Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đứa bé bị cha ném xuống nền xi măng giờ ra sao?

Sinh ra khỏe mạnh bình thường, nhưng khi 10 tháng tuổi, đứa trẻ tội nghiệp này đã bị chính cha đẻ ném xuống nền xi măng, chịu sống đời thực vật.

Con đường dẫn vào ngôi nhà mẹ con chị Nguyễn Hồng Yến (32 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) gập ghềnh, chỉ chừng hơn 20 m lại có một nắp cống nhô lên cao. Hai bên đường cây cối rậm rạp, lâu lâu mới có một nhà dân sinh sống. 

Lấy nhầm phải “ma men”

Ngôi nhà của hai mẹ con bất hạnh ở bờ sông cách trung tâm xã chừng 5 km. Tiệm tạp hóa của chị Yến lặt vặt vài gói bim bim, mấy chai nước ngọt xanh đỏ. 

Thiếu phụ mang vẻ đẹp mặn mà nhưng đôi mắt lại ươn ướt, thoáng buồn. 

Trên chiếc võng treo ở góc nhà, đứa trẻ 4 tuổi nước da trắng trẻo, nằm bất động trên võng, hai chân cứng đơ, duỗi thẳng, tay co quắp, hai mắt mở to vẻ vô hồn. 

Chỉ khi người mẹ tiến lại ôm con vào lòng vỗ về, đôi mắt đứa trẻ mới có chút sinh khí. 

Đứa trẻ tội nghiệp ấy là nạn nhân bị chính cha đẻ ném xuống nền xi măng gây chấn thương sọ não, thương tật đến 61%. 

Ôm con vào lòng, chị Yến rưng rưng nước mắt: “Đêm nào cháu cũng quấy khóc. Tôi phải thức bế đi quanh nhà, hát ru, cháu mới chịu yên được chút. Mấy năm nay vậy rồi, riết cũng quen”. 

Ngôi nhà tạm bợ của mẹ con chị Yến.
Ngôi nhà tạm bợ của mẹ con chị Yến.

Nhớ lại quãng thời gian buồn tủi đời mình, người phụ nữ nghẹn ngào. Chị sinh ra trong gia đình nghèo khó đông anh em, quanh năm gắn với chiếc ghe, làm thuê làm mướn, việc đi học là một điều xa xỉ. 

Tuổi thơ cơ cực, chật vật chạy từng bữa ăn, cô gái sớm trưởng thành, nhiều người theo đuổi. Một trong số đó là Lâm Chí Giang (37 tuổi, sau này bị kết án 7 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích năm 2012). 

Ngày ấy Giang là thợ sửa máy, còn chị Yến bán hàng tạp hóa. Tình cờ quen biết trong một lần qua đò, hai người cảm mến nhau và đi đến hôn nhân sau hai năm tìm hiểu. 

“Ông bà xưa nay nói không sai lúc yêu thì cái gì cũng hay, cũng đẹp, người yêu mình là nhất, nhưng khi lấy về rồi thì trái ngược. 

Lúc mới yêu, thấy ổng chăm chỉ, có nghề nghiệp ổn định, lại được quan tâm chiều chuộng, mình mới đồng ý. 

Cứ tin chắc sẽ hạnh phúc, vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp, ngờ đâu khóc nhiều hơn cười”, chị Yến chua xót.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ ở chung nhà cùng với cha mẹ, anh em bên chồng. 

Căn nhà nhỏ, đông người chật chội, sinh hoạt bất tiện, phát sinh nhiều mâu thuẫn. 

Được thời gian ngắn, chị Yến cùng chồng về lại bên ngoại xin tá túc. Thương con gái, ba mẹ chị Yến cho một đám đất nhỏ, dựng căn chòi lá bên bờ kênh cho vợ chồng trẻ lấy chỗ che mưa che nắng, yên tâm làm ăn. 

Chị Yến mở lại quán tạp hóa nhỏ, chồng làm thuê làm mướn trong vùng.  

Cuộc sống yên ấm ấy kéo dài không được bao lâu. Lấy nhau một thời gian, Giang sinh ra đổ đốn, bỏ bê công việc, suốt ngày kiếm bạn nhậu nhẹt, không quan tâm lo lắng đến gia đình.

Chị Yến buồn bực, có khi nhỏ nhẹ khuyên nhủ, khi lại nặng lời cằn nhằn thói rượu chè bê tha. Nhưng thói xấu nhiễm vào, người chồng đã không nghe, lại còn lên giọng quát tháo vợ “nhiều chuyện, hỗn hào”. 

“Có làm thì mới có ăn, nhưng ổng lại chỉ trông chờ vào mấy đồng bạc lẻ tiền lời tạp hóa. Mỗi ngày lời chưa tới vài chục nghìn, mà chi tiêu từ tiền ăn uống, tiền sữa, tã cho đứa con nhỏ thì làm sao đủ. Hết tiền, tôi lại phải chạy lên xin cha mẹ mình. 

Thiếu thốn đủ bề mà ổng không biết nghĩ, không đi làm kiếm thêm thu nhập cho vợ con đỡ khổ. Lần nào đem chuyện ra nói, vợ chồng lại to tiếng cãi vã”, người vợ nhớ lại.

Đánh vợ, ném con xuống nền xi măng

Cuộc sống thiếu thốn khiến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gay gắt, cãi nhau như cơm bữa. Sớm ngày 25/3/2011, người chồng cùng vài người đàn ông trong ấp đã ngồi nhậu nhẹt. 

Chị Yến ở nhà một mình bận túi bụi hết công việc nhà, bán hàng, lại thêm đứa con trai đến giờ đòi ăn khóc ré. Chị bực tức, chạy đi tìm chồng, gọi về phụ trông con.  

Đang nhậu nhẹt say sưa, bị vợ tìm gọi, ông chồng thấy bị mất thể diện với “chiến hữu”, liền đứng dậy ra về trong bực tức, tự ái. 

Ngà ngà hơi men, khi vừa về tới cổng, thấy vợ ôm con ngồi đấy, ông chồng liền nổi máu điên khùng lao vào đấm đá tới tấp, túm tóc dập đầu vợ xuống nền đường xi măng khiến chị bị sưng bầm mắt trái và đỉnh đầu. 

Đang trong cơn điên loạn, không giữ được bình tĩnh, người chồng túm lấy chân đứa con trai đang được vợ bế, quăng ra xa hơn 5 m. 

.
Đứa con sống đời thực vật do người cha độc ác.

Người vợ nhớ lại: “Lúc ấy bị đánh đau, tôi không còn biết trời đất gì, ôm đầu khóc lóc, van xin. Không ngờ ổng lại nhẫn tâm ném đứa con chưa được 10 tháng tuổi xuống nền xi măng. 

Con tôi chỉ khóc thét được một tiếng rồi nín lặng. Lúc mọi người xung quanh hớt hải chạy tới, thằng bé đã người tím tái, mắt trợn ngược”.  

Đứa trẻ 10 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, dù bên ngoài cơ thể không bị thương tích. Sau 10 ngày điều trị, cháu bé tỉnh lại, nhưng có nhiều dấu hiệu bất thường như: co giật, sốt cao, sùi bọt mép, ăn gì nôn nấy. 

Được mọi người khuyên nên đem con lên TP HCM thăm khám, chị Yến vay mượn những chỗ quen biết được một số tiền rồi bắt xe đem con đi. 

Đến bệnh viện Chợ Rẫy, người mẹ như chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo cháu bé bị tụ máu bầm, máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, tụ dịch dưới màng cứng vùng trán phải, tổn thương vỏ não trán hai bên. 

“Trước khi phẫu thuật, bác sĩ báo cho tôi biết, phẫu thuật chỉ giữ lại được mạng sống cho con. Có khả năng cháu sẽ mất hết nhận thức, chịu cảnh tật nguyền. Tôi ngày ngày cầu mong con tỉnh lại khỏe mạnh, nhưng không ngờ điều đó lại thật”, người mẹ nước mắt lưng tròng.

Đứa trẻ tỉnh lại, chỉ biết nằm vô hồn trong vòng tay mẹ. Người mẹ buồn bã: “Năm ngoái con còn được 13 kg, năm nay chỉ còn 12,5 kg. 

Tuy tôi chăm sóc suốt ngày đêm nhưng đã 6 tuổi cháu vẫn không ăn được cơm, chủ yếu là uống sữa, mỗi lần trái gió trở trời lại la khóc, rồi lên cơn co giật cả ngày lẫn đêm”. 

Chị chăm bẵm con từng miếng ăn, giấc ngủ, càng lo hơn nữa là kiếm tiền chạy chữa bệnh, khi đều đặn hàng tháng phải đến bệnh viện thăm khám, lấy thuốc.

Cha mẹ, anh em bên ngoại ra sức đỡ đần, nhưng họ cũng có gia đình riêng, chỉ giúp đến chừng mực nào đó.

Ban đầu bà con lối xóm cũng thương xót, người cho dăm ba chục, nhưng không ai giúp được mãi. Khó khăn trăm bề, vậy mà gia đình bên nội không còn ngó ngàng tới con dâu, đứa cháu nội sống chết ra sao. 

Tất cả chi tiêu của hai mẹ con nhờ vào tiền lời của tiệm tạp hóa. Mỗi khi đến kỳ đi bệnh viện, không có tiền, chị lại chạy vạy đi vay mượn mỗi nơi một ít. 

Tiễn khách ra đường, người mẹ xoa đầu con: “Nếu không bị bệnh thì tháng này con sẽ vào lớp 1 như các bạn”. Chẳng biết hiểu lời mẹ được bao nhiêu, đứa bé bất chợt nhoẻn miệng nở nụ cười hiếm hoi.

http://baophapluat.vn/con-duong-hoan-luong1/dua-be-bi-cha-de-nem-xuong-nen-xi-mang-gio-ra-sao-233001.html

Theo Hoàng Dung - Hoàng Giang/Pháp luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm