Chùa Trấn Quốc: Đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng nhất ở Hà Nội. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa sự uy nghiêm, cổ kính với cành quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của hồ Tây. Chùa Trấn Quốc từng được trang Wanderlust, website nổi tiếng về du lịch ở Anh, bình chọn là một trong mười ngôi chùa có cảnh đẹp trên thế giới với phong cảnh hữu tình, thu hút các Phật tử và du khách thập phương. Ảnh: Nyeori, Illgyosi, Haet.gging, Lovelysujin. |
Điểm nhấn tạo nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ. Nổi bật là Bảo Tháp lục độ đài sen gồm 11 tầng, cao 15 m, mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý và đỉnh Tháp là đài sen 9 tầng cũng bằng đá quý. Đặc biệt, trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, nhà chùa mở cửa và tổ chức khóa lễ cầu nguyện cầu quốc thái dân an. Đây là khóa lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức. Ảnh: Thuytien_18, Hei_annielili, Kik_kookik, Frisianflyer. |
Chùa Quán Sứ: Được xây dựng vào khoảng thế kỳ 15, chùa Quán Sứ cũng là một trong những ngôi chùa lâu đời ở Việt Nam. Điều đặc biệt mà du khách có thể ít bắt gặp ở các chùa khác là tên và và các câu đối bên cổng đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Ảnh: Channnng70, Kimchangchun, Huudactran, Imhanhng. |
Chùa là một quần thể kiến trúc khá độc đáo với sự kết hợp hài hòa của các tầng mái và lầu chuông trong khuôn viên tương đối rộng. Đây còn là nơi lưu trữ tài liệu, thư tịch Phật giáo và là trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá đạo Phật. Ảnh: Thuyvanle.84, Utgauxinh. |
Phủ Tây Hồ: Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Phủ Tây Hồ thu hút đông đảo du khách thập phương đến cầu tài lộc, may mắn và bình an cho bản thân, gia đình. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách, đặc biệt trong 3 ngày Tết nên bạn cần sắp xếp thời gian phù hợp trước khi ghé thăm, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Ảnh: Luubachnguyetanh, Mit.pinky, Tranlylyy. |
Đền Ngọc Sơn: Đền Ngọc Sơn toạ lạc ngay trên hồ Hoàn Kiếm. Hai vẻ đẹp đó đã tạo nên một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất với vẻ đẹp hài hòa cho đền và hồ. Đền Ngọc Sơn bao gồm quần thể kiến trúc gồm Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, Đắc Nguyệt Lầu, Đền Thờ và Trấn Ba Đình. Ngoài ra, đền thờ Văn Xương Đế Quân, một vị đạo sĩ học rộng tài cao của người Việt nên dịp đầu năm thu hút đông đảo du khách đến để cầu mong một năm đỗ đạt và trí tuệ thông minh. Ảnh: Chase2rabbits, Jumbo_theraveda, Hxnam83, Nuresun. |
Chùa Phúc Khánh: Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang. Nằm ở khu vực có mật độ dân cư đông đúc, chật chội nhưng chùa vẫn thu hút rất nhiều phật tử và du khách đến lễ bái. Ảnh: Ntnhii.96, Williamcotran. |
Đặc biệt, chùa thường tổ chức nhiều khóa lễ lớn, nổi bật là “Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình” diễn ra vào tối 14 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Không những thế, chùa còn thu hút chư khách thập phương bởi lễ dâng sao giải hạn đầu năm thường được tổ chức vào ngày mùng 8, 15 và 18 tháng Giêng Âm lịch. Ảnh: T.xthang, Trand.tu. |