Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch Việt bội thu dịp lễ

Trong dịp lễ 30/4-1/5, nhiều địa phương đón lượt khách không bằng cùng kỳ năm 2021 nhưng có doanh thu tăng gấp hàng chục lần.

Nhiều chuyên gia du lịch và doanh nghiệp lữ hành cho rằng dịch bệnh đã làm thay đổi nhu cầu đi du lịch của người dân, cũng như cách chi tiêu của họ.

Du lịch hạng sang lên ngôi

Vừa trở về sau kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại một khu resort ở Bãi Dài, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, anh Trung - ngụ TP Nha Trang - cho biết quyết định không chọn Đà Lạt (Lâm Đồng) hay địa phương nào khác để du lịch dịp này là đúng đắn.

“Mọi năm Đà Lạt dịp lễ đông nghịt người, dù đã đặt phòng nhưng không chơi được nhiều vì lượng khách quá đông, đường thì kẹt cứng”, anh Trung nói và cho biết tâm lý giảm chi tiêu tối đa khiến kỳ nghỉ của gia đình vất vả hơn.

Kỳ nghỉ năm nay anh Trung quyết định chọn khu resort ở Bãi Dài, không đi du lịch kiểu “hành xác” như các năm trước. “Mình chọn khu resort để đi nghỉ dưỡng dịp lễ, vừa không lo lắng về dịch như năm ngoái, lại cho cảm giác thoải mái cho cả gia đình”, anh Trung bày tỏ.

du lich cao cap anh 1

Nhiều khu du lịch ở khu bãi Dài đạt công suất phòng 100% dịp lễ. Ảnh: N.A.

Theo anh Trung, đi nghỉ ở resort chi phí cao hơn nhưng cả nhà chấp nhận. “Khu Bãi Dài khá gần nhà, dịch vụ tốt, công tác phòng dịch đảm bảo mà giá cả cũng khá mềm. Kỳ nghỉ của cả nhà chỉ tốn gần 20 triệu cho 3 ngày 2 đêm, mức giá đó khá hợp lý, đặc biệt là được tận hưởng cảm giác nghỉ dưỡng thật sự”, anh Trung bày tỏ.

Theo chuyên gia du lịch, tâm lý ngại đến chỗ đông người do chen chúc, dịch bệnh khiến một bộ phận không nhỏ người dân chấp nhận bỏ thêm chi phí để đi nghỉ dưỡng ở những khu du lịch, resort hạng sang.

“Tâm lý e ngại vẫn làm một bộ phận không nhỏ du khách lựa chọn dịch vụ resort sang trọng để nghỉ dưỡng, họ chấp nhận chi phí cao hơn nhưng có cảm giác an toàn hơn là tập trung những điểm quá đông người.

Hy vọng rằng tâm lý này sẽ sớm qua đi do tỷ lệ phủ vaccine cả nước đang ngày càng tăng kể cả về số lượng lẫn độ tuổi, đồng thời số ca nhiễm cũng ghi nhận giảm nhiều trong thời gian gần đây”, ông Phan Đình Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International - phân tích.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết dịp lễ năm nay doanh thu từ du lịch tăng hơn 200% so với cùng kỳ và đây là tín hiệu chứng tỏ sự phục hồi du lịch mạnh mẽ của địa phương.

Bốn ngày lễ, Khánh Hòa đón 275.500 lượt khách du lịch, trong đó chỉ có 125.000 khách lưu trú. “Khách du lịch năm nay tập trung chủ yếu tại các khu nghỉ dưỡng ở khu vực Bãi Dài và các khu nghỉ dưỡng, resort khép kín ở các đảo. Những nơi này luôn đạt công suất phòng trên 80%”, bà Thanh thông tin.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, nguyên nhân doanh thu từ du lịch năm nay tăng vọt so với cùng kỳ ngoài yếu tố lượng khách đông hơn, thì việc người dân bỏ thêm chi phí để ở các khu du lịch, resort hạng sang là yếu tố quyết định.

“Nếu bình quân mọi năm một người đi du lịch dịp lễ chỉ bỏ ra khoảng 2-3 triệu đồng, nay họ chỉ cần bỏ thêm chừng đó tiền là có thể ở resort hoặc khu du lịch hạng sang ở Nha Trang - Khánh Hòa. Họ chấp nhận bỏ thêm chi phí để trải nghiệm nhưng vẫn được cảm giác an toàn về phòng, chống dịch”, bà Thanh lý giải.

Bội thu mùa du lịch lễ

Sau kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày, ngành du lịch trong nước đạt những con số tích cực về cả lượt khách và doanh thu.

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các điểm du lịch trên cả nước ghi nhận lượng du khách tăng đáng kể, mặc dù một số nơi chưa bùng nổ như dự đoán.

Theo báo cáo tình hình phục vụ khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 của Tổng Cục Du lịch, trong 4 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 2 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

Một số địa phương ghi nhận sự vượt trội về lượt khách và doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phải kể đến Thanh Hóa. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, Thanh Hóa đón lượng khách du lịch lớn nhất cả nước, khoảng 898.000 lượt, tổng thu hơn 1.600 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của thời tiết trong dịp nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng khách sạn ở Thừa Thiên - Huế có sự chênh lệch đáng kể. Trong 2 ngày 30/4 và 1/5, công suất sử dụng phòng của các khách sạn 3-5 sao là trên 90%. Tuy nhiên, 2 ngày sau (2/5 và 3/5), công suất giảm còn khoảng 60%.

Riêng lượng khách vào tham quan các điểm di tích trong 4 ngày nghỉ lễ là 35.000 lượt, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 32.000 lượt và khoảng 800 khách quốc tế.

Cũng trong dịp lễ, các hãng hàng không lớn trong nước đều đồng loạt tăng chuyến, tăng giờ bay trên tất cả chặng bay nội địa. Các hãng khai thác gần 1.000 chuyến bay/ngày, tương đương cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Bên cạnh không khí nhộn nhịp của du lịch nội địa, lượng khách du lịch quốc tế cũng tăng lên sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch.

du lich cao cap anh 2

Đà Lạt vắng vẻ dịp lễ vừa qua. Ảnh: Duy Hiệu.

Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 4, Việt Nam đã đón được 70.000 lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm lên hơn 92.000 lượt.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 được đánh giá như màn mở đầu nối tiếp cho mùa du lịch cao điểm vào dịp hè sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết 800 khách quốc tế đến Huế dịp lễ phần lớn là người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam.

"Nhiều doanh nghiệp du lịch đã nhận đặt tour khách quốc tế đến tham quan Huế trong thời gian tới, tuy nhiên đó mới chỉ là dự kiến. Địa phương đang xúc tiến với Thái Lan, Hàn Quốc để mở các chuyến bay charter đưa khách đến Huế", ông Phúc cho hay.

Ngay sau dịp lễ này, vào giữa tháng 5, SEA Games 31 sẽ khai mạc tại Việt Nam, dự kiến đón hàng chục nghìn khách quốc tế đến cổ vũ kết hợp tham quan, du lịch. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã sẵn sàng kế hoạch phục vụ du lịch dịp SEA Games 31 và mùa du lịch hè cao điểm sắp tới.

Trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế và 60 triệu du khách nội địa.

Xuân Hoát - Điền Quang

Bạn có thể quan tâm