Học cách tự lập để trưởng thành
Rời Việt Nam từ năm 16 tuổi, Nguyễn Khánh Vân (SN 1997) bắt đầu cuộc sống của một du học sinh tại trường trung học Notre Dame (Mỹ). Buổi sáng của nữ sinh bắt đầu sớm hơn bạn bè cùng lớp vì nơi ở cách xa trường một giờ đi xe. Hàng ngày, cô cũng phải chuẩn bị đồ ăn và đồ đạc, bài vở để đi học. Chiều về Vân lại tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và làm bài tập.
Những học sinh quốc tế tại trường trung học UWC, Mỹ. |
"Những lúc ốm, mình tự chăm sóc bản thân mà không báo, sợ bố mẹ và mọi người lo lắng thêm. Những việc tự giải quyết được, mình luôn cố gắng", Vân tâm sự.
Nhận học bổng toàn phần của trường quốc tế UWC ở Singapore, Lê Hồng Nhung cũng bắt đầu cuộc sống tự lập khi chưa tốt nghiệp cấp ba. Ngoài việc học trên lớp, cô đăng ký học chương trình Tú tài quốc tế (IB) và tích cực tham gia các hoạt động của trường.
Nhung từng thành lập tổ chức "Peace for the Kids" với mong muốn nâng cao hiểu biết của học sinh UWC về chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, nữ sinh còn tự tổ chức các hoạt động bán hàng thủ công Việt Nam để gây quỹ mua đồ dùng học tập cho các em học sinh da cam ở làng Hoà BÌnh, Hà Nội.
Trong khi nhiều học sinh ở Việt Nam vẫn giữ suy nghĩ du học sau khi tốt nghiệp cấp ba, một bộ phận không nhỏ những thiếu niên mới 14 đến 16 tuổi chọn du học sớm để học cách tự lập và trưởng thành.
Bệ phóng đến đại học danh tiếng
Châu Thanh Vũ nhớ lại năm lớp 11, khi chuẩn bị nhập học tại trường quốc tế UWC ở Mỹ: "Tôi cũng không biết lựa chọn này sẽ đưa mình đến đâu. Vì gia đình nghèo nên khi tốt nghiệp UWC mà không xin được học bổng đại học thì tôi sẽ phải về nước học lại từ lớp 10".
Hai năm học trung học ở Mỹ đã dạy cho chàng trai xứ cát Ninh Thuận rất nhiều về cách sống, văn hóa ứng xử của phương Tây, giúp cậu trưởng thành trong suy nghĩ và cách làm việc.
Tốt nghiệp UWC, Thanh Vũ nhận học bổng toàn phần của 7 trường đại học của Mỹ. Cậu chọn học ngành kinh tế của Đại học Princeton và sau đó nhận tiếp học bổng tiến sĩ của Đại học Harvard.
Trong 2 năm học cấp 3 tại Singapore, Lê Hồng Nhung đã trải qua những chuyến đi dự hội thảo lãnh đạo ở Úc, chương trình Model United Nations ở Hà Lan, và các dự án giáo dục và tình nguyện ở Đông Timor, Thái Lan. Môi trường giáo dục tiên tiến của Singapore giúp cô gặp gỡ và học hỏi từ những người bạn ở nhiều nơi trên thế giới.
Những trải nghiệm sống, học tập đó đã giúp Nhung có thêm nhiều kỹ năng trong việc làm hồ sơ nộp các trường Mỹ, và cuối cùng Đại học Wellesley - trường nữ sinh số 1 tại Mỹ đã chào đón cô với học bồng toàn phần.
Đối với Nguyễn Khánh Vân, môi trường học tập ở Mỹ khiến cô rất tâm đắc bởi cách học sinh động, có nhiều cơ hội mở mang tầm mắt qua các môn học như thí nghiệm hay đi dã ngoại, phương pháp học cũng không gò bó. Đặc biệt, học sinh phổ thông ở Mỹ không có chuyện học thêm kín lịch hay ôn thi căng thẳng để vào đại học như ở Việt Nam.
Tốt nghiệp Notre Dame, Khánh Vân vinh dự được Tổng thống Mỹ - Barack Obama - trao tặng bằng khen với danh hiệu Học sinh có thành tích học tập toàn diện tại Mỹ. Cô cũng vừa nhận được học bổng từ 7 trường đại học danh tiếng Mỹ: St.Jonh’s University, La Salle University, SUNY Old Westbury, Newbury College, Lasell College…
Giống như Khánh Vân, nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba ở nước ngoài đã giành được học bổng của các trường đại học danh tiếng. Có thể kể ra rất nhiều gương mặt như Nguyễn Hữu Cát Thư (Học viện công nghệ Massachusetts) Châu Thanh Vũ (ĐH Princeton), Ngô Di Lân (ĐH College Maastricht), Lê Hồng Nhung (ĐH Wellesley), Nguyễn Đỗ Hà Giang (ĐH Handrix), Phạm Nguyễn Đăng Trình (Đại học Fullerton bang California),...
Đến nay, nhiều người trong số họ đã học lên tiến sĩ hoặc khởi nghiệp tại Mỹ với những dự án táo bạo.
Theo bà Trần Phương Hoa - Giám đốc trung tâm giáo dục Summit: Du học từ cấp ba là cơ hội cho các em bắt nhịp và hòa nhập sớm hơn với môi trường học tập quốc tế, qua đó tiếp thu tốt hơn những giá trị tốt trong học tập và xã hội ở môi trường nước ngoài, và sau này khi lên đại học hoặc đi làm sẽ tránh được nhiều bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu học sinh đã được chuẩn bị đầy đủ về sự tự lập, kỉ luật học tập, kĩ năng giao tiếp cũng như trình độ ngoại ngữ đủ tốt. Điều quan trọng nữa là các em cần đi du học cấp 3 đúng thời điểm, đủ sớm để các em có thời gian làm quen với môi trường mới trước khi vào guồng quay chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học. Nếu các bạn học sinh Việt Nam đi học cấp ba ở Mỹ nhưng đi quá muộn, ví dụ như lớp 12 mới đi học thì sẽ không có thời gian vừa làm quen môi trường mới, vừa nộp hồ sơ vào đại học, gây ra những thiệt thòi đáng tiếc.
Nhìn chung, muốn xin học bổng các trường cấp 3 ở Mỹ, học sinh quốc tế đầu tiên cần thể hiện trình độ tiếng Anh tốt, thông qua việc đạt điểm cao trog kỳ thi TOEFL, IELTS ,hoặc 1 kỳ thi riêng do trường đó xây dựng.
Bên cạnh đó, học sinh cần có kết quả học tập tốt ở những năm cấp 2 (thông thường trường xét 3 năm học gần nhất). Nhiều trường cũng yêu cầu học sinh thi SSAT, gồm các câu hỏi ngôn ngữ, văn học và toán. Các hoạt động ngoại khoá cũng quan trọng để trường đánh giá năng khiếu, sự năng động và khả năng hoà nhập của học sinh. Nhiều trường có yêu cầu phỏng vấn.