Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến ngành du lịch.
Từ 28/7, khi tất cả phương tiện vận chuyển đến và đi từ Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955 cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng dừng kinh doanh.
Hàng loạt doanh nghiệp phải rao bán khách sạn
Hậu quả của đợt dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. "Theo thông tin sơ bộ, trên địa bàn thành phố có khoảng 250-260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn)", ông Bình cho biết.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch.
Đà Nẵng đã cho phép khách sạn hoạt động, người dân tắm biển nhưng du khách vẫn chưa đến địa phương này. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, thừa nhận do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngành du lịch đang "ngắc ngoải". “Đến giờ, Đà Nẵng vẫn chưa có khách. Năm ngoái thu 10 đồng thì năm nay chỉ được khoảng 2 đồng. Nói thế để thấy ngành du lịch đang kiệt quệ, rất khó khăn”, ông Dũng nói.
Phó giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm hiện nay, du khách đều có tâm lý e ngại lấy nhiễm dịch bệnh. Đây là rào cản, thách thức lớn đối với ngành du lịch, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát lần thứ hai", ông Bình nhận định.
Hy vọng vào Giáng sinh, chờ thời trong năm 2021
Theo ông Dũng, để ứng phó với những khó khăn trên, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã lên nhiều kịch bản để cứu ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Kịch bản lạc quan nhất là từ nay đến cuối năm, không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.
“Theo kịch bản này, chúng tôi đang kêu gọi doanh nghiệp mở lại các dịch vụ cơ bản phục vụ du khách địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng trong tháng 9 này, nhằm chứng minh cho du khách thấy Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đến nửa cuối tháng 10, nếu 28 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19, ngành sẽ triển khai một số sản phẩm để khai thác du khách hai đầu đất nước về Đà Nẵng. Các đơn vị sẽ đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho du khách với giá khuyến mãi đặc biệt như giảm giá vé tham quan, tiền thuê khách sạn...
Đà Nẵng đã lên nhiều kịch bản để thu hút du khách. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
"Du khách sẽ có những trải nghiệm mới và đương nhiên, các cơ sở dịch vụ đều đưa ra mức giá hấp dẫn, chất lượng, đặt an toàn chống dịch lên hàng đầu. Với khách quốc tế, cơ hội lạc quan nhất là tới dịp Giáng sinh, hy vọng sẽ đón được một số khách từ các nước nếu Chính phủ cho phép", ông Dũng thông tin.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, ngành du lịch thành phố xác định sẽ “chung sống” an toàn với dịch.
Hết tháng 9, Đà Nẵng sẽ tái khởi động các hoạt động kinh doanh phù hợp tình hình thực tế. Trước mắt, Sở Du lịch xây dựng ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19, định hướng tổ chức và quy trình hoạt động kinh doanh trong tình hình mới vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh.
Về lâu dài, sở sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.
"Chúng tôi sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội/sự kiện, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp quảng bá, xúc tiến du lịch trở lại", ông Bình cho biết.
Ngoài ra, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng hỗ trợ các đơn vị tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông, phối hợp doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao... để quảng bá du lịch trong và ngoài nước.