Đầu tuần này, cư dân mạng Trung Quốc rúng động trước clip ghi lại cảnh một người đàn ông tra tấn chú mèo hoang đang mang thai bằng nước sôi. Chỉ khi có người ngăn cản, anh ta mới dừng tay và giải thích: "Nó ăn trộm thịt của tôi nên phải bị trừng trị!".
Ngay sau đó, chú mèo đã được người dân đưa tới bệnh viện thú y. Tuy nhiên, con vật không thể qua khỏi vì vết bỏng quá nghiêm trọng.
Sự việc khiến mạng xã hội xứ Trung dậy sóng, thậm chí thu hút sự quan tâm của đài truyền hình quốc gia CCTV. Hôm thứ 4 vừa qua, phía CCTV đăng tải bài viết thể hiện quan điểm về vấn đề bạo hành động vật ở xứ tỷ dân.
"Toàn xã hội đều phản đối hành vi bạo hành động vật, song mới dừng lại ở mức độ lên án đạo đức. Nếu có trường hợp tương tự xảy ra, chúng ta nhất định phải mạnh mẽ tố cáo", trích dẫn bài đăng Weibo của đài truyền hình.
Bác sĩ thú y kiểm tra tình trạng thương tổn của chú mèo hoang. Ảnh: Weibo. |
Theo thông tin từ CCTV, thủ phạm là nhân viên một công ty bảo vệ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Sau khi vụ việc lan truyền trên mạng, người này đã bị đuổi việc và tạm giữ tại sở cảnh sát địa phương.
"Thế nhưng, do hệ thống luật pháp còn lỏng lẻo, anh ta sẽ không phải nhận mức phạt quá nghiêm trọng", đài CCTV nhận định.
Nhiều người dùng Weibo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi ban hành luật bảo vệ động vật của phía CCTV.
"Trước những tội ác dã man như trên, chúng ta không thể dừng lại ở việc lên án đạo đức được nữa. Luật pháp không chỉ giúp ta bảo vệ động vật mà còn là chính mình", bài đăng nhấn mạnh.
Yêu cầu hành động pháp lý
Hiện, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật bảo vệ động vật, trong đó có nhiều nước châu Á như Nhật Bản và Thái Lan. Nhưng tại Trung Quốc, vấn đề này lại ít nhận được sự quan tâm của các nhà chức trách.
Trong cuộc họp thường niên vào mùa xuân năm nay, một số nhà lập pháp đã đưa vấn đề trên ra thảo luận, nghiên cứu. Thực tế, dự thảo luật bảo vệ động vật từng được các học giả trình lên cấp trên vào năm 2010, song chưa có kết quả khả quan.
Hiện tại, luật pháp Trung Quốc mới chỉ hướng đến việc bảo tồn động vật hoang dã và quý hiếm, hình thức xử phạt đối với các hành vi gây tổn hại vật nuôi chưa thực sự thích đáng.
"Ở Trung Quốc, những gì chúng ta có thể làm lúc này là giáo dục con trẻ không được làm hại động vật", Zhang Bei, tình nguyện viên tại Tổ chức Bảo vệ động vật nhỏ Vũ Hán, chia sẻ.
Theo Zhang, những video quay lại cảnh đánh đập hay giết hại vật nuôi làm thú tiêu khiển thường xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến cư dân mạng và những người yêu động vật cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi.
"Những kẻ bạo hành chỉ coi động vật như cỏ rác, như súc vật không lương tri. Nếu không có luật pháp, chúng sẽ tiếp tục nhởn nhơ trong xã hội và reo giắc tội ác", Zhang trả lời Sixth Tone.
Tại Trung Quốc, vấn đề bảo vệ động vật chưa thực sự nhận được sự quan tâm. Ảnh: Getty. |
Tháng 4/2020, một tờ báo địa phương đưa tin về vụ việc sinh viên Đại học Công nghệ Sơn Đông đã tra tấn và sát hại hơn 80 chú mèo hoang chỉ trong 2 tháng. Người này tự tay thực hiện hành vi man rợ, sau đó ghi hình và tung lên mạng. Ngay sau đó, sinh viên này đã bị đuổi học.
Tháng 1/2020, một công viên giải trí ở tỉnh Trùng Khánh đã cho những chú lợn nhảy bungee từ trên cao xuống để quảng cáo thương hiệu. Clip trên nhận về cơn mưa chỉ trích từ công chúng, cho rằng hành động này "vi phạm nghiêm trọng đạo đức".
"Những chú lợn này thật đáng thương! Truyền thông bằng cách bạo hành động vật, thật sự kinh khủng!", một người xem bình luận.
Ma Yong, phó thư ký của Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc, cho biết sự thiếu hụt biện pháp bảo vệ động vật nhỏ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các vụ bạo hành.
Ông Ma mong muốn chính phủ sớm ban hành và siết chặt hệ thống luật pháp để chấm dứt những hành vi "nghiệt ngã" này.
"Pháp luật sẽ giải quyết và ngăn chặn những hành vi này. Dù là với động vật đi nữa, đây vẫn là những vấn nạn xã hội có khả năng thúc đẩy xu hướng bạo lực và tác động đến con người, đặc biệt là thanh thiếu niên", ông nói.