Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Du khách trẻ không quay lưng với du lịch theo tour

Với sự am hiểu công nghệ, ngoại ngữ, nhiều du khách trẻ chọn du lịch tự túc. Tuy nhiên, không ít người muốn đi theo tour để đảm bảo an toàn, hỗ trợ tận tình tại điểm đến.

Nhiều du khách trẻ vẫn mong muốn du lịch theo tour trong những chuyến thám hiểu hoặc đến những quốc gia khác biệt nhiều về văn hóa. Ảnh: Phương Lâm.

Bảo Ngân (ngụ quận 7, TP.HCM) luôn đi theo tour khi du lịch đến những nước không nói tiếng Anh, văn hóa khác biệt, thủ tục VISA phức tạp hoặc trong các chuyến trekking, thám hiểm.

Là tín đồ của du lịch tự túc, nhưng với Ngân, sự hỗ trợ của công ty lữ hành giúp mình đảm bảo an toàn, thuận tiện. Cô ưu tiên chọn các tour bụi cho giới trẻ với lịch trình thiết kế phù hợp với nhu cầu và giới hạn số lượng người.

"Việc tìm phương tiện di chuyển ở nước ngoài, nhất là nơi có giao thông phức tạp, khá khó khăn. Nếu đi tour, tôi không cần tốn nhiều thời gian chuẩn bị, xin VISA, lo lắng khi đặt chân đến vùng đất mới, chỉ cần chuẩn bị tiền và hành lý thôi", Ngân nói với Tri Thức - Znews.

Chọn đi tour để an toàn, thuận tiện

Tương tự, Minh Hằng (sinh sống tại Quảng Ngãi) cũng lựa chọn hình thức đi tour cho chuyến du lịch đến Đài Loan của gia đình mình. Cô cho biết ban đầu khá ái ngại bởi lo sợ tình trạng bị người dẫn tour đưa đến nhiều trung tâm mua sắm.

Nhưng đối với chuyến đi gia đình, đông người, việc đi theo tour trở nên thuận tiện hơn khi du khách không phải lo lắng về vấn đề di chuyển phức tạp giữa các điểm. Ngoài ra, người tổ chức tour sẽ sắp xếp chỗ ở hợp lý, giúp đặt trước số lượng lớn chỗ ngồi trong quán ăn, nhà hàng…

"Mỗi ngày xe chở chúng tôi đến các địa điểm du lịch nên khá tiện, vào buổi tối vẫn có thời gian để du khách chơi tự do nên khá cân bằng. Khi ấy tôi sẽ tìm trên mạng hoặc hỏi hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn để khám phá các địa điểm mình muốn", Minh Hằng chia sẻ.

Xu huong du lich anh 1

Bên cạnh những trải nghiệm thú vị, Thanh Thủy cũng gặp không ít tình huống khó khăn khi du lịch tự túc. Ảnh: Thanh Thủy.

Còn với Thanh Thủy (sống tại TP.HCM), du khách thực sự cần đi tour đối với những hành trình mang tính mạo hiểm, đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên môn cũng như các thiết bị hỗ trợ an toàn.

Trong những chuyến leo núi, trekking, khám phá hang động, cô luôn chọn đi tour để có hướng dẫn viên, đội trợ lý, porter hỗ trợ, đảm bảo chuyến đi diễn ra an toàn, trải nghiệm trọn vẹn hơn.

Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu về một địa danh, một loại cây cỏ, sinh vật nào đó trong chuyến hành trình, hướng dẫn viên sẽ là người kể những câu chuyện xoay quanh lĩnh vực đó, giúp nữ du khách có thêm nhiều hiểu biết thay vì chỉ ngắm nhìn như đi tự túc.

Xu hướng du lịch tự túc vẫn tăng cao

Lựa chọn đi tour trong những chuyến đặc biệt, tuy nhiên với những hành trình còn lại, cả Bảo Ngân, Minh Hằng và Thanh Thủy đều yêu thích đi tự túc. Biết ngoại ngữ, am hiểu công nghệ và tinh thần muốn tự do khám phá khiến họ tự tin lên đường mà không muốn phụ thuộc vào người dẫn đoàn.

Theo báo cáo của The Outbox Company, du lịch tự túc là một trong những xu hướng tăng trưởng nhanh của du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Trong quý II/2023, khoảng 83% du khách Việt lựa chọn loại hình du lịch này, xu hướng du lịch một mình cũng tăng lên tới 26%.

Phương Thảo (sinh sống tại Hà Nội) cũng ưu tiên chọn du lịch tự túc. "Việc tự tổ chức chuyến du lịch khiến tôi thoải mái hơn khi không phải ghép đoàn với người lạ, lịch trình sẽ chủ động hơn. Nếu hôm trước tôi mệt thì hôm sau có thể xuất phát muộn, nếu lười thì có thể chỉ đi 1-2 điểm thay vì hối hả hoàn thành các điểm đến như lịch trình đi tour", nữ du khách chia sẻ.

Đối với những điểm xa hơn, không có nhiều kinh nghiệm, Thảo sẽ chọn đi tự túc kết hợp đặt land tour để khám phá tại điểm đến.

Tương tự, Nguyễn Trọng Khiêm (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết việc đi tự túc rất cực khi phải lên lịch trình, đặt vé, đặt phòng, xin VISA..., tuy nhiên, anh vẫn yêu thích hình thức này và khám phá các điểm đến theo cách riêng.

Khi có thời gian rảnh, Trọng Khiêm thường cùng bạn bè tổ chức những chuyến du lịch trong và ngoài nước như du lịch Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Cần Thơ, Mù Căng Chải, Hàn Quốc. Đôi lúc anh cũng đi du lịch tự túc một mình ở Đài Loan.

"Mỗi kiểu du lịch tự túc đều mang đến trải nghiệm khác biệt, khiến tôi thể hiện được năng lực bản thân và khám phá nhiều điều thú vị", Khiêm nói.

Khi đi du lịch một mình, Khiêm cảm thấy khá áp lực khi phải tự lên kế hoạch, đặt dịch vụ… Anh nói vui mình là "Công ty TNHH một mình tui". Nhưng khi tự mình xoay xở các tình huống, anh rút ra nhiều bài học và khám phá được năng lực xử lý sự cố của bản thân.

Đồng quan điểm, Bảo Ngân chia sẻ: "Đi tự túc sẽ chủ động hơn về lựa chọn địa điểm lưu trú và thời gian tham quan".

Để chuẩn bị cho chuyến du lịch tự túc, Ngân dành rất nhiều thời gian cân đo đong đếm, sắp xếp lịch trình sao cho phù hợp, các điểm đến gần nhau để tiện di chuyển, đau đầu khi tìm kiếm phòng tại đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA).

Bên cạnh sự chủ động và tự do, nếu như lên kế hoạch một cách chi tiết và có nhiều kinh nghiệm, đi du lịch tự túc còn giúp du khách tiết kiệm hơn so với đi tour.

Khó khăn gì khi du lịch tự túc?

Để chuẩn bị cho chuyến du lịch diễn ra thuận lợi nhất, Trọng Khiêm thường tìm kiếm thông tin du lịch từ trên TikTok, Youtube, Blog du lịch, đặt vé và phòng trên Traveloka, mua sim và các loại thẻ thông hành. Sở hữu vốn tiếng Anh tốt và biết một chút tiếng Trung, Khiêm khá tự tin khi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi, đặc biệt đối với những nước không dùng tiếng Anh nhiều.

Trong một lần đến Thái Lan, Khiêm quên mang theo thuốc cảm, 5 ngày ở đây anh liên tục hắt xì, đau họng mà không dám mua thuốc vì ngại hỏi, phòng khách sạn thì không chỉnh được máy lạnh khiến tình hình của anh trở nên tệ hơn. Khi đến Hàn Quốc, các cô dì tại đây không sử dụng tiếng Anh, cả hai phải ra sức vận dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với nhau.

Trong chuyến du lịch tự túc một mình đến Đài Loan, với khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung còn bập bẹ, Khiêm đã nghe không đúng và trả thiếu tiền cho người bán hàng. "Cô bán hàng đã giữ mình lại và kiên nhẫn chỉ cho mình số tiền đúng, khi ấy mình 'rơi rụng' hết vốn ngôn ngữ vì quá đói", nam du khách kể lại.

Thường xuyên đi du lịch tự túc trong và ngoài nước, Thanh Thủy từng gặp không ít tình huống éo le. Trong chuyến đi Singapore du lịch kết hợp xem show của Taylor Swift hồi đầu tháng 3, mặc dù cô đã đặt khách sạn trước 8 tháng, lên kế hoạch đi chơi chặt chẽ nhưng khi đến nhận phòng thì được báo là "You cancelled it", tạm dịch "Bạn đã hủy đặt phòng".

Đến đây nước mắt cô sắp tuôn trào vì số tiền khá lớn, xung quanh cũng không còn phòng. "Khách sạn bảo tôi tự liên hệ với bên Agoda để tra soát chứ họ không liên hệ và không có số hotline hỗ trợ", cô kể.

Sau khi bình tĩnh và hỏi lại lễ tân, quản lý khách sạn về bằng chứng chứng minh việc cô hủy phòng, giằng co một hồi cô cũng nhận được số điện thoại mà họ nói rằng là của OAT.

"Giọng nói của nhân viên Agoda qua chiếc điện thoại như thể tôi đang nghe một bài Ielts Listening vậy. May mắn thay, sau một hồi trao đổi thì tôi đã có phòng", Thanh Thủy chia sẻ.

Ngoài sự cố dở khóc dở cười trên, nữ du khách khi ít gặp phải khó khăn khi đi du lịch nước ngoài.

"Đa số các quốc gia ít nhiều cũng sẽ sử dụng tiếng Anh chứ không phải hoàn toàn không biết. Đối với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản vốn không giỏi tiếng Anh, tôi chủ động nhờ sự hỗ trợ của Google dịch và các ứng dụng dịch thuật để có thể giao tiếp với người bản địa", cô nói.

Nhằm cập nhật xu thế du lịch trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao kiến thức và năng lực tiếp thị, truyền thông cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tạp chí Tri Thức - ZNews và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới".

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác thị trường khách quốc tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với những thay đổi trên thị trường, trong đó có xu hướng chuyển đổi từ mô hình B2B thành B2C để đến gần hơn với du khách, từ đó thu hút khách du lịch đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự kiện diễn ra ngày 4/4 tại Khách sạn Majestic TP.HCM.

Toàn bộ sự kiện sẽ được livestream trên kênh YouTube Du lịch TP.Hồ Chí Minh và dẫn lại trên Tạp chí Tri Thức - Znews.

Mạng xã hội thành hướng dẫn viên khi khách ngoại đến Việt Nam

Việt Nam đón lượng khách inbound tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn than "đói" bởi du khách quốc tế chuộng đi tự túc, book land tour thay vì mua tour trọn gói.

Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm