Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Du khách Việt đốt tiền vào mỹ phẩm, quần áo khi đi Hàn Quốc

Nhiều du khách Việt tiết lộ họ chi khoản tiền lớn khi đi Hàn Quốc chỉ để mua các mặt hàng thời trang như mỹ phẩm, quần áo.

Hàn Quốc đã mở cửa du lịch trở lại dù quy định nhập cảnh còn khá khắt khe. Tuy nhiên, nhiều người Việt cũng đã nóng lòng muốn ghé thăm Hàn Quốc để thỏa mãn đam mê shopping.


Mike Nhân Phan

Travel Blogger

du lich han quoc anh 1

Nếu để so chi phí du lịch Hàn Quốc với các nước như Nhật Bản, Singapore sẽ khá khó nói.

Nếu chọn du lịch tự túc, dạng bình dân, chi phí có thể rẻ nếu đi ăn uống tại các quán ăn địa phương, lưu trú tại những dịch vụ khách sạn hay căn hộ theo dạng chia sẻ. Một chuyến đi Hàn Quốc tiết kiệm trong vòng 4-5 ngày chỉ tốn khoảng 12-15 triệu đồng kể cả vé máy bay, mua sắm quà lưu niệm đơn giản, không quá đắt tiền.

Còn nếu là trải nghiệm du lịch sang trọng, giá gấp đôi, gấp ba hay thậm chí gấp cả chục lần cũng có.

Khi du lịch Hàn Quốc, khoản chi nhiều nhất của tôi là shopping. Các thương hiệu local (tạm dịch: địa phương) của Hàn Quốc có mẫu mã rất đẹp và rất đa dạng. Tuy nhiên giá cả cũng bình dân. Thậm chí, nó còn rẻ hơn nhiều so với việc mua sắm đồ thời trang ở những nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, nếu mua trong trung tâm thương mại.

Kể cả một số thương hiệu hiện có ở Việt Nam, so ra, mức giá vẫn rẻ hơn do có rất nhiều đợt khuyến mãi và mẫu mã mới được cập nhật liên tục. Các sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ hay thẩm mỹ cũng đóng góp nhiều cho GPD của Hàn Quốc vì giá cả cạnh tranh so với các thương hiệu châu Âu. Chất lượng lại không hề kém cạnh.

Nhìn chung, số tiền chi vào shopping cho thời trang và mỹ phẩm là tuỳ nhu cầu mỗi người. Riêng với tôi, nó có thể tốn hơn 50% chi phí chuyến đi.

Kim Hương
Nhân viên truyền thông

du lich han quoc anh 2

Theo tôi, Hàn Quốc là một quốc gia làm marketing giỏi. Họ "xuất khẩu" văn hoá tới toàn thế giới. Tôi tiếp xúc văn hóa Hàn đầu tiên thông qua những bộ phim truyền hình, rồi tới các MV ca nhạc.

Người Hàn luôn lồng ghép những chi tiết như các nhân vật xuýt xoa khi ăn những món ăn hay địa điểm đẹp như mơ. Tôi đã du lịch qua màn ảnh nhỏ tới Hàn như thế, vẽ ra những tưởng tượng cho riêng mình và đặt mục tiêu mình phải tới Hàn.

Ẩm thực, mỹ phẩm và thời trang là những thứ khiến tôi tốn kém nhất trong lần du lịch Hàn Quốc. So với Việt Nam, ẩm thực ở Hàn đắt đỏ, nhất là thịt bò và hải sản. Trà sữa cũng đắt gấp 3 Việt Nam.

Ẩm thực đường phố dọc Myungdong cũng khá đắt đỏ, giao động khoảng 5.000-10.000 won/món (khoảng 94.000-200.000 đồng). Ngược lại, mỹ phẩm và thời trang khá rẻ. Bên đó, hãng nào cũng có khuyến mãi mua một tặng một nên mua về dùng thoải mái. Tôi cũng không phải lo lắng mua nhầm đồ giả.

Thực sự, tôi cũng không nhớ mình đã tiêu bao nhiêu tiền cho việc mua mỹ phẩm khi du lịch Hàn Quốc.

Theo tôi, Hàn Quốc là một đất nước "du lịch shopping". Ở mỗi thành phố, họ đều có những khu phố đi bộ để du khách mua sắm. Nhiều trung tâm thương mại lớn có chính sách miễn thuế trực tiếp cho khách du lịch.

Trong các cửa hàng mua sắm, họ thậm chí còn sắp xếp các nhân viên biết nói tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật để đón tiếp khách hàng một cách chu đáo hơn. Với thành công trong việc "xuất khẩu" văn hoá, du khách cũng có rất nhiều thứ để mua sắm.


Vinh Gấu

Travel Blogger

du lich han quoc anh 3

Với tôi, du lịch Hàn Quốc không quá đắt, ở mức chấp nhận được. Chi phí cũng không cao như du lịch Singapore, Nhật Bản. Trung bình mỗi ngày, bạn chi tiêu khoảng 2-3 triệu đồng là đủ để ăn chơi thoải mái.

Tôi chi phần lớn tiền trong chuyến đi Hàn Quốc vào việc di chuyển giữa các thành phố và tham gia những trải nghiệm khác nhau ở mỗi nơi. Tôi không phải fan của shopping nên chỉ tìm mua những món đồ nhỏ làm quà lưu niệm hoặc gia vị để về nấu các món ăn đậm vị Hàn Quốc hơn. Do đó, chi phí cũng không bao nhiêu.

Thông thường, chi phí cho shopping chỉ chiếm khoảng 10% tổng chi phí của một chuyến đi của tôi.

Dù vậy, tôi vẫn nghĩ Hàn Quốc là đất nước các bạn yêu shopping, đặc biệt là về thời trang và làm đẹp. Đất nước này nổi tiếng về "cái đẹp". Các sản phẩm thời trang của họ được đánh giá cao.

Ngoài shopping, các khoản chi tiêu khác như ăn uống, lưu trú cũng không quá tốn kém vì còn phụ thuộc túi tiền mỗi người. Tôi thực sự trông chờ được du lịch Hàn Quốc trở lại. Visa đã có trong tay rồi, có duyên tôi sẽ quay lại Hàn Quốc ngay.


Phan Thế Anh

Nhiếp ảnh gia du lịch, blogger

du lich han quoc anh 4

Hàn Quốc 4 mùa đều có nét đẹp riêng. Mùa xuân, các khu vực miền Trung trở thành nơi ngắm hoa anh đào hút khách. Vào hè, du khách có thể đến những thành phố biển như Busan để tham dự lễ hội biển. Vào thu, bạn lại được ngắm lá phong ở các vườn quốc gia, đảo Nami. Mùa đông là thời điểm để trượt tuyết ở Muju.

Di chuyển ở Hàn Quốc rất dễ dàng khi khá nhiều tỉnh có tàu điện ngầm. Nếu đi khu vực xa thì tàu nhanh KTX giúp việc di chuyển từ Seoul đến Busan chỉ mất tầm vài tiếng.

Thời mới đi làm, tôi chỉ dành dụm tiết kiệm tầm 10 triệu đồng để đi du lịch Hàn Quốc. Đa phần, số tiền này được dành cho việc ăn uống. Đồ ăn, tráng miệng ở Hàn Quốc rất ngon.

Ví dụ, món gà hầm sâm giá sẽ từ 12.000 won đến 20.000 won (225.000-375.000 đồng). Các món kem Bingsu từ 10.000 won đến 15.000 won (200.000-280.000 đồng). Mùa xuân, du khách còn có thể thưởng thức dâu tươi Hàn Quốc, giá từ 5.000 won đến 8.000 won một hộp (94.000-150.000 đồng)...

Về sau, khi có nhiều tiền hơn cho chuyến du lịch của mình, tôi thường chuẩn bị tầm 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi đi Hàn Quốc. Tôi thường mua mỹ phẩm ở đây vì dịch vụ và quà tặng kèm rất nhiều, kích thích nhu cầu người mua hàng.

Mỹ phẩm Hàn Quốc cũng khá đa dạng và nhiều lựa chọn đối với khách hàng hơn. Ngoài ra, tôi cũng chi khá nhiều tiền cho quần áo. Ở Hàn Quốc có nhiều thương hiệu nội địa đẹp. Nếu đi vào dịp thu, đông, các cửa hàng thời trang ở Hàn Quốc đa phần bán áo khoác, kiểu dáng thời thượng.

Theo tôi, Hàn Quốc là thiên đường của shopping. Từ sân bay Incheon, du khách có thể thưởng thức một thế giới shopping rồi. Sân bay này được xem là một trong những nơi náo nhiệt nhất với các tín đồ mua sắm. So với Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), shopping ở Hàn Quốc đa dạng và có nhiều thứ đáng tận hưởng hơn.

Chàng trai vẽ Phú Yên, Đà Lạt theo phong cách anime

Được truyền cảm hứng từ các bộ phim hoạt hình Nhật Bản (anime), Quang Thịnh đã tái hiện một số địa danh ở Việt Nam theo phong cách này.

Chàng trai Việt đến Bali tìm cá khổng lồ

Vinh Lê có dịp ghé thăm Bali (Indonesia) hồi tháng 5 sau khi việc du lịch trở nên dễ dàng. Trong lần này, anh có nhiều trải nghiệm thú vị như lặn biển, chăm rùa con...

Các địa chỉ dành cho tín đồ nghệ thuật tại TP.HCM

Bạn có thể tận hưởng thời gian rảnh rỗi của mình tại các không gian nghệ thuật dưới đây.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm