Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh Trung Quốc bị ép dàn cảnh bắt cóc để tống tiền gia đình

Nhóm lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc, đe dọa và ép buộc các du học sinh phải dàn cảnh bắt cóc chính mình, quay clip gửi cho cha mẹ rồi đòi tiền chuộc.

Hồi cuối tháng 8, Ethan (không phải tên thật), người đang học ở Singapore, nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là "quan chức Bộ Y tế" cáo buộc anh đã tung tin đồn Covid-19 tại Trung Quốc và phạm tội buôn lậu, theo The Straits Times.

Biết mình vô tội, Ethan bác bỏ những cáo buộc, nhưng người gọi sau đó nói với anh rằng mẹ anh có thể đã cung cấp dữ liệu cá nhân của con trai cho kẻ xấu, những người thực hiện các tội ác đó dưới danh tính của Ethan.

Người gọi nói thêm rằng "cảnh sát Trung Quốc" sẽ liên lạc với Ethan để điều tra vụ việc. Khi người xưng là "cảnh sát Trung Quốc" gọi tới, Ethan được cho biết mẹ anh có liên quan đến rửa tiền và được yêu cầu đóng giả làm con tin nhằm thuyết phục mẹ mình nhận tội.

Mặc dù Ethan, người gần gũi với mẹ, không tin rằng bà có liên quan đến tội rửa tiền, cậu học sinh cấp 3 này vẫn lo sợ hậu quả pháp lý và đồng ý dàn xếp tình huống bắt cóc.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 21/9, Ethan nói: "Tôi biết mình chưa bao giờ phạm những tội ác đó. Nhưng tôi sợ nếu không tuân thủ, mình sẽ phải ngồi tù và không thể trở về Trung Quốc".

Ethan cho biết anh cũng lo lắng cho mẹ mình vì "rửa tiền là trọng tội ở Trung Quốc".

dan canh bat coc anh 1

Nạn nhân được yêu cầu tự quay clip và giả vờ bị bắt cóc để hỗ trợ "cảnh sát Trung Quốc" điều tra các vụ án. Ảnh: The Straits Times.

Thủ đoạn lừa đảo

Tại đất nước tỷ dân, bất kỳ ai bị kết tội rửa tiền có thể phải ngồi tù lên đến 10 năm và đối mặt với khoản tiền phạt lớn.

Những kẻ lừa đảo yêu cầu Ethan không được nói với bất kỳ ai trong khi "các cuộc điều tra của cảnh sát" đang được tiến hành.

Ngày 12/9, Ethan được yêu cầu rời khỏi ký túc xá để dàn xếp tình huống bắt cóc. Những kẻ lừa đảo đã sắp xếp một chiếc xe chở anh đến địa điểm không xác định, sau đó quay clip anh bị trói tay trên ghế sofa.

Để làm cho video chân thực hơn, Ethan đã được hướng dẫn mua tương cà, tự bôi lên cơ thể và giả vờ đang bị thương. Anh cũng dán băng dính khắp người.

"Tôi nghĩ điều này thật kỳ lạ, nhưng không có bằng chứng cho thấy đó là một trò lừa đảo. Tôi không dám cầu cứu hay nói với ai vì tin rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng", Ethan cho biết.

Những kẻ lừa đảo sau đó đã gửi clip cho mẹ của Ethan ở Trung Quốc và yêu cầu khoản tiền chuộc 1 triệu nhân dân tệ (140.000 USD) để đổi lấy sự an toàn của con trai.

Tuy nhiên, mẹ của Ethan, nhà thiết kế ở độ tuổi 40, đã không chấp nhận yêu cầu của nhóm lừa đảo.

Ngày 13/9, cảnh sát tìm thấy Ethan và nói với anh rằng tất cả chỉ là một vụ lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc. Họ đã nhận được báo cáo một ngày trước đó, sau khi nhân viên ký túc xá phát hiện nam sinh biến mất.

Một nạn nhân khác, 24 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đăng ký học chương trình thạc sĩ tại một trường đại học ở Singapore, cũng được yêu cầu quay clip cảnh mình bị trói để "hỗ trợ quá trình điều tra của cảnh sát Trung Quốc".

Người này bị nhóm lừa đảo cáo buộc nhập lậu thuốc chữa Covid-19 vào Singapore.

Vì sao nhiều sinh viên Trung Quốc thành nạn nhân?

Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022, tổng cộng 476 vụ lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc đã được báo cáo tại Singapore, với thiệt hại lên tới 57,3 triệu USD.

Năm ngoái, cảnh sát nước này cũng ghi nhận 474 trường hợp lừa đảo tương tự và nạn nhân thiệt hại ít nhất 61,9 triệu USD.

Không chỉ tại Singapore, các vụ mạo danh, lừa đảo, ép du học sinh Trung Quốc dàn cảnh bị bắt cóc để đòi tiền chuộc từ gia đình còn diễn ra ở Australia.

Tính riêng trong năm 2020, 8 du học sinh tại bang New South Wales là nạn nhân của các vụ "bắt cóc ảo". Gia đình những sinh viên này phải chi trả tổng cộng 2,3 triệu USD để chuộc con, CNN dẫn thông tin từ cảnh sát bang.

Đáng chú ý, phụ huynh của một sinh viên Trung Quốc đã gửi ngay 1,4 triệu USD sau khi xem đoạn phim uy hiếp từ những kẻ bắt cóc. Một gia đình khác cũng phải chi hơn 14.000 USD để chuộc con.

dan canh bat coc anh 2

Nạn nhân 24 tuổi bị nhóm lừa đảo đe dọa và ép dàn dựng clip bị bắt cóc. Ảnh: The Straits Times.

Cảnh sát bang New South Wales cho biết kẻ xấu thường nhắm vào cộng đồng du học sinh gốc Hoa sống xa gia đình, vốn là nhóm người trẻ, thiếu kinh nghiệm xã hội và có nhiều nỗi lo.

Tiến sĩ Lennon Chang, chuyên nghiên cứu tội phạm tại Đại học Monash, cho biết: "Nếu bạn là một người Australia gốc Hoa và ai đó nói rằng bạn có liên quan đến đường dây tội phạm ở Trung Quốc, bạn sẽ bảo họ biến đi".

Trong khi đó, các du học sinh sẽ cảm thấy lo lắng cho gia đình và tình hình ở quê nhà. Nhiều kẻ lừa đảo xác định "con mồi hoàn hảo" là những người đã rời Trung Quốc và xa gia đình trong một thời gian dài.

Du học sinh Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều áp lực từ hệ thống luật pháp của nước sở tại. Nhiều sinh viên từng đi làm "chui" để có thêm tiền trang trải sinh hoạt phí. Do đó, họ không chắc rằng mình không làm gì sai và vô tình tin vào các cuộc gọi lừa đảo.

Ngoài ra, du học sinh Trung Quốc có những suy nghĩ mang tính đặc thù. Điều đó khiến nạn nhân đặt niềm tin một cách mù quáng vào những kẻ lừa đảo tự xưng là cơ quan công quyền.

'Bữa ăn 10 tệ' và cách tiết kiệm đến cùng cực của giới trẻ Trung Quốc

Trước đại dịch, Doris Fu đã tưởng tượng ra một tương lai khác cho bản thân và gia đình: Xe mới, căn hộ lớn hơn, bữa ăn ngon vào cuối tuần và ngày lễ trên các hòn đảo nhiệt đới.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm