vẫn hướng đến sức khỏe chung của mọi người nhiều hơn. Mong muốn lớn nhất lúc này của tôi là chiến dịch tiêm chủng thành công để doanh nghiệp yên tâm phần nào khi đi vào hoạt động”, anh Tùng nói thêm.

Kể từ khi dịch bệnh hoành hành, quán cà phê của anh Tùng từng phải đóng cửa 3 lần. Ngày 27/5, anh tạm ngừng kinh doanh sau khi hay tin các ổ dịch trên địa bàn TP.HCM bùng phát trở lại.

Những lần đóng cửa dài hạn gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế nhưng anh vẫn quyết không bán mang về.

Bỏ homestay ở Đà Lạt, cô gái về TP.HCM tham gia chống dịch

Vô tình trở thành F0 sau 3 tháng trở về TP.HCM, Thủy Ngân vẫn tiếp tục công việc tình nguyện, chăm sóc các sản phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương.

Huệ Lâm - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm