Tận dụng tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay của nhiều người Việt, lại có nguồn hàng có sẵn là các trung tâm thương mại hay siêu thị lớn, nhiều bạn trẻ du học tập kinh doanh qua mạng, tận dụng được thời gian rảnh sau giờ học, kiếm thêm thu nhập.
Vừa học vừa tập kinh doanh
Nguyễn Hồng, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Thiên Tân, Trung Quốc - cho hay: “Mình bắt đầu bán hàng khoảng một tháng sau khi sang đây du học. Lịch học trên lớp khá ít, lại yêu thích kinh doanh, mình thử sức với việc bán hàng qua Facebook. Công việc cũng đơn giản mà mang lại thu nhập đáng kể”.
Theo nữ sinh 25 tuổi này, cô bán nhiều loại hàng như auth (chính hãng), giảm giá hay những loại hàng nội địa vừa độc, vừa đẹp, giá rẻ.
“Do không có nhiều tiền, mình chỉ mua hàng auth khi khách đặt trước. Vì trung tâm thương mại ở gần nên cứ khi nào rảnh, mình lại đi xem đồ. Vào những đợt khuyến mại, hàng nhanh hết, mình gần như ‘trực chiến’ hết đợt”, Hồng nói.
Nhiều du học sinh tận dụng thời gian rảnh để mua hàng và đưa về nước bán. Ảnh minh họa: The New York Times |
Để hàng đến tay khách, Hồng tận dụng những đợt nghỉ về nước, gửi nhờ bạn khi họ về Việt Nam hoặc gửi qua công ty vận chuyển rồi nhờ người nhà ở Việt Nam phân phối giúp.
“Tiền kiếm được từ việc bán hàng mình tích lũy để gửi về cho gia đình. Do du học theo dạng học bổng nên được lo cho từ A tới Z, mình không cần nhiều tiền cho việc sinh hoạt”, nữ sinh nói.
Khi được hỏi liệu công việc này có ảnh hưởng nhiều tới học tập hay không, cô gái cười tươi tâm sự: “Cũng có ảnh hưởng một chút nhưng không quá lớn vì mình vẫn sắp xếp được thời gian. Mình chỉ học trên trường buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu. Ảnh hưởng nhất có lẽ là nó tạo cho mình tâm lý thích làm hơn học. Ngoài ra, vào những đợt thi, mình không có nhiều thời gian ôn tập như các bạn khác”.
Không bị tính là làm thêm
Cùng chung sở thích buôn bán, Lê Yến - đang học tại một trường ở Thượng Hải, Trung Quốc - lựa chọn bán các đồ phụ kiện nhỏ xinh như vòng cổ, bông tai hay miếng dán hình xăm.
Theo Thanh Cẩm, ở Australia, nếu mua hàng với số lượng ít, đồ nguyên mác và mua trong 3 tháng trước khi trở về thì không phải đóng thuế.
“Mình thích mấy thứ đồ này vì nó rẻ, đẹp, mẫu mã đa dạng, nhiều bạn trẻ Việt Nam rất thích. Mình cũng hay về nước nên gom hàng rồi tiện mang về luôn chứ ít gửi vận chuyển, tiết kiệm được chi phí”, Yến cho hay.
Theo cô gái này, nhiều du học sinh ở đây là những "con buôn" mua hàng rồi đem hoặc gửi về nước bán, có thể là mua hộ hoặc quảng cáo qua mạng để khách đặt.
Ngoài ra, việc bán hàng online này không bị tính vào làm thêm. Theo quy định, du học sinh ở Trung Quốc không được phép làm thêm, nếu bị phát hiện sẽ bị cắt học bổng, xử phạt và đuổi về nước.
Các cửa hàng ở Australia thường giảm giá quanh năm. Ảnh: Daily Mail |
Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều bạn trẻ du học ở Nhật Bản hay Australia cũng có hình thức kinh doanh tương tự.
Linh, 26 tuổi, học tập tại Nagoya, Nhật Bản, "bén duyên" với công việc bán hàng online khá tình cờ. Muốn về Việt Nam chơi nhưng vé máy bay khá đắt, cô nảy ra ý tưởng mua đồ mang về nước bán để bù vào chi phí đi lại.
“Hàng nội địa Nhật vốn nổi tiếng chất lượng, cộng thêm tâm lý người Việt luôn chuộng hàng hóa Nhật Bản, đặc biệt là hàng xách tay, nên đồ mình mua về khá dễ bán. Mình chủ yếu chỉ mua các loại mỹ phẩm và thuốc mà mọi người đặt trước”, Linh kể.
Theo Linh, bán hàng kiểu này không ảnh hưởng nhiều việc học vì cô chỉ tranh thủ đi tìm hàng vào ban ngày, tối vẫn có thời gian học bài.
Trong khi đó, Thanh Cẩm (đang du học ở Australia) lại có sở thích săn hàng giảm giá từ các thương hiệu lớn. Hàng hóa ở Australia cũng nổi tiếng chất lượng và được người Việt ưa chuộng, đặc biệt là vitamin, mỹ phẩm.
Cẩm cho biết ở Australia, các cửa hàng đồ hiệu giảm giá quanh năm. Những hàng này chủ yếu bị tồn từ các mùa trước hoặc bị hệ thống bán lẻ trả lại. Tất nhiên, chúng vẫn còn hạn sử dụng khá dài và giá được giảm đáng kể.
Nhiều sinh viên Việt du học ở các nước khác cũng chia sẻ họ từng mang đồ xách tay về nước để bán. Công việc này vừa giúp họ kiếm thêm thu nhập, người Việt cũng có cơ hội được dùng hàng chính hãng, chất lượng.