Theo thống kê của huyện đảo Lý Sơn, từ đầu tháng 4 đến nay, hơn 5.000 du khách từ khắp nơi trong cả nước đến tham quan huyện đảo Lý Sơn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. |
Đông đảo du khách tham quan, chụp ảnh ở thắng cảnh độc đáo Cổng Tò Vò, huyện Lý Sơn. |
"Lần đầu tiên đặt chân đến thăm đảo Lý Sơn, tôi đặc biệt ấn tượng về cảnh quan trầm tích núi lửa độc đáo nơi đây. Thăm các di tích đình làng, dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi càng thấm thía sâu sắc về bảo vệ chủ quyền, tình yêu biển, đảo ở huyện đảo tiền tiêu này”, Vũ Hằng, du khách đến từ Hà Nội thổ lộ. |
"Sau hai năm bùng phát dịch Covid-19, em cùng nhóm bạn may mắn đến thăm đảo Lý Sơn đúng vào dịp Lể Khao lề thế lính Hoàng Sa. Em thấy Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đặc biệt thiêng liêng và ấn tượng với nhiều cảnh quan đẹp nơi đây", Thùy Dương, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ. |
Du khách check-in ở vách núi trầm tích núi lửa hàng triệu năm Hang Cau, huyện đảo Lý Sơn. Đảo Lý Sơn có diện tích vỏn vẹn 10 km2 nhưng có hàng chục di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh liên quan trực tiếp và gián tiếp đến Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa. |
Không chỉ ngắm cảnh đẹp, thưởng thức thủy sản tươi ngon, du khách đến đảo Lý Sơn còn được thăm các di tích đình làng, dự các lễ hội đặc trưng văn hóa biển đảo nơi đây. Sáng 16/4, các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân công đức của những binh phu năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Đã thành lệ, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tự nguyện góp tiền, lương thực, thực phẩm cùng tổ chức lễ tri ân công đức hùng binh Hoàng Sa. Hai con lợn, 11 gà trống (5 con đặt vào mô hình khinh thuyền Hoàng Sa), gạo, muối được chuẩn bị. Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch trao bằng công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. |
Trong tiếng chiêng, trống giục vang lên từng hồi dài như tiếng kèn xung trận, thanh niên các tộc họ rước thuyền từ đình làng xuống biển. Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay huyện đảo Lý Sơn ví như bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”. |
“Ốc u đã nổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Hành trình ấy vẫn cứ nối tiếp qua nhiều thế hệ của cư dân đất đảo Lý Sơn. Hoàng Sa, Trường Sa luôn là quê hướng thứ hai của người dân nơi đây. |
Nghi thức thả thuyền tri ân các bậc tiền nhân không tiếc máu xương vượt biển khai khẩn, mở cõi, cắm mốc xác lập chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Theo ông Vũ, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn là lễ hội độc đáo, đậm chất văn hóa biển đảo - "bằng chứng sống" chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. |