Ngày 22/12, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi vào vận hành thương mại. Sự kiện là bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Xét về khía cạnh du lịch, metro số 1 có tiềm năng trở thành phương thức di chuyển ưa thích và trở thành biểu tượng đô thị mới trong lòng du khách. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi mạng lưới tàu điện ngầm chất lượng và độ phủ sóng cao.
'Nam châm' hút khách
Dựa trên một cuộc khảo sát khách du lịch quốc tế ở Barcelona, Tây Ban Nha (điểm du lịch hút khách bậc nhất thế giới với hệ thống tàu điện ngầm rộng lớn) vào năm 2021 của Phó giáo sư João Romão chuyên nghiên cứu lĩnh vực du lịch, hạ tầng đô thị và kinh tế lượng không gian tại trường Đại học Nữ sinh Yasuda (Nhật Bản), khoảng 54% du khách chọn tàu điện ngầm làm phương thức ưu tiên.
Ngay cả những du khách mới không quen thuộc với thành phố cũng có xu hướng yêu thích các hình thức giao thông công cộng, ví dụ tàu điện ngầm, tàu hỏa, xe điện... để trải nghiệm cuộc sống của người dân. Điều này cho thấy hệ thống giao thông công cộng là một kênh thúc đẩy du lịch hiệu quả cho điểm đến.
Ở địa danh du lịch khác như Munich của Đức, tàu điện ngầm cũng là phương thức di chuyển phổ biến nhất đối với khách du lịch. Hơn 65% người lần đầu đến thành phố lớn thứ 3 của Đức lựa chọn phương tiện trên và 75% khách sẽ sử dụng tuyến đường sắt nhiều lần, theo một báo cáo của nhà địa lý học Andreas Kagermeier và nhà nghiên cứu Werner Gronau năm 2017.
Hệ thống xe buýt điện phục vụ cho tuyến metro số 1 chụp vào ngày 20/12. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, tàu điện ngầm không chỉ là "nam châm" hút khách mà chính khách du lịch cũng đem lại nguồn thu lớn cho lĩnh vực giao thông vận tải khi lựa chọn sử dụng phương tiện này.
Dadi An từ Trường Thiết kế Nghệ thuật và Truyền thông, Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc (Thượng Hải, Trung Quốc) nhận định các điểm du lịch có tác động đáng kể và tích cực đến lượng hành khách tàu điện ngầm vào cả ngày trong tuần và cuối tuần.
Trong bài nghiên cứu tác động giữa du lịch và hệ thống tàu điện ngầm, Dapeng Zhang từ Học viện Bách khoa Rensselaer (Mỹ) chỉ ra rằng các ga tàu điện phục vụ cho điểm đến du lịch có xu hướng được du khách lựa chọn nhiều hơn những ga không dẫn đến bất kỳ địa danh nào.
Đó là chưa kể một số khách sạn có xu hướng ưu tiên lựa chọn vị trí xây dựng gần các ga tàu, tạo sự thuận lợi cho du khách cũng như đơn vị trong việc quảng bá cơ sở lưu trú.
Tuy nhiên, nếu mạng lưới tàu điện ngầm đủ đa dạng, chẳng hạn hệ thống tàu hình chữ U ở Bắc Kinh (giúp kết nối khu vực ngoại ô và trung tâm), du khách sẽ không cần quá lệ thuộc vào điểm nghỉ ở nội thành với mức giá đắt đỏ.
Bài học cho TP.HCM
Tại TP.HCM, tuyến metro số 1 là "sợi dây" hút khách tiềm năng khi sở hữu lợi thế như tầm nhìn đẹp, cảnh quan bao quát, cơ sở vật chất mới và hiện đại.
Song với mạng lưới đường sắt đô thị còn non trẻ như tại TP.HCM, phương tiện chưa thật sự để lại dấu ấn khi xét về khía cạnh du lịch, đặc biệt là thiếu tính kết nối trực tiếp với sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM được đông đảo công chúng quan tâm nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với du khách nước ngoài. Nói cách khác, công tác quảng bá dành cho khách quốc tế còn mờ nhạt.
Theo Phó giáo sư Giannina Warren, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam, metro số 1 cần được xây dựng thành một thương hiệu thu hút du khách dựa trên những câu chuyện để trở thành biểu tượng đô thị chứ không nên là một phương tiện di chuyển đơn thuần.
“Mọi người không kết nối với thương hiệu qua tính năng. Họ kết nối với những câu chuyện mà họ có thể thấy mình trong đó”, bà giải thích.
Bên trong metro số 1 TP.HCM ngày 13/12 - cận ngày chạy thương mại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hơn nữa, thương hiệu của metro không chỉ dừng lại ở hình ảnh của đoàn tàu, mà còn là toàn bộ trải nghiệm của người dùng, từ thiết kế nhà ga đến ứng dụng mua vé trực tuyến. Vị phó giáo sư cho rằng tuyến metro số 1 có tiềm năng trở thành niềm tự hào của TP.HCM để thu hút khách du lịch.
"Khi cảm xúc tự hào trào dâng, mọi người có xu hướng ủng hộ điều đó", bà khẳng định.
Hình ảnh tuyến tàu điện ngầm, tàu điện trên cao ở các điểm đến nổi tiếng chẳng hạn Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), London (Anh)... là những bài học giá trị cho TP.HCM trong việc sử dụng phương tiện công cộng để kéo khách.
Skytrain tại sân bay Changi và tuyến đường sắt tại Singapore. Ảnh: Connecting Flights Guide, Andy Lee/Pexels. |
Cụ thể, hệ thống tàu điện từ năm 1987 của Singapore là minh chứng dễ thấy nhất không chỉ riêng Việt Nam mà một số nước ở Đông Nam Á cũng cần tham chiếu. Trong đó, nhanh chóng, hiện đại và an toàn là phương châm địa danh hướng đến.
Chính phủ nước này cho xây dựng 140 ga với 6 tuyến tàu điện ngầm (MRT) chạy khắp đảo từ Nam-Bắc, Đông-Tây, Đông-Bắc đến khu trung tâm và đường sắt nhẹ (LRT).
Mỗi tuyến được thể hiện thông qua màu sắc riêng. Đáng chú ý là 2 tuyến downtown (xanh dương) và Đông-Tây (màu xanh lá cây) kết nối du khách từ sân bay đến các điểm tham quan trong thành phố, bên cạnh các phương tiện di chuyển khác như xe buýt, taxi, xe công nghệ.
Chưa kể, ngay tại phi trường, hệ thống skytrain miễn phí giúp du khách dễ di chuyển đến các ga cũng là một điểm cộng tạo sự thỏa mái khi bạn đặt chân đến Singapore.
Một cabin tàu hỏa theo chủ đề duyên dáng do sinh viên Nghệ thuật và Thiết kế Truyền thông. Ảnh: Kevin Lim. |
Theo Todayonline, Singapore tham vọng mở rộng độ phủ tuyến MRT từ 230 km lên 360 km vào năm 2030. Lúc này, 8/10 hộ gia đình ở đây sẽ chỉ cách ga tàu khoảng 10 phút đi bộ.
Bên cạnh đó, ngoài việc quảng bá MRT hiện đại, sạch sẽ, Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) của Singapore còn lồng ghép chủ đề mang yếu tố gần gũi với người dân, tạo sự thân thiện cho du khách thông qua các bức vẽ trang trí trên một số cabin nhất định.
Từ ví dụ của Singapore, Phó giáo sư Warren nhấn mạnh các chiến dịch tiếp cận công chúng của tuyến metro số 1 nên tập trung vào những động lực chính thúc đẩy người dân, khách du lịch sử dụng và cho họ thấy phương tiện giao thông này giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và thúc đẩy bền vững như thế nào.
"Thông điệp nên được tùy chỉnh cho từng nhóm tuổi và lối sống khác nhau. Giới trẻ hoạt động tích cực hơn trên các nền tảng như TikTok, Instagram và YouTube, trong khi thế hệ lớn tuổi hơn có xu hướng tiếp nhận thông tin qua TV, radio hoặc báo in. Những video chia sẻ 'một ngày với Metro' của sinh viên hoặc nhân viên văn phòng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác làm theo", vị này nói.
Còn tại Thái Lan, năm 1999, xứ sở chùa Vàng cũng nhanh chóng bắt kịp nhịp với Nhật Bản khi cho ra mắt hệ thống tàu điện trên cao (BTS).
Tình trạng kẹt xe tại một góc đường ở Thái Lan. Ảnh: Martin Péchy. |
Cùng với tàu điện ngầm (MRT), BTS là 2 trong số phương tiện kết nối du khách đến các địa danh trong nước, giảm thiểu phần nào tình trạng kẹt xe. Từ sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), du khách chỉ tốn khoảng 35 baht (1 USD) sử dụng hệ thống đường sắt để vào trung tâm.
Tuy nhiên, với lượng khách đến ngày một đông, tuyến đường sắt tại đây vẫn chưa thể "gồng gánh" lưu lượng giao thông điên rồ, đặc biệt là ở khu vực Bangkok, Phuket hay Chiang Mai.
Ngoài việc tạo sự thuận tiện cho du khách di chuyển trong thành phố, Thái Lan còn mở đường đến các địa danh chưa được chú ý, đúng như phương châm chiến lược truyền thống Năm Du lịch của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT).
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.