Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan này chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.
Bộ Y tế phải làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả chương trình tiêm chủng của các nước.
Đồng thời, cơ quan này cũng thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới về vấn đề khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa bảo vệ cho trẻ và quan trọng nhất là đảm bảo tính an toàn, khả năng chấp nhận của cộng đồng.
Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân khi tiêm vaccine cho trẻ em.
Về đảm bảo nguồn vaccine tiêm cho trẻ em, Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến việc sử dụng vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Bộ đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ chờ phê duyệt.
Trước đó, ngày 6/1, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Đến nay, một số nước đã tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Cuba, Chile, Israel, Oman, Saudi Arabia, Bahrain, UAE... Singapore đã bắt đầu triển khai tiêm từ cuối tháng 12/2021 đối với các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
Việt Nam đã triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi từ tháng 11/2021. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.131.455 liều, trong đó có 8.021.461 mũi một và 6.109.994 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 89,9% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5% dân số 12-17 tuổi.