Tôi bước vào Đại học Adelaide, bang Nam Úc với mức tiền học năm đầu tiên là 30.000 AUD (khoảng 480 triệu đồng), trong khi sinh viên bản địa chỉ phải đóng hơn 9.000 AUD. Cứ bước sang năm học mới, học phí của du học sinh lại tăng thêm vài phần trăm.
Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Đại học Adelaide. |
Tháng vừa qua, mức chi phí thuê nhà của tôi khoảng 400 AUD (6,4 triệu đồng), kèm theo đó là 200 AUD tiền ăn uống. Đây đã là mức chi tiêu tối thiểu khi tôi chọn thuê nhà ở bên ngoài thành phố và mua thức ăn với mức giá sinh viên.
Khó khăn là vậy, nhưng mỗi khi Hội sinh viên Adelaide phát động sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam, nhiều sinh viên không ngại góp những đồng tiền làm thêm của mình cho những hoạt động như làm đồ ăn hay trang phục truyền thống để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Tôi đã có 5 năm trải nghiệm cuộc sống tại Australia, từ khi học phổ thông tại đây. Tôi thường được nghe bạn bè kể rất nhiều về những cách thích nghi với mức chi phí đắt đỏ: Từ những việc đơn giản như ở chung nhà trọ, tự nấu ăn, săn hàng giá rẻ… đến những việc khó hơn như xin việc tại quán ăn hay tìm kiếm học bổng.
Hầu hết sinh viên Việt Nam đều cố gắng tìm việc làm thêm để trang trải chi phí cuộc sống. Du học sinh chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ một tuần nên thu nhập cũng không thấm vào đâu so với mức giá cả đắt đỏ. Hiện tại, tôi làm bồi bàn tại một nhà hàng Việt với mức lương khoảng 15 AUD/giờ.
Những người muốn có thu nhập cao hơn, họ chọn đi “làm farm”. Đây là từ mà du học sinh Việt Nam dùng để chỉ công việc thu hoạch hoa quả thuê trên các nông trại.
Quang cảnh một nông trại ở bang Nam Úc. |
Nếu chăm chỉ làm khoảng một tháng, bạn có thể kiếm được trên 4.000 AUD, đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho khoảng 4 đến 5 tháng sau đó. Tuy nhiên, một tháng trời làm việc quần quật trên cánh đồng như một nông dân thực thụ trong điều kiện thời tiết 40 độ C là thách thức không nhỏ với những thanh niên chỉ quen cầm sách bút.
Du học sinh làm công việc này phải ra đường từ 4h sáng, cả ngày phơi mặt ngoài trời trên các luống dâu tây, nho, táo. Không muốn phải đi xa, nhiều bạn dọn đồ đạc đến trọ ngay tại nông trại.
Đôi khi cũng có những "lời qua tiếng lại" giữa sinh viên và chủ nông trại. Chuyện nhầm lẫn tiền lương hay việc mất công vượt hàng trăm km đến nơi chỉ làm 3 - 4 tiếng rồi về là điều đã xảy ra.
Do mức thu nhập tốt nên nhiều du học sinh Việt Nam chọn công việc này, dù vất vả. Thời gian làm việc thường vào cuối tháng 11, khi sinh viên đã kết thúc kỳ học và được nghỉ liền 3 tháng.
Lê Ngọc Vinh là sinh viên năm hai ngành Kinh tế và Tài chính, Đại học Adelaide. Vinh là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide - thành phố thủ phủ của bang Nam Úc. Khoảng 1.200 du học sinh Việt Nam đang học tại đây. Vinh học cấp 3 tại Australia với học bổng 50% học phí và thi đỗ đại học với mức học bổng cao nhất dành cho sinh viên nước ngoài (miễn 25% học phí).
* Du học sinh có thể chia sẻ bài viết, hình ảnh, video về cuộc sống du học qua địa chỉ email: toasoan@zing.vn.