Từ tháng 9/2020, giá thuê nhà tại Australia có mức tăng kỷ lục - tăng 22,2% trên toàn quốc. Ảnh: Pexels. |
Ngày nào, Hà Đặng (du học sinh tại Đại học Deakin - Melbourne, Australia) cũng đều đặn tìm kiếm nhà cho thuê trên mạng xã hội, công ty môi giới, website thuê nhà. Đến nay đã 3 tuần, Hà vẫn chưa thể tìm được căn hộ ưng ý vì giá nhà cho thuê tại Australia ngày càng bất hợp lý.
Nữ sinh cho biết mới đây, ngày 31/1, sau 2 tuần tìm kiếm trong vô vọng, Hà thấy một căn hộ phù hợp. Tuy nhiên, do chậm trễ việc xác nhận email đi xem nhà, Hà tuột mất cơ hội này, căn hộ được cho thuê ngay lúc đó.
“Giá nhà tại khu vực mình tìm kiếm thậm chí tăng từng ngày, từng tuần chứ không còn theo tháng nữa. Bây giờ, để tìm được căn hộ có một phòng ngủ theo tiêu chí của mình với giá 350 AUD/tuần (tương đương 5,8 triệu đồng) là rất hiếm", Hà Đặng chia sẻ với Zing.
Không chỉ Hà, nhiều du học sinh Việt tại Australia đang phải chật vật vì giá phòng tăng cao, có sinh viên phải đi ở nhờ hoặc ở khách sạn trong khi chờ tìm nhà.
Giá thuê tăng phi mã
Theo dữ liệu từ Ngân hàng dự trữ Australia, từ tháng 9/2020, giá thuê nhà tại nước này có mức tăng kỷ lục - tăng 22,2% trên toàn quốc. Trong khoảng 2 năm, giá thuê trung bình hàng tuần tăng từ 430 USD/tuần lên 519 USD/tuần.
Ở Glebe (gần Đại học Sydney), giá thuê nhà tăng lên 33,4% trong vòng một năm và tăng 6,8% trong tháng vừa rồi, đẩy mức trung bình lên 843,57 USD/tuần.
Tại vùng ngoại ô Kensington (gần Đại học New South Wales), giá thuê tăng 38,9% và hiện ở mức 854,97 USD/tuần. Tại Melbourne, giá thuê tăng 21,1%, mức trung bình 534,23 USD/tuần.
Hà Đặng cho biết hiện tại, cô đang tìm kiếm một căn hộ gần trung tâm để thuận tiện cho công việc và học tập, mức chi phí dự kiến cho việc thuê nhà là 350 AUD/tuần.
Tuy nhiên, theo Hà, giá trung bình cho căn hộ một phòng ngủ có đủ nội thất tại khu vực cô đang tìm kiếm lên đến 455 AUD/tuần (tương đương 7,6 triệu đồng), giá cô mong muốn là rất khó.
Giá trung bình tại khu vực Hà Đặng đang tìm kiếm lên đến 455 AUD/tuần. |
“Cách đây 1-2 tuần, với giá 350 AUD, mình có thể tìm được 3-4 căn nhà phù hợp. Nhưng hiện tại, với mức giá và cùng khu vực đó, mình chỉ kiếm được duy nhất một căn. Sắp tới, khi các bạn du học sinh quay trở lại, giá thuê có thể đẩy lên cao hơn nhiều", Hà chia sẻ.
Tương tự, Minh Đức (du học sinh tại Đại học Monash - Melbourne, Australia) cho biết năm 2018, Đức thuê căn nhà hiện tại với giá 420 AUD/tuần (hơn 7 triệu đồng).
Giữa năm 2022, Đức ký lại hợp đồng, giá nhà đã tăng lên 470 AUD/tuần (tương đương 7,8 triệu đồng). Tháng 5 tới, Đức sẽ ký hợp đồng mới, nam sinh lo ngại giá nhà có thể lên đến 580 AUD/tuần (tương đương 9,7 triệu đồng).
“Khu mình ở chỉ là khu lân cận. Nếu thuê tại trung tâm, giá nhà chắc chắn cao hơn nữa. Bạn của mình cũng là nạn nhân của việc tăng giá nhà do mới ký gần đây. Bạn ấy phải chạy ngược xuôi, vay mượn tiền mới đủ chi trả", Đức chia sẻ.
Theo Đức, giá thuê nhà tăng mạnh kể từ sau đại dịch (tăng bù do trong dịch đã giữ nguyên giá). Bên cạnh đó, số lượng du học sinh quay trở lại lớn, nhu cầu thuê nhà tăng mạnh thúc đẩy giá nhà cạnh tranh.
“Nhà mình trong khu tập trung, phòng ngủ bé đến nỗi không đủ kê bàn học. Nếu giá cứ tăng như vậy, mình thực sự tuyệt vọng, kiệt sức vì phải tự trang trải đủ các loại chi phí. Sắp tới, chắc chắn mình phải tìm thêm bạn thứ 3 ở cùng để chia tiền nhà", Đức nói.
Trung Kiên mất một tháng mới tìm được một căn phòng cách trường 10 km. |
Chật vật tìm kiếm
Trong khi đó, 2 ngày trước khi khởi hành đến Australia, Trung Kiên (du học sinh tại Đại học Kỹ thuật Sydney, Australia) mới tìm được một căn phòng cách trường 10 km, mất 30 phút để di chuyển đi học. Do Kiên thuê chung với 2 bạn khác, số tiền chia ra có vẻ "mềm" hơn, 260 AUD/tuần (tương đương 4,3 triệu đồng).
“Dù vậy, đây vẫn là gánh nặng lớn nhất trong tổng chi phí mình đi học ở Sydney”, Kiên nói.
Kiên cho biết cậu mất một tháng để liên hệ rất nhiều nơi mới tìm được nhà, một phần bởi chưa có kinh nghiệm, một phần do nhu cầu tìm nhà cạnh tranh lớn. Nhiều ngày, Kiên lo lắng, căng thẳng, sợ xuống sân bay rồi mà chưa tìm được chỗ ở.
“Chưa có kinh nghiệm, mình bỏ qua một số hợp đồng giá tốt vì nghĩ sẽ tìm được nơi tốt hơn. Nhưng chỉ vài giờ sau quay lại thì căn đó đã được người khác thuê. Nếu không tìm được, mình phải ở nhờ nhà bạn khi sang tới nơi rồi tiếp tục tìm kiếm", Kiên kể.
Tương tự, Sông Thương (du học sinh Đại học Monash) cũng mất gần một tháng để tìm được một căn phòng ưng ý, tuy nhiên, giá cả cũng cao hơn so với mức cô kỳ vọng và Thương cũng phải sống ở khu lân cận, cách xa trường 30 phút đi xe buýt.
Nếu tính tổng hóa đơn điện, nước… nữ sinh phải chi trả 280 AUD/tuần (tương đương 4,5 triệu đồng).
Do đang ở Việt Nam, Thương khá vất vả trong việc tìm nhà bởi không để đến tận nơi xem phòng. Dù nhờ được bạn xem giúp, nữ sinh cũng phải chứng minh tài chính mới được chủ đồng ý.
Sau nhiều ngày tìm kiếm trên hội nhóm, website, Thương phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân mới tìm được căn hộ của người quen biết và phải chấp nhận thêm một số điều kiện.
“Mình phải ký hợp đồng cho 3 phòng và phải tự tìm kiếm thêm 2 bạn ở 2 phòng còn lại”, Thương kể.
Dù vậy, Thương vẫn thấy mình may mắn bởi một số người bạn của cô đã hơn một tháng nay chưa tìm được chỗ ở. Trước đó, có bạn phải ở khách sạn 2-3 tuần mới tìm được nhà.
Trong khi đó, Hà Đặng cho biết nếu giá nhà vẫn liên tục tăng, cô buộc phải tăng mức chi dự kiến lên 400-450 AUD/tuần mới mong tìm được chỗ ở. Hoặc, Hà chấp nhận không chuyển, ở nhà cũ thêm một thời gian nữa để giá cả ổn định hơn.
Thương vẫn thấy mình may mắn khi tìm được nhà bởi một số người bạn của cô đã hơn một tháng nay chưa tìm được chỗ ở. |
Ở xa trường để tiết kiệm chi phí
Theo kinh nghiệm của Kiên, nếu thuê chung nhà (mỗi người một phòng, chung nhà vệ sinh) ở gần trường (trung tâm Sydney), chi phí có thể lên đến 550-650 AUD/tuần.
Kiên khuyên những bạn du học sinh chuẩn bị sang và đang tìm kiếm nhà có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thuê nhà xa, cách trung tâm 9-10 km, chi phí 250-350 AUD/tuần. Nếu muốn rẻ hơn, các bạn có thể thuê tại các khu phố người Việt (cách trung tâm 20 km) với giá 170-250 AUD/tuần.
Kiên nhấn mạnh du học sinh nên xem xét kỹ nhu cầu, khoảng cách và lịch học để tìm nhà. Vì chỉ học 3 ngày/tuần, Kiên chấp nhận ở xa trường một chút để giảm bớt chi phí.
Ngoài ra, khi vẫn ở Việt Nam, không thể đến tận nơi xem nhà, các bạn du học sinh nên tin tưởng vào giá nhà được đưa ra bởi giá đó dựa trên các yếu tố cơ sở vật chất, gần hay xa trung tâm, chợ, bến xe buýt, bến tàu...
“Theo mình, các bạn nên tìm hiểu xem nơi ở có gần trường không, căn nhà đó là loại gì, kiểu phòng đó có phù hợp không, phòng có cơ sở vật chất gì. Không nên phân vân nhiều như mình, dẫn đến tuột mất những hợp đồng giá hời, lại mất thêm thời gian, sát ngày mới có nhà", Kiên khuyên.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.