Cùng bệnh nhân Covid-19 chiến đấu, chiến thắng kẻ thù là sứ mệnh, trách nhiệm của những chiến binh “blouse trắng”. Nhưng đó không phải là một nhiệm vụ duy nhất mà họ phải đảm đương lúc này. Bởi họ vẫn còn nhiều công việc khác trong hành trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Hơn 35.000 bệnh nhân đang điều trị
Trước áp lực số F0 không ngừng tăng tại TP.HCM, công tác điều trị được tập trung với sự quyết tâm cao độ trên tất cả mặt trận.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác điều trị tại thành phố có nhiều tiến triển tích cực. Dự kiến, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện trong thời gian tới khoảng 1.000 người/ngày.
Hiện tại, ngành y tế thành phố đang điều trị cho hơn 35.000 bệnh nhân. Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, điều trị các F0, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng 59.000 giường bệnh.
Theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, 1.000 giường bệnh cần khoảng 2.000 nhân sự. Với hơn 35.000 bệnh nhân đang điều trị, số y bác sĩ, nhân viên y tế cần huy động là con số khổng lồ, có thể lên đến hơn 70.000 người. Chưa kể, trung bình một F0 nặng, nguy kịch cần từ 3 nhân viên y tế trở lên tham gia chăm sóc, điều trị.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) điều trị các F0 nặng, nguy kịch tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để đảm bảo nhân sự phục vụ công tác điều trị tại TP.HCM, ngành y tế thành phố đã huy động từ nhiều đơn vị, bệnh viện. Song song đó, các thầy thuốc từ bệnh viện trực thuộc Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175 cũng tham gia chi viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện CHợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết để đưa vào hoạt động ngay một bệnh viện hồi sức với quy mô 1.000 giường là điều không thể. Do đó, bệnh viện nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị cho F0 nặng, nguy kịch theo từng giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, bên cạnh hơn 650 nhân sự đang phục vụ tại bệnh viện (đến từ 10 bệnh viện, địa phương khác nhau), Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã yêu cầu hỗ trợ nhân lực từ Sở Y tế TP.HCM. Ở giai đoạn tiếp theo, cơ sở y tế này cũng gửi công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực.
Những nhiệm vụ song hành
Bên cạnh nhiệm vụ tập trung tổng lực cho điều trị F0, ngành y tế TP.HCM vẫn phải đảm bảo song hành công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe thường nhật.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngoài lực lượng khoảng 300 bác sĩ, điều dưỡng, hồi sức, kỹ thuật viên tham gia chi viện tại 8 bệnh viện trong hệ thống tháp 3 tầng của TP.HCM, nhân lực của bệnh viện còn tham gia vào nhiều công tác khác như lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức 15 đội tiêm vaccine phòng Covid-19, 4 xe cấp cứu phục vụ công tác tiêm chủng. Đồng thời, nhân sự y tế vẫn phải đảm bảo công tác khám, chữa bệnh nội trú, ứng trực cấp cứu tại bệnh viện.
Hiện tại, lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã giảm còn khoảng 40% so với bình thường. Bệnh viện duy trì nhân sự đảm bảo 50% để phục vụ công tác chuyên môn, điều trị.
"Thời điểm khó khăn nhất, khoảng 300 nhân viên phải cách ly, 4 khoa phòng phải cách ly cục bộ. Có những người vừa được ra viện thì đúng ngày bệnh viện có F0, phải tiếp tục cách ly", lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nói.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trước giờ chi viện bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nam Phương. |
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ nhiều trường hợp nhân viên bệnh viện sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, khu vực cách ly, phong tỏa để đồng hành cùng bệnh nhân. Họ mong muốn tham gia công tác chăm sóc, điều trị cũng như động viên tinh thần cho người bệnh và người thân bệnh nhân.
“Bác sĩ Đặng Minh Hiệu sau những ngày xung phong vào tâm dịch Bắc Giang, khi trở về đã tiếp tục công tác điều trị Covid-19 ở Củ Chi. Một lần nữa, bác sĩ Hiệu viết thư xin xung phong chống dịch", PGS Bắc chia sẻ về một trong hàng trăm thầy thuốc nguyện hy sinh cuộc sống riêng cho cuộc chiến với đại dịch.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 21/7, thành phố có thêm 1.585 bệnh nhân xuất viện. Tổng số người mắc Covid-19 khỏi bệnh tại TP.HCM tính từ 27/4 đến nay là 6.422.
Hiện tại, ngành y tế TP.HCM điều trị cho 35.228 bệnh nhân, gồm những người có kết quả xét nghiệm rRT-PCR và test nhanh dương tính. Trong đó, 533 người đang thở máy và 10 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Đến nay, TP.HCM đã có 382 bệnh nhân tử vong.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.