Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dù tài năng, VĐV leo núi vẫn bị coi nhẹ vì là phụ nữ

"Tôi luôn đương đầu với câu nói: 'Leo núi chỉ dành cho đàn ông'. Thành công của tôi thường bị coi nhẹ vì nhiều lý do như được đồng nghiệp nam hỗ trợ", Sasha DiGiulian nói.

Sasha DiGiulian, nhà leo núi 28 tuổi người Mỹ, hiện là gương mặt nổi bật trong làng thể thao thế giới. Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 7 tuổi, cô đã chinh phục thành công nhiều đỉnh núi cấp độ khó, lọt vào top 7 vận động viên leo núi mạo hiểm nổi tiếng thế giới.

Bên cạnh những thành tựu ấn tượng, Sasha vẫn vấp phải nhiều trở ngại trên chặng đường sự nghiệp. Với cô, vật cản lớn nhất không phải độ hiểm của vách đá, mà là định kiến đối với phái nữ.

"Tôi luôn đương đầu với câu nói: 'Leo núi chỉ dành cho đàn ông'. Thành công của tôi thường bị coi nhẹ hoặc phủ nhận vì vài lý do như được đồng nghiệp nam hỗ trợ hay thể trạng phụ nữ vốn nhẹ hơn, dễ leo trèo hơn. Lĩnh vực này thiếu sự đa dạng giới", Sasha chia sẻ với CNN.

bat binh dang gioi anh 1

Nhà leo núi người Mỹ Sasha DiGiulian ghi tên vào danh sách 7 vận động viên leo núi mạo hiểm nổi tiếng thế giới. Ảnh: Columbia Magazine.

Năm 2018, Sasha đăng tải trên Instagram những dòng chia sẻ về cuộc sống và sự nghiệp leo núi mạo hiểm. Cô tiết lộ rằng mình từng bị một đồng nghiệp nam và cư dân mạng chèn ép, công kích vì theo đuổi ước mơ.

Dù chinh phục thành công đỉnh Eiger, ngọn núi cao gần 1.800 m thuộc dãy Alps (Thụy Sĩ), khả năng của Sasha vẫn không được công nhận.

"Có người từng nói với tôi: 'Bộ môn này không dành cho phái yếu'. Và đó không phải lần duy nhất tôi nhận được câu nói như vậy", Sasha kể lại.

Đưa tính nữ vào bộ môn "gai góc"

Tuy nhiên, những trải nghiệm tiêu cực không dập tắt ngọn lửa đam mê của Sasha. Ngược lại, đó lại là động lực để cô khẳng định bản thân và vượt qua định kiến.

Với hy vọng thay đổi cách nhìn của xã hội đối với các nhà leo núi là nữ, Sasha DiGiulian thành lập các đội nữ để chinh phục các đỉnh núi trên thế giới. Cô thường xuyên chia sẻ trải nghiệm, tương tác với công chúng qua mạng xã hội. Hiện, Instagram của cô thu hút 463.000 người theo dõi.

Đầu năm nay, Sasha cùng 3 đồng nghiệp nữ đã leo núi trong bộ nội y để quảng cáo cho thương hiệu đồ lót Agent Provocateur. Tuy nhiên, chiến dịch trên nhận về nhiều chỉ trích với lý do "tình dục hóa các nữ vận động viên".

Trả lời CNN, Sasha thẳng thắn đáp trả: "Dụng ý của chiến dịch là đề cao tính nữ trong bộ môn thể thao mạo hiểm này. Chúng tôi có quyền làm mọi thứ với cơ thể của mình".

"Tôi từng trải qua nhiều cơn đau nhức, vật lộn với chứng rối loại ăn uống và ám ảnh tự ti vì cơ thể rắn rỏi, to lớn hơn người khác. Nhưng giờ tôi đã học được cách yêu thương và tự hào về hình thể của mình. Đó là 'động cơ' để tôi chinh phục mọi đỉnh núi", cô nói thêm.

Bên cạnh khát vọng khẳng định vị thế của phái đẹp trong nghề, Sasha hy vọng rằng bộ môn leo núi mạo hiểm sẽ trở nên đa dạng hơn. Cô kêu gọi truyền thông tập trung tìm kiếm, giới thiệu những gương mặt nhà nghề xuất thân từ mọi tầng lớp, mọi quốc tịch, mọi chủng tộc, mọi giới tính.

"Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để khuyến khích các vận động viên tiếp tục theo đuổi niềm đam mê chinh phục độ cao, dù họ có là ai đi nữa", Sasha nói.

Với Sasha, leo núi là một bộ môn đem đến sự tích cực cho mọi người. "Ảnh hưởng của môn thể thao này rất mạnh mẽ. Bạn phải học cách đối mặt với thiên nhiên để nhận thức về thế giới, đưa ra quyết định quanh trọng trong những thời điểm cấp thiết. Nó cũng rất thư thái vì khi đó, bạn không thể nghĩ về điều gì khác".

Trải nghiệm bị quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc nhờ VR

Thông qua các kính thực tế ảo (VR), người dùng nhập vai, đối mặt với những tình huống bất bình đẳng giới, kỳ thị LGBT hay phân biệt chủng tộc, từ đó đưa ra phương án giải quyết.

Trang Minh (Theo CNN)

Bạn có thể quan tâm