Về nước, công việc đầu tiên mà Phương Oanh nhận được chỉ có mức lương 9 triệu đồng. Ảnh minh họa: Pexels. |
“Sau khi du học và trở về Việt Nam, mình nhận công việc đầu tiên với mức lương không mấy vui vẻ, chỉ 9 triệu đồng”.
Đây là chia sẻ của Phương Oanh, cựu du học sinh ngành Kinh doanh sáng tạo tại Phần Lan, chia sẻ trong sự kiện sự kiện Ngày hội Giáo dục châu Âu diễn ra vào sáng 19/10.
Ngoài những chia sẻ chân thực về cơ hội việc làm, Phương Oanh cùng các cựu du học sinh châu Âu khác cũng nói thêm về bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ nếu muốn lựa chọn châu Âu là điểm đến học tập trong thời gian tới.
Du học tốn kém, đi làm lương lại thấp?
Nói thêm về việc quay về Việt Nam làm việc sau khi du học, Oanh cho biết ngay sau khi tốt nghiệp, cô nhận công việc đầu tiên ở Việt Nam với mức lương chỉ với 9 triệu đồng.
Khi đó, cô từng cảm thấy buồn vì mức lương không được cao như mong đợi. Dù vậy, Oanh vẫn tin rằng tấm bằng đại học ở châu Âu có thể giúp bản thân tiến xa hơn.
Tấm bằng đại học ở châu Âu là bàn đạp giúp nhiều du học sinh tiến xa hơn sau khi ra trường. Ảnh: BTC. |
Kết quả, niềm tin của cô gái trẻ đã đúng. Chỉ sau 2-3 năm, cựu du học sinh Phần Lan thuận lợi thăng tiến và đạt được mức lương cao hơn so với mặt bằng chung. Trình độ, bằng cấp của cô cũng được ban lãnh đạo các công ty đánh giá cao hơn, dù thời gian đầu, kinh nghiệm làm việc không bằng các bạn cùng trang lứa.
Ngoài tấm bằng đại học, Oanh cho biết thêm rằng du học châu Âu cũng giúp cô có thêm bước đệm vững chắc về mặt kỹ năng để tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Cụ thể, khi học ở Phần Lan, cô gái được học cách phát triển thái độ, tư duy logic cũng như khả năng thích nghi ở mọi hoàn cảnh. Chính điều này giúp Phương Oanh có thể nhanh chóng làm quen với môi trường làm việc mới ngay khi trở lại Việt Nam.
“Trên mạng có nhiều tranh cãi về việc du học là hoang phí, đi làm với mức lương không đủ bù tiền du học, cá nhân mình lại cho rằng việc bỏ tiền bạc, công sức để du học sẽ không bao giờ là uổng phí. Dù mức lương khởi điểm của mình hơi thấp, nhưng mình vẫn có bàn đạp để thăng tiến rất nhanh và được đánh giá cao hơn”, Oanh nói.
Học ở châu Âu được đổi ngành, không sợ trượt môn
Nói thêm về việc du học tại Phần Lan nói riêng và châu Âu nói chung, Phương Oanh cho biết điều cô rất thích khi du học tại đây chính là các nước châu Âu luôn đề cao tầm quan trọng của giáo dục và đặt giáo dục lên hàng đầu.
Du học sinh vẫn có thể chuyển ngành sau khi đã nhập học. Ảnh: BTC. |
Khi theo học tại các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu, du học sinh có thể nhận được những chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí. Điều này giúp các bạn tập trung học tập mà không phải lo về vấn đề tiền bạc.
Ngoài ra, việc chuyển ngành ở các trường đại học tại châu Âu cũng khá thuận tiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Ví dụ, trong năm đầu, nếu cảm thấy ngành học đang theo đuổi không còn phù hợp, sinh viên có thể đăng ký chuyển ngành khác theo hướng dẫn của nhà trường.
Duy Khoa, cựu nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ tại Phần Lan, cũng đề cập những thông tin tương tự. Khoa cho biết sinh viên có thể tự do chuyển ngành và chuyển cả những tín chỉ đã tích lũy được sang ngành học khác.
Sinh viên được phép chuyển ngành trong phạm vi trường học hoặc chuyển ngành ở trường mới. Cách này cũng giúp các sinh viên, nghiên cứu sinh tiết kiệm thời gian học tập. Một lưu ý là các sinh viên vẫn cần thi đầu vào theo quy định.
“Các bạn muốn chuyển ngành mới ở trường mới cũng không sao hết. Vì ở Phần Lan, người học là quan trọng nhất, các trường sẽ luôn quan tâm đến việc bạn được học môn mình thích”, Khoa nói thêm.
Trong khi đó, Hải Châu, cựu nghiên cứu sinh diện học bổng ERAMUS+, lại cho biết điều cô thích khi du học ở 3 nước châu Âu chính là không bị áp lực thi cử.
Trước khi đến châu Âu, Châu cũng từng rất sợ việc học, sợ cả chuyện trượt môn ở đại học. Nhưng cô không ngờ rằng sinh viên ở các quốc gia này “rất khó trượt môn” vì các bạn được phép thi 3 lần.
Đối với Châu, việc được phép thi 3 lần không khiến cô chểnh mảng, chủ quan trong việc học, ngược lại, nó tạo động lực để cô biết cách cân bằng giữa việc học và cuộc sống để tránh gặp áp lực.
“Việc thi cử ở các trường đại học tại châu Âu không phải hình phạt, mà là một hình thức thử nghiệm cho quá trình học tập. Điều này khiến cho việc học trở nên êm ái, dễ chịu hơn, giống như một cuộc chơi dành cho người học”, Hải Châu chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.