Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dư luận đang chờ ngành giáo dục hồi đáp nhiều câu hỏi

Dư luận đang chờ hồi đáp về sự chênh lệch số điểm 0 mà Bộ GD&ĐT công bố khác xa so với con số thực tế, cũng như sai sót trong điểm thi.

1. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình vừa thông tin về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý liên quan vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh này.

Theo đó, 5 đảng viên thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 lần đầu tiên "lộ diện".

Hầu hết trong số này đều là tư lệnh các ngành quan trọng ở địa phương như Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình…

nhieu cau hoi bo giao duc anh 1
Nhiều lùm xùm về giáo dục mà dư luận đang chờ hồi đáp. Ảnh minh hoạ: Lao Động.

Mặc dù tất cả trong số họ đều khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm thi, cơ quan chức năng xác định con của 5 cán bộ nêu trên được sửa chữa, nâng điểm thi là vi phạm Quy chế thi, tuyển sinh và vi phạm luật hiện hành khi dùng điểm đó để vào học các trường.

Các cán bộ có con được nâng điểm đã vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên do Trung ương ban hành, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu Đảng ủy các cấp xem xét, kỷ luật 5 cán bộ, đảng viên này.

Tỉnh Sơn La cũng đang trong quá trình điều tra, tiếp tục xử lý những người vi phạm có liên quan vụ việc.

Cũng liên quan đến vụ gian lận thi cử rúng động dư luận, thời gian qua, tỉnh Sơn La cũng đã xử lý, thậm chí bắt giam nhiều cán bộ liên quan đến vụ án. Nhiều quan chức có con được nâng điểm cũng đã được “gọi tên, điểm mặt”. Đáng chú ý là con của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Phó chánh Thanh tra tỉnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT, hai vị Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy…

Trong vụ “gian lận thi cử”, 3 địa phương được nhắc đến là Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang. Hai tỉnh Hoà Bình, Sơn La đã đưa những người có liên quan ra ánh sáng, những quan chức, kể cả người đứng đầu các lĩnh vực có con em được nâng điểm cũng đã được “điểm tên, chỉ mặt”.

Tuy nhiên, trong suốt hơn một năm qua, Hà Giang vẫn “im hơi lặng tiếng”, không có bất cứ một động thái nào để làm yên lòng dư luận.

Sự việc hiện giờ đã làm đến đâu? Những ai có liên quan trong vụ việc? Những câu hỏi rất cần sớm có lời hồi đáp.

2. Thời gian vừa qua, sau những sự việc gian lận gây chấn động dư luận ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp với mong muốn hướng tới một kỳ thi an toàn, chất lượng.

Bộ cũng mong muốn hướng tới một nền giáo dục thực chất, nói không với bệnh thành tích. Đây là những nỗ lực dù chưa thực hiện được nhiều, nhưng rất đáng ghi nhận về giải pháp ban đầu.

Trong kỳ thi THPT, khi công bố phổ điểm thi, dư luận cũng có chút an tâm về phổ điểm của các môn thi, từng địa phương, phần nào đã phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy và học của các địa phương. Đặc biệt những nơi năm 2018 xảy ra “gian lận thi cử”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đứng cuối bảng xếp hạng.

Trong phổ điểm 9 môn thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT công bố, duy nhất môn Văn có 9 điểm 0, các môn khác không có điểm 0. Tuy nhiên, sau thời gian chờ điểm chuẩn, công tác phúc tra ở nhiều địa phương xuất hiện hàng loạt điểm 0 (riêng tỉnh Tây Ninh xuất hiện 58 điểm 0). Sau khi chấm phúc khảo, tất cả đều được lên điểm, cá biệt có em với 3 bài thi được 0 lên đến hơn 20 điểm.

Với sự chênh lệch giữa kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT và các địa phương, dư luận cũng không thể không đặt ra câu hỏi: Kết quả nào là đúng, số điểm 0 do Bộ GD&ĐT thống kê liệu có là dấu hiệu của bệnh “thành tích” hay chỉ do “lỗi hệ thống”? Nếu như vậy, phổ điểm các môn khác đã hoàn toàn chính xác hay chưa?

Đây cũng là một câu hỏi dư luận mong có lời giải đáp thoả đáng từ Bộ GD&ĐT.

3. Trong số các bài thi phúc tra của các tỉnh thành, có đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn bài thi được lên điểm, nhiều bài được nâng từ 4-7 điểm, từ 2,75 lên 7 hoặc từ 3-8 điểm.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT và các địa phương, có sự sai số này là do lỗi hệ thống, do bài thi tô mờ, tô sai mã đề… Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, sau khi động viên các em trượt tốt nghiệp (vì bị 0 điểm và sau khi phúc tra các em được lên khá nhiều điểm), cũng nhận định có sự cố này là do “lỗi hệ thống”.

Thậm chí, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La còn nhận định kết quả đỗ tốt nghiệp Sơn La thấp nhất cả nước một phần do “lỗi hệ thống”.

Theo ông Thuỷ, nếu nhìn vào chiều sâu có thể không phải như vậy, bởi thực tế có địa phương, sau khi phúc khảo, có tới hàng chục bài thi điểm được nâng tới 8-9 điểm so với điểm ban đầu.

Đây thực tế là một vấn đề không hề nhỏ nếu ta suy xét về tương lai, về số phận của mỗi con người. Vì trong thi cử, nếu hơn kém nhau chỉ 0,1 điểm có thể là đã một người đỗ, một người trượt, tương lai của hai con người sẽ rẽ theo hai hướng khác nhau.

Trong khi đó, đây mới chỉ là điểm số của những thí sinh đủ tự tin để phúc tra. Còn những thí sinh khác, nếu họ không đủ can đảm, tự tin để phúc tra hay họ không nhớ được chính xác bài trắc nghiệm mình đã làm như thế nào, thì đây quả là một sự thiệt thòi rất lớn, nếu đúng thật có “lỗi hệ thống”.

Trong kỳ thi trước, con người đã gây ra vụ “gian lận thi cử” rúng động. Năm nay, Bộ GD&ĐT muốn khắc phục điều đó bằng sự tham gia nhiều hơn của máy móc. Nhưng với những gì như chúng ta đang chứng kiến hiện nay về những sai số trong điểm thi, liệu máy móc có chính xác hoàn toàn? Sẽ còn bao nhiêu em nữa phải chấp nhận vào sự may rủi của máy móc?

Đó cũng là câu trả lời mà dư luận mong Bộ GD&ĐT sớm có lời hồi đáp.

Đề xuất chỉ tổ chức thi tốt nghiệp cho 30% học sinh kém nhất

TS Lê Trường Tùng đề xuất mỗi địa phương chọn 30% học sinh kém nhất để thi tốt nghiệp. Số còn lại nên được đặc cách.


https://vov.vn/blog/du-luan-dang-cho-nganh-giao-duc-hoi-dap-nhieu-cau-hoi-939765.vov

Theo Lưu Anh/Báo VOV

Bạn có thể quan tâm