Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Dù đã tiêm vaccine, tôi vẫn đeo khẩu trang'

Nỗi lo nhiễm bệnh khiến nhiều người Mỹ vẫn giữ khẩu trang trên mặt dù đã tiêm chủng đầy đủ.

Bất cứ khi nào đi mua nhu yếu phẩm, Joe Glickman đều đeo khẩu trang N95 lên mặt, rồi lại thêm một chiếc khẩu trang vải lên trên. Sau đó, anh đeo một cặp kính bảo hộ, theo New York Times.

Biện pháp phòng chống dịch bệnh này được Glickman, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp kiêm nhạc sĩ ở thành phố Albany (bang New York, Mỹ), áp dụng trong suốt 14 tháng qua.

tiem vaccine Covid-19 van deo khau trang anh 1

Joe Glickman bịt mặt kín mít khi đi mua nhu yếu phẩm. Ảnh: Cindy Schultz/New York Times.

Nó không hề thay đổi dù Glickman từng dương tính với Covid-19 hồi tháng 11 năm ngoái, hay ngay cả khi anh đã tiêm vaccine vào đầu tháng 5 vừa qua.

Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, Glickman vẫn quyết định tiếp tục biện pháp đeo 2 lớp khẩu trang và kính bảo hộ ít nhất 5 năm tiếp theo.

Anh không phải trường hợp duy nhất ở xứ cờ hoa đi ngược với xu thế cởi bỏ khẩu trang sau một năm gắn bó với chúng.

Không ngại khi là người duy nhất đeo khẩu trang

Đối với những người như Glickman, nỗi lo lắng dịch bệnh kết hợp với thông tin mù mờ về các biến thể virus SARS-CoV-2 mới và cả sự xuất hiện của nhóm dự trữ vaccine đồng nghĩa rằng cuộc sống không cần khẩu trang vẫn còn xa vời.

“Tôi chẳng ngại khi là trở thành nhóm thiểu số trong xã hội vẫn còn đeo khẩu trang. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ là người duy nhất”, Glickman nói với New York Times.

Nhiếp ảnh gia cho biết anh từng bắt gặp nhiều ánh mắt kỳ thị của người lạ trên đường chỉ vì anh vẫn đeo khẩu trang kín mít.

Cho dù được may bằng vải thô hay chất liệu polypropylene, khẩu trang nổi lên như một vấn đề chính trị gây tranh cãi, thậm chí bạo lực trong thời gian đại dịch.

Bản đồ các tiểu bang thực thi việc đeo khẩu trang có mối liên hệ mật thiết đến cách người dân nơi đó bỏ phiếu cho tổng thống nào trong đợt bầu cử mới đây.

tiem vaccine Covid-19 van deo khau trang anh 2

Nhóm người biểu tình ở bang Idaho (Mỹ) đốt khẩu trang trước cửa cơ quan lập pháp, trong đó có trẻ em. Ảnh: OPB.

Năm 2020, nhiều người đã tổ chức các cuộc biểu tình để chống lại yêu cầu đeo khẩu trang của chính quyền, thậm chí đốt chúng để phản đối. Một số khác la hét, chửi bới dữ dội tại nơi công cộng, chẳng hạn ở siêu thị, khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, ngay cả khi ngày càng có nhiều người Mỹ tiêm vaccine và các hạn chế liên quan đến dịch bệnh được nới lỏng, khẩu trang tiếp tục là trung tâm của những cuộc ẩu đả ở xứ cờ hoa.

Lần này, những người lựa chọn vẫn đeo chúng trở thành mục tiêu cho sự phẫn nộ của công chúng.

“Tôi thật bối rối. Tại sao mọi người lại quan tâm nếu ai đó muốn đeo khẩu trang nơi công cộng đến thế?”, Dan Rather, một nhà báo kỳ cựu đã về hưu, chia sẻ trên trang cá nhân.

Đơn giản hóa cuộc sống

Theo hướng dẫn mới nhất từ ​​Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ít nhất 20 tiểu bang bãi bỏ quy định đeo khẩu trang, hoặc ban hành lệnh cho phép những người đã tiêm chủng được miễn đeo khẩu trang. Một số bang còn lại vẫn đang xem xét tình hình.

Thế nhưng, đối với một số người, khó có phương thức nào có thể thuyết phục họ để trần gương mặt của mình. Sau một năm biến động, họ đã quen với những chiếc khẩu trang và vui mừng vì sự an toàn gấp bội mà chúng đem lại.

Những người đã được tiêm chủng mà đeo khẩu trang cho biết họ ngày càng chịu nhiều áp lực, đặc biệt trong thời gian gần đây, theo New York Times.

Bạn bè và gia đình khuyên họ nên thư giãn, cởi bỏ miếng vải trên mặt, thậm chí cho rằng họ bị hoang tưởng.

tiem vaccine Covid-19 van deo khau trang anh 3

"Hành trang" trước khi ra đường của Joe Glickman. Ảnh: Cindy Schultz/New York Times.

Barry J. Neely (41 tuổi), một nhà soạn nhạc đến từ Los Angeles (bang California), mắc virus SARS-CoV-2 hồi tháng 3 năm ngoái và phải chiến đấu với các triệu chứng của bệnh trong nhiều tháng.

Neely cũng đấu tranh với cảm giác tội lỗi rằng không biết liệu mình có vô tình lây nhiễm cho những ai chưa.

Hiện anh dự định sẽ đeo khẩu trang bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi trong người. Nhà soạn nhạc cho biết anh học hỏi điều đó từ các quốc gia Đông Á - nơi đeo khẩu trang lúc ốm được coi là một hành động chu đáo đối với xã hội.

“Đeo khẩu trang đâu phải việc khó khăn. Tác hại của chúng là gì được chứ?”, anh nói.

Một số khác chọn đeo khẩu trang vĩnh viễn bởi những chấn thương tâm lý từ dịch Covid-19.

Bản thân họ từng nhiễm virus hoặc chứng kiến người thân qua đời vì căn bệnh này. Việc cởi bỏ khẩu trang khiến họ cảm thấy “mong manh”, dễ bị tổn thương một cách đáng sợ.

Những di chứng hậu Covid-19 dường như khá phổ biến. Một khảo sát gần 400 bệnh nhân Covid-19 từ bệnh viện Agostino Gemelli (Italy) cho thấy khoảng 30% trong số đó phát triển chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương sau khi trải qua bệnh nặng.

tiem vaccine Covid-19 van deo khau trang anh 4

Một số người thấy việc đeo khẩu trang trở nên quen thuộc, thậm chí yêu thích nó. Ảnh: Pexels.

Một số khác lại ngạc nhiên khi thấy bản thân thích thú với việc ẩn mình, trở nên vô danh sau chiếc khẩu trang.

“Là một phụ nữ, tôi cảm thấy mình phải trang điểm một chút, kẻ mắt, son môi rồi đánh má hồng khi đến nơi công cộng. Với khẩu trang, tôi không cần làm vậy nữa. Nó đã đơn giản hóa cuộc sống của tôi”, Keela Samis (57 tuổi), một luật sư từ thành phố St.Petersburg (bang Florida), nói với New York Times.

Nữ luật sư vẫn quyết định sẽ đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine. Bà cho biết: “Ngay cả khi tôi là người duy nhất trên hành tinh tiếp tục đeo khẩu trang, và nếu đó là điều khiến tôi cảm thấy thoải mái, tôi vẫn sẽ làm vậy”.

Nhà giàu Thái Lan bất chấp nguy cơ để bay ra nước ngoài

“Chúng tôi cũng cần được đi du lịch. Nghe điên rồ thật nhưng chúng tôi thực sự muốn nghỉ dưỡng”, một phụ nữ người Thái Lan cho biết.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm