Vào thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân, các trường đại học tại Nga đã kết thúc học kỳ 1, bước vào thời gian nghỉ đông. Vì vậy, nhiều du học sinh có thời gian sắm sửa, chuẩn bị cho Tết.
Nguyễn Văn Hải (sinh viên Đại học Tài chính, thành phố Moscow, Nga) chia sẻ: “Chúng tớ vừa gói xong bánh chưng, đang chờ mẻ bánh đầu tiên đây. Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh do thành viên tự mua. Lần đầu gói bánh nên ai cũng bỡ ngỡ”.
Chương trình "Xuân Quê Hương” do Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Tatarstan tổ chức. |
Dịp này, du học sinh Việt Nam tại Kazan tham gia chương trình “Xuân Quê Hương” do Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Tatarstan tổ chức. Những bài hát về quê hương, đất nước, điệu múa truyền thống, màn múa lân, tiết mục "Ông Táo chầu trời", những cành đào tươi thắm, hay tà áo dài của thiếu nữ thướt tha… khiến những người trẻ tuổi thêm ấm lòng nơi đất khách.
Tại Pháp, nhiều sinh viên Việt Nam cũng đang háo hức chờ đón những chương trình của Tết xa quê. Một trong những hoạt động được các bạn yêu thích nhất là gói bánh chưng. Những công đoạn như rửa lá, trộn đỗ, ngâm gạo được chuẩn bị từ mấy ngày nay.
Du học sinh Việt tại Pháp gói bánh chưng đón Tết xa quê. |
Pierre Nguyễn (sinh viên Đại học Paris 1) cho biết: “Mình đang học làm món nộm ngó sen. Nhìn qua thì dễ nhưng khi bắt tay làm mới thấy khó. Còn gói bánh chưng, các bạn nữ nhận hết rồi”.
Tại Boston, Mỹ, các du học sinh Việt sẽ cùng nhau tham gia chương trình “Tết in Boston”. Những món ăn cổ truyền, bày biện sân khấu được chính các bạn sinh viên chuẩn bị. Tất cả đều cố gắng để có những ngày Tết xa quê ấm cúng.
Các bạn trẻ ở Ohio, Mỹ, cũng có buổi gặp mặt đầm ấm, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, kể cho nhau nghe câu chuyện nơi mình sinh ra.
Lê Sơn (sinh viên Đại học quốc gia Ohio) tâm sự: “Chúng mình đến từ nhiều nơi ở Việt Nam, mỗi vùng, miền có tập tục khác nhau vào dịp Tết, nhưng ở đây tất cả cùng giống nhau ở tâm trạng nhớ Tết quê nhà. Nhờ dịp này, các du học sinh mới gặp nhau, được nói tiếng Việt, vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình”.
Sinh viên Việt Nam tại Ohio quây quần trong bữa ăn cuối năm. |
Còn tại thủ phủ Rabat, Marốc, do phong tục địa phương, du học sinh khó có được mâm cơm với các món ăn truyền thống. Vì không có thịt lợn, đồng nghĩa không bánh chưng, thịt đông, giò. Nhưng bù lại, các bạn trẻ được quây quần bên những người anh em, bè bạn.
Thời điểm Tết nguyên đán năm nay, phần lớn du học sinh vẫn đang trong kỳ học, nên cũng không có nhiều thời gian, nên chỉ biết... chia sẻ trên Facebook. Hoàng Yến (sinh viên Đại học UPEC, Pháp) viết: “Mình cảm nhận được mùi của Tết. Mùi không phải ở mũi mà trong tim. Ôi sao mà buồn thế! Cái mùi thơm của vàng mã đốt ngoài đường, mùi hương trầm trên bàn thờ cúng Ông Công, Ông Táo của mẹ, mùi của mưa phùn, của không khí vắng vẻ. Thế đấy.. Nhớ Tết. Nhớ bố mẹ và em. Nhớ Hà Nội”.
Tràn ngập new feed của các du học sinh là những hoạt động chào đón Tết Bính Thân, những bữa cơm tất niên bên bạn bè, những lời chúc Tết.
Các bạn du học sinh chia sẻ bài viết, hình ảnh, video về không khí đón Tết ở nước ngoài qua địa chỉ email: toasoan@zing.vn.