Các tín hiệu phục hồi của du lịch inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) được nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá khả quan. Với mảng kinh doanh du thuyền, các đơn vị lớn cho biết họ cũng đặt kỳ vọng cho lần mở cửa sắp tới. Một số bên đang hoàn tất khâu chuẩn bị, nâng cấp dịch vụ để có thể phục vụ tốt nhất với nhóm khách này. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng sẽ có những thông tin chính thức, chi tiết hơn để sẵn sàng trở lại đường đua đón khách quốc tế.
Sẵn sàng dịch vụ cao cấp
Khi được phóng viên hỏi về việc nhiều doanh nghiệp chuyên inbound (đón khách quốc tế) vẫn dè dặt trong việc đầu tư thêm, ông Phạm Hà, CEO Lux Group - chuyên mảng du thuyền cao cấp - cho biết đó cũng là điều dễ hiểu. Lý do là Chính phủ và các cấp Trung ương, địa phương chưa đưa ra đủ thông tin rõ ràng, lộ trình cụ thể và những cam kết mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
"Hiện nay, nhiều đơn vị đang trong tâm thế chờ đợi, đánh giá tình hình. Họ cũng chưa thực sự tin vào việc có khách quốc tế ngay. Khách Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Bắc Á còn theo đuổi "Zero Covid" nên sẽ không mở cửa cho tới quý III.
Nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực rồi. Việc khởi động lại, đầu tư hay tuyển dụng nhân sự cũng không dễ. Do đó, họ chưa hào hứng đầu tư và khởi động du lịch từ 15/3", ông Hà nói.
Ông Phạm Hà đã tính tới những thay đổi trong chương trình tour để phục vụ khách quốc tế. Ảnh: NVCC. |
Bản thân ông Hà cũng không nghĩ khách nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam nhiều và ngay lập tức. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng thiết kế lại và thêm mới sản phẩm để bắt nhịp.
Những yếu tố như thực đơn sẽ được thay đổi để phù hợp với khách châu Âu. Nhà chờ tàu cũng được chuyển về cảng quốc tế Tuần Châu thay vì nhà chờ cũ nhỏ để thuận tiện cho khách. Các hành trình dài 2-3 đêm trên vịnh thường được khách quốc tế yêu thích cũng trở lại. Trước đó, khách Việt thường chọn những hành trình ngắn chỉ một đêm. Các trải nghiệm ăn trên bãi biển, thưởng thức cocktail, chèo SUP, lặn biển hay lên rừng cũng sẵn sàng trở lại để du khách trải nghiệm.
Trả lời Zing, chủ tịch một tập đoàn chuyên về du thuyền chia sẻ trong 2 năm qua, số lượng du thuyền được đóng mới trên thế giới lẫn Việt Nam đều rất ít do yếu tố dịch bệnh. Dù vậy, nhu cầu với dịch vụ du thuyền cao cấp vẫn tương đối lớn. Trước những thông tin mở cửa du lịch, phía tập đoàn tỏ ra lạc quan và nhận xét năm 2023, đầu năm 2024 có thể là thời điểm du lịch hồi phục hoàn toàn.
"Chúng tôi có nghĩ đến viễn cảnh việc đón khách quốc tế trì trệ, 2 siêu du thuyền mới sẽ chậm hoàn vốn, thu về lợi nhuận. Đó là điều không ai muốn xảy ra nhưng trong tình hình hiện tại, không ai đoán trước được gì. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những phương án dự phòng và chuẩn bị nguồn tài chính để dự án vận hành đúng tiến độ", vị này nói.
Khách quốc tế ưu tiên du thuyền?
Những thị trường khách quốc tế chính được các bên kinh doanh du thuyền kỳ vọng nhiều nhất là nhóm châu Âu, châu Úc, Mỹ và một số phân khúc khách cao cấp từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhóm khách này có mức chi tiêu cao và thường đặt thêm những dịch vụ gia tăng như sky bar, nhà hàng, spa, tour, xe đưa đón, quà lưu niệm... qua đó đem về doanh thu, lợi nhuận tốt cho các đơn vị kinh doanh du lịch.
Vì thế, đây là thị trường tiềm năng được các bên kinh doanh du thuyền kỳ vọng. Mặt khác, khách quốc tế luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho loại hình du lịch này. Lợi thế các vùng vịnh di sản với vẻ đẹp đặc trưng của Hạ Long, Lan Hạ đem đến cho khách trải nghiệm độc đáo.
Theo khảo sát của phóng viên, điểm đến ưu tiên của khách inbound luôn là 2 địa danh này, bên cạnh Phú Quốc (Kiên Giang) hay Nha Trang (Khánh Hòa). Trong năm 2019, lượng khách du lịch đến vịnh Hạ Long đạt 4,4 triệu lượt và khách quốc tế đã chiếm gần 2,9 triệu lượt.
Các vùng vịnh như Hạ Long, Lan Hạ là lựa chọn hàng đầu của khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
"Từ thực tế gần 20 năm vận hành khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy họ hầu như đều đi Hạ Long. Khách quốc tế yêu thích nghỉ dưỡng trên du thuyền thay vì khách sạn trên bờ.
Tuy nhiên, nếu như khách sạn tại Hà Nội có chất lượng cơ sở vật chất, tiện nghi, dịch vụ rất tốt, du thuyền ở Hạ Long chưa có nhiều sản phẩm tương xứng. Do đó, trong quá trình trải nghiệm, khách hàng sẽ thấy 'độ vênh' nhất định giữa 2 điểm đến này", đại diện một tập đoàn chuyên về du thuyền nói.
Một lý do khác khiến những người làm dịch vụ du thuyền cao cấp kỳ vọng là thói quen thay đổi của du khách sau dịch.
Nhiều khảo sát cho thấy du khách cao cấp đang có nhu cầu giải tỏa, tìm đến điểm đến mới, "xanh" hơn. Tính bền vững trong hoạt động du lịch cũng được họ quan tâm. Vì thế, sau khi mở cửa lại, họ có niềm tin khách quốc tế sẽ chú ý đến du lịch nghỉ dưỡng du thuyền và tới Việt Nam tiêu tiền. Và nhóm tiềm năng, chi tiền mạnh nhất có thể kể tới khách châu Âu, châu Úc, Mỹ và Trung Đông.
Hoàn thiện
Theo quan điểm của ông Phạm Hà, Việt Nam nên tập trung vào chất hơn lượng. Bởi lẽ giai đoạn đầu, khả năng có nhiều khách là không cao. Trong trường hợp thu hút được nhiều khách nhưng đại trà như trước kia, doanh nghiệp cũng chưa đủ nhân lực phục vụ.
CEO Lux Group nhấn mạnh trong thời gian ngắn, nếu muốn thành công, Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững và đúng mùa du lịch hè - như khách Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh hay Australia.
Nhân sự phục vụ khách quốc tế là vấn đề được nhiều công ty kinh doanh du thuyền cao cấp chú trọng. Ảnh: Heritage Cruises. |
Dù vậy, trước khi tính xa hơn tới việc đón khách nào, các doanh nghiệp du thuyền cũng đang loay hoay trong bài toán hoàn thiện bộ máy.
"Doanh nghiệp ngoài việc thiếu vốn còn gặp khó trong việc tuyển dụng nhân sự có chất lượng. Nhiều người sau 2 năm Covid-19 đã tìm thấy 'tình yêu mới'. Phần đông đã chuyển nghề và không trở lại ngành du lịch. Cần nói thêm là nếu trở lại, tương lai cũng chưa chắc tươi sáng và thu nhập không sớm ổn định được.
Giống như tôi, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhà nước chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực nếu muốn dịch vụ du lịch Việt Nam chất lượng, cao cấp hơn. Chúng ta cần có những con người tài giỏi, phục vụ từ tâm. Du lịch Việt Nam nên định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia và chú trọng dòng khách cao cấp khi phục hồi", ông Phạm Hà nêu quan điểm.
Với sự quan tâm đặc biệt dành cho khách quốc tế thời gian gần đây, nhiều người cũng băn khoăn liệu khách nội địa có còn được coi trọng. Thực tế, suốt 2 năm qua, khách nội là nhóm đóng góp lớn nhất cho ngành du lịch. Đổi lại, họ cũng có cơ hội trải nghiệm nhiều dịch vụ cao cấp với mức giá phải chăng.
Trả lời câu hỏi này, nhiều công ty lữ hành nhấn mạnh không có chuyện khách quốc tế sẽ thay thế khách nội. Bởi nếu muốn phát triển bền vững, cả hai nhóm khách này đều cần được quan tâm. Mặt khác, lượng khách Việt cao cấp, chịu chi cũng đang ngày một tăng do thói quen thay đổi từ khi dịch bệnh bùng phát. Vì thế, họ cũng là đối tượng được đánh giá giàu tiềm năng.