![]() |
Nhật Bản trở thành điểm đến tiềm năng của du khách quốc tế, trong đó có Nga bởi chính sách miễn thị thực và đồng yen yếu. Ảnh: Issei Kato/Reuters. |
Giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đối mặt với bất ổn và giá cả hàng hóa leo thang do thuế quan, ngành du lịch lại được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, theo Bloomberg.
Theo báo cáo "Nghiên cứu tác động kinh tế năm 2025" do Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) phối hợp với Oxford Economics thực hiện, ngành du lịch toàn cầu dự kiến đóng góp 11,7 nghìn tỷ USD cho GDP thế giới vào năm 2025 – tương đương 10,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Du khách dự kiến chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho các chuyến đi quốc tế trong năm nay, lên tới 2,1 nghìn tỷ USD, vượt qua mức 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2019.
Nhìn chung, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng bền vững kể từ khi lệnh phong tỏa do đại dịch được dỡ bỏ, đưa ngành này vào xu hướng có thể đạt mức chi tiêu 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Những đóng góp gián tiếp của du lịch vào nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như như việc khách sạn mua vật tư từ các doanh nghiệp lân cận và sức mua tại địa phương của nhân viên khách sạn, sẽ góp phần biến ngành du lịch trở thành một cường quốc trị giá 16 nghìn tỷ USD, đóng góp 11,5% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo này được thực hiện trước khi chính quyền Mỹ công bố gói thuế mới áp dụng cho khoảng 90 quốc gia. Những chính sách này có thể làm tăng giá hàng hóa, gây khó khăn cho việc di chuyển và làm giảm thu nhập khả dụng của du khách, đặc biệt là người Mỹ, vốn nổi tiếng với mức chi tiêu cao khi du lịch.
![]() |
Du khách đi qua đài phun nước Neptune (Fontana del Nettuno) tại Quảng trường Signoria ở Florence, Italy ngày 13/4/2024. Ảnh: Alessandro Garofalo/Reuters. |
Khi được hỏi về tác động của thuế quan và suy thoái kinh tế đang đến gần đối với ngành du lịch, Julia Simpson, Chủ tịch kiêm CEO của WTTC, tỏ vẻ không mấy quan tâm.
"Chúng tôi tin rằng du lịch quốc tế vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, bất chấp một số trở ngại ngắn hạn", bà nói với Bloomberg.
Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi nhóm hoàn thành nghiên cứu của mình, nhưng mọi người vẫn đang ưu tiên các chuyến đi của họ. Simpson nói thêm rằng cả WTTC và Oxford Economics đều coi tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu là vấn đề ngắn hạn.
Một phần là do mọi người lên kế hoạch trước cho kỳ của mình rất lâu, với nhiều chuyến đi được thanh toán trước hoặc được thực hiện trong những trường hợp không được hoàn lại tiền.
WTTC dẫn dữ liệu đặt phòng cho mùa hè năm nay cho thấy các điểm đến như Pháp và Tây Ban Nha đang hướng đến một năm kỷ lục, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao. Châu Phi dự kiến đóng góp 225 tỷ USD, chiếm gần 8% GDP của châu lục – tăng 17% so với năm 2019.
![]() |
Du khách chụp ảnh tại Quảng trường Signoria ở Florence, Italy. Ảnh: Alessandro Garofalo/Reuters. |
Tuy nhiên, phân tích của WTTC cho thấy nền kinh tế du lịch của Mỹ và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thuế quan. Một dự báo riêng tập trung vào du lịch Mỹ do Oxford Economics công bố ngày 3/4 dự báo lượng khách du lịch đến Mỹ sẽ giảm 9,4%, dẫn đến thâm hụt chi tiêu trong nước 9 tỷ USD.
Sự sụt giảm đó được cho là bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm sự không chắc chắn xung quanh chính sách biên giới và nhập cư của Mỹ, đồng USD mạnh, tổn hại về danh tiếng, suy thoái kinh tế ở Canada và Mexico - 2 trong số những thị trường du khách hàng đầu của Mỹ.
Simpson nhận định: "Năm nay, Mỹ vẫn là thị trường du lịch lớn nhất xét về đóng góp vào GDP, nhưng đúng là vẫn có một số trở ngại”, đồng thời hứa hẹn sẽ có thêm nhiều phân tích trong những tuần và tháng tới.
"Du lịch đã chứng tỏ là ngành có khả năng phục hồi vượt trội – từ chiến tranh, đại dịch cho tới thiên tai,” bà nói thêm, đồng thời lưu ý rằng bất kỳ tác động nào từ thuế quan cũng cần được quan sát thêm, do hệ thống chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu vốn rất phức tạp.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'