41 trong 181 nạn nhân trên chuyến bay 7C2216 của Jeju Air gặp nạn hôm 29/12 đã chi 1,4 triệu won/người để đón Giáng sinh ở Bangkok (Thái Lan) thông qua một công ty lữ hành địa phương.
Theo Chosun Biz, chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm (25-29/12) với dịch vụ cao cấp bao gồm chơi golf, dịch vụ massage chân, ăn tối trên du thuyền. Phần lớn hành khách mua tour ở độ tuổi trung niên trở lên.
Tuy nhiên, không riêng nhóm trên, du khách Hàn Quốc 20-30 tuổi cũng đang du lịch nước ngoài một cách cuồng nghiệt.
Năm 2023, số lượng hộ chiếu cấp cho người dân Hàn đạt hơn 6,3 triệu cuốn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2022 và vượt xa con số trước dịch Covid-19. Trong đó, những người ở độ tuổi 20 yêu cầu phát hành hộ chiếu nhiều nhất với hơn 1,1 triệu cuốn và khách ở độ tuổi 30 là 873.789 cuốn, dữ liệu từ Bộ Ngoại giao nước này.
Người Hàn đang 'điên cuồng' xuất ngoại
Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, mức chi tiêu của du khách Hàn Quốc cho các tour du lịch theo nhóm ở nước ngoài năm 2024 lập kỷ lục tăng mạnh nhất trong 14 năm vào tháng 10 (tăng 15,7% so với cùng kỳ).
Trước lần chạm đỉnh trên, mức chi đã liên tục tăng từ 5,7% hồi tháng 8 lên 12,6% vào tháng 9, chủ yếu cho điểm nghỉ và giá vé máy bay.
Chưa kể, thị trường outbound (du lịch nước ngoài) ở Hàn Quốc chứng kiến mức tăng trưởng trở lại, đáng chú ý là vào các ngày lễ, Tết.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, hơn 14 triệu dân Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2023 và phục hồi 93,4% so với mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2019, theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO).
Australia, Nhật Bản và Việt Nam là 3 quốc gia ghi nhận sự bùng nổ dòng khách này với chỉ số tăng lần lượt là 61,3%, 15% và 9,8%. Trong khi đó, khách du lịch Hàn Quốc đang quay lưng với Hong Kong (lượng khách giảm 43%), Mỹ (giảm 216%), Canada (giảm 40%) và Mexico (giảm 14,5%).
Nhóm khách Hàn Quốc kéo vali tại một sân bay nước này hồi tháng 9. Ảnh: Reuters. |
Nếu tính riêng kỳ nghỉ Chuseok (Tết Trung thu), tổng số hành khách đi du lịch ngày 13-18/9 ước tính 650.000 lượt, theo Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon.
Số lượng hành khách trung bình di chuyển thông qua phi trường chính của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục lên đến 200.671 mỗi ngày, trong đó dẫn đầu là sự gia tăng doanh số bán các gói tour du lịch quốc tế cho các gia đình. Điều này là minh chứng cho nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Hàn Quốc vào các kỳ nghỉ lễ trong năm nay.
Cũng trong tháng này, lượng du khách Hàn Quốc vi vu nước ngoài đứng ở mức 2,01 triệu lượt trong tháng 9, đánh dấu mức tăng 225,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã phục hồi gần như hoàn toàn so với thời kỳ trước đại dịch với 98% so với tháng 10/2019.
Với xu hướng du lịch ngoài nước mạnh mẽ, thị phần hàng không đang nghiêng về 3 hãng bay của Hàn Quốc là Korean Air, Asiana Airlines và Jeju Air. Đây là những đơn vị được khách Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn trên tổng số 18 hãng khác bao gồm hãng bay quốc tế.
Số liệu đặt vé máy bay trong tháng 9 cho thấy điều trên. Theo thống kê của Statista (công ty chuyên thu thập, trực quan hóa dữ liệu và cung cấp báo cáo độc quyền của Đức), Korean Air xếp ở vị trí đầu danh sách hãng bay được đặt nhiều trong tháng 9 với 38%, theo sau là Asiana Airlines với 33% và Jeju Air xếp thứ 3 với 25%, thứ 4 là Jin Air với con số suýt soát 23%.
Tuy nhiên, thảm kịch hàng không trên chuyến bay số hiệu 7C2216 của Jeju Air ngày 29/12 gây mất lòng tin cho người dân xứ sở kim chi. Khoảng 68.000 vé máy bay đã bị hủy sau 9h cùng ngày - thời điểm sau khi vụ tai nạn diễn ra. Trong đó, khoảng 33.000 vé dành cho các chuyến bay nội địa và 34.000 vé từ các chuyến bay quốc tế, thông tin từ Jeju Air.
Du lịch hàng không 'tuyệt vọng'
Trong bối cảnh du lịch vừa khởi sắc trở lại kể từ sau đại dịch Covid-19, tai nạn máy bay thương mại thảm khốc của Jeju Air ngày 29/12 khép lại ngành công nghiệp không khói Hàn Quốc năm 2024 theo cách không ai mong muốn.
Sự cố tồi tệ nhất lịch sử hàng không nước này xảy đến giữa lúc tình hình chính trị biến động của Hàn Quốc và ngành du lịch vốn đang chịu nhiều "tổn thương". Đồng won suy yếu trước đó cũng đã ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng của du khách trong nước.
Giám đốc điều hành Jeju Air Kim E-bae và các quan chức cuối đầu xin lỗi gia đình nạn nhân sau sự cố hàng không ngày 29/12. Ảnh: Reuters. |
Tất cả như đang cuộn trào làm lung lay niềm tin của công chúng Hàn Quốc đặc biệt là ở ngành du lịch hàng không.
"Triển vọng lợi nhận ngắn hạn của ngành hàng không đã trở nên 'vô nghĩa'", tờ Korean Times bình luận sau vụ việc.
Nhà phân tích thị trường Choi Go-woon từ Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment & Securities - KIS) cho rằng các nhà chức trách có thể mất ít nhất 6 tháng đến một năm để xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn.
"Thảm kịch gần đây, kết hợp với tình hình chính trị và kinh tế trong nước không ổn định, dự kiến sẽ tác động đáng kể đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không", ông Choi nói. "Dự báo lợi nhuận ngắn hạn không còn là hướng dẫn có ý nghĩa cho các quyết định đầu tư trong lĩnh vực hàng không nữa".
Trong giai đoạn đó, các hãng hàng không phải xây dựng chiến lược củng cố niềm tin của khách hàng. Trong tương lai, ngành công nghiệp phải tập trung vào việc tăng cường các biện pháp an toàn.
Sau vụ việc, giá cổ phiếu của Jeju Air tuột dốc thê thảm, chạm đáy kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2015, ở mức 6.920 won vào sáng 30/12.
Cổ phiếu của các công ty du lịch có liên quan khác cũng sụt giảm đáng kể. Đơn vị lữ hành nội địa như Very Good Tour, Hana Tour và Modetour cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm lần lượt 5,59%, 2,16% và 0,72%.
Nếu không có sự vụ đáng tiếc của Jeju Air, giá cổ phiếu của 3 công ty trên dự kiến sẽ tăng đột biến trong dịp Tết Dương lịch sắp tới.
Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc. Sau vụ việc gây chấn động toàn thế giới ngày 29/12, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok tuyên bố quốc tang 7 ngày sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc trên, bắt đầu từ thời điểm xảy ra sự cố. Vị Tổng thống cũng chỉ định Muan là vùng thảm họa đặc biệt và sẽ nhận sự hỗ trợ tận lực từ nhà nước để khắc phục hậu quả, cũng như hỗ trợ cho người nhà nạn nhân. Giám đốc hãng bay cũng gửi lời chia buồn đến gia đình có người thân thiệt mạng.
Tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng đầu thị trường khách ngoại trong suốt 11 tháng với 4,1 triệu lượt khách, chiếm 26% thị phần khách quốc tế, theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia công bố ngày 6/12.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.