Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự luật hôn nhân đồng giới chia rẽ Thái Lan

Nhiều nhà hoạt động cho rằng nếu dự luật về quan hệ đối tác dành riêng cho các đôi đồng giới được thông qua đồng nghĩa với coi nhóm này là công dân hạng hai.

Ngày 15/6, Quốc hội Thái Lan đã thông qua 4 dự luật khác nhau, hiện được hợp nhất thành hai đề xuất đối lập - ủng hộ hôn nhân đồng giới hoặc quan hệ đối tác dân sự đồng tính - để các nghị sĩ bỏ phiếu.

Trong đó, chính phủ nước này ủng hộ quan hệ đối tác dân sự giữa những người đồng giới hơn. Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam trước đó cho biết quan hệ này cũng dễ được các nhà lãnh đạo tôn giáo chấp nhận hơn.

Tuy nhiên, một số người lo rằng tạo ra một phạm trù riêng biệt cho các cuộc hôn nhân đồng giới đồng nghĩa với coi những người LGBT là "công dân hạng hai", theo lời của nghị sĩ Đảng Tiến lên, người đã soạn thảo dự luật hôn nhân bình đẳng.

"Kết hôn là quyền cơ bản của con người. Chúng tôi không yêu cầu quyền đó, chúng tôi muốn quyền đó được trả lại cho mình. Quyền đó liên quan đến mọi người, không chỉ riêng cộng đồng LGBT", nghị sĩ Thanyawat Kamolwongwat của Đảng Tiến lên nói.

thai lan thong qua du luat hon nhan dong gioi anh 1

Nghị sĩ Thanyawat Kamolwongwat (bên trái) ăn mừng cùng cộng đồng LGBT khi dự luật bình đẳng hôn nhân của Đảng Tiến lên được thông qua hôm 15/6. Ảnh: AFP.

Với dự luật mới, Thái Lan đã tiến một bước gần hơn để trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, South China Morning Post đưa tin.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT nói rằng bình đẳng hôn nhân thực sự vẫn còn khó đạt được ở quốc gia nơi đa số người dân theo đạo Phật này.

Quan hệ đối tác dân sự

Thái Lan là một trong những quốc gia có cộng đồng LGBT cởi mở và công khai nhất ở châu Á. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết luật pháp và thể chế của nước này không phản ánh đúng sự thay đổi thái độ xã hội, vẫn thể hiện sự phân biệt với cộng đồng LGBT và các cặp đồng tính.

Những người ủng hộ LGBT đã chỉ trích dự luật về quan hệ đối tác dân sự (Civil Partnerships) dành cho người đồng tính do chính phủ hậu thuẫn. Họ cho rằng không cần thiết phải có luật đặc biệt cho các cặp đồng tính, chỉ cần sửa đổi để luật hiện hành toàn diện hơn.

Nếu được thông qua thành luật, các đề xuất về quan hệ đối tác dân sự sẽ cho phép các cặp đồng giới cùng quản lý tài sản giống như họ đã kết hôn. Luật cũng bao gồm các điều khoản để một trong hai người được nhận thừa kế hoặc hỗ trợ vợ/chồng nếu một trong hai qua đời.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các cặp đồng giới có được mang cùng họ hay cùng nộp đơn xin trợ cấp an sinh xã hội như dự luật hay không. Họ cũng sẽ không được nhận giấy đăng ký kết hôn.

thai lan thong qua du luat hon nhan dong gioi anh 2

Permsup Saiaung và bạn gái Paungpetch Henkum. Ảnh: Handout.

Permsup Saiaung, người cố gắng để kết hôn với người yêu của cô cách đây hai năm nhưng bị Tòa án Hiến pháp của Thái Lan từ chối, cho biết: "Đó không phải điều chúng tôi đòi hỏi. Tôi không coi đó là một món quà. Tôi xem nó là vấn đề chính trị".

Tòa án từng phán quyết về trường hợp của Permsup vào tháng 11/2021 đã chỉ ra luật hôn nhân hiện hành của Thái Lan vốn chỉ công nhận các cặp đôi khác giới là hợp hiến, đồng thời khuyến nghị nên mở rộng luật để đảm bảo quyền của các giới tính khác.

Permsup, năm nay 51 tuổi, kể từng bị cha mẹ ép buộc phải rời xa bạn đời đồng giới để kết hôn với một người đàn ông và sinh con. "Phán quyết từ một hội đồng toàn nam giới đã gợi lại những vết thương cũ", cô nói.

Bình đẳng hôn nhân

Việc các nghị sĩ thông qua 4 dự luật đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cộng đồng LGBT ở Thái Lan.

Nhu cầu bình đẳng trong hôn nhân là chủ đề tại cuộc diễu hành Bangkok’s Pride vào đầu tháng 6 vừa qua, sự kiện ủng hộ cộng đồng LGBT đã diễn ra thường niên ở Thái Lan 16 năm.

Sau cuộc bỏ phiếu, một nhóm các nhà hoạt động tích cực đã ăn mừng bên ngoài tòa nhà quốc hội. Họ khóc vì mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau và vẫy cờ lục sắc, biểu tượng của cộng đồng LGBT.

Một số nhân vật nổi tiếng của xứ chùa vàng cũng đã có động thái cổ vũ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại rằng khó đạt được quyền hôn nhân bình đẳng đầy đủ cho cộng đồng LGBT nước này.

Vào tháng 3, nội các của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã bác bỏ dự luật bình đẳng hôn nhân của Đảng Tiến lên, cho rằng nó quá giống với các đề xuất của chính phủ.

Dự luật mới tìm cách thay thế các điều khoản về giới tính trong luật hiện hành để khiến hôn nhân phù hợp với mọi người. Nó cuối cùng đã được các nhà lập pháp thông qua bất chấp nỗ lực phản đối từ chính phủ.

thai lan thong qua du luat hon nhan dong gioi anh 3

Akekawat Pimsawan, nhà hoạt động LGBT ở Thái Lan, ủng hộ dự luật bình đẳng hôn nhân. Ảnh: Handout.

Nội các cũng đã thông qua hai dự luật sẽ tạo ra luật đối tác dân sự đồng tính. Dự thảo Đạo luật Đối tác Dân sự sẽ cho phép một cặp đồng tính đăng ký quan hệ đối tác nếu cả hai đều ít nhất 17 tuổi và ít nhất một trong hai là công dân Thái Lan.

Chawinroj Terapachalaphon, một học giả luật độc lập của Thái Lan chuyên về hôn nhân đồng giới, cho biết các đề xuất hợp tác dân sự của chính phủ đã được thực hiện từ năm 2012 khi Yingluck Shinawatra làm thủ tướng. Nhưng nó chỉ mới được quan tâm gần đây sau khi một bản kiến ​​nghị trực tuyến kêu gọi bình đẳng hôn nhân thu hút hơn 350.000 chữ ký.

"Rất khó để chính phủ đảo ngược suy nghĩ của mình. Chính phủ có thể nói rằng dự luật đối tác dân sự của họ phù hợp hơn với bối cảnh tôn giáo, nhưng Thái Lan không phải một quốc gia tôn giáo".

Chawinroj cho rằng phán quyết của Tòa án hiến pháp vào tháng 11/2021 không chỉ là phân biệt đối xử với LGBT mà còn hạ thấp quyền phụ nữ.

Hôm 14/6, thủ tướng Prayuth tuyên bố đề xuất hợp tác dân sự của chính phủ đã tính đến ý kiến của cộng đồng LGBT và sẽ cung cấp nhiều hơn những gì họ yêu cầu.

Akekawat Pimsawan, thuộc Liên minh Cầu vồng vì Bình đẳng Hôn nhân, cho biết họ hy vọng dự luật hôn nhân bình đẳng được thông qua thành luật, tạo điều kiện cho “sự thay đổi các giá trị gia đình để phù hợp với sự đa dạng hơn”.

"Năm 15 tuổi, tôi bị anh trai ép công khai giới tính. Nó đã dẫn đến sự bất hòa trong gia đình vì cha mẹ không thể chấp nhận giới tính thật của tôi", nhà hoạt động 31 tuổi nói.

Akekawat nói rằng các bậc cha mẹ sợ con cái họ sẽ bị xã hội đối xử bất công nếu thừa nhận là LGBT. Càng sợ hãi, họ càng chối bỏ con mình.

"Tôi hy vọng dự luật bình đẳng hôn nhân có thể mở rộng sự bảo vệ và giúp hòa giải các gia đình. Chúng tôi đã thúc đẩy bình đẳng trong hôn nhân. Quốc hội đã biểu quyết. Chúng ta không thể quay lại".

Bốn dự luật liên minh đồng tính sẽ được cân nhắc bởi một ủy ban gồm 25 thành viên.

Ủy ban này sẽ quyết định gửi bất kỳ dự luật nào trong số đó, hay dự thảo tổng hợp, lên quốc hội Thái Lan để đọc thêm hai lần nữa. Sau đó, chúng sẽ cần được thượng viện xem xét và nhận được sự chấp thuận của hoàng gia để trở thành luật.

Dân mạng Trung Quốc xôn xao vì một cô gái kết hôn với anh họ

Câu chuyện người phụ nữ kết hôn với con trai của cô ruột và khó có con khiến dư luận Trung Quốc tranh cãi gay gắt.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm