Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đùa cợt bên xác chết và những trò lố vì hám danh trên mạng

Không màng nguy hiểm cũng chẳng ngại chỉ trích, nhiều bạn trẻ trên thế giới sẵn sàng bất chấp vượt mọi giới hạn đạo đức và văn hóa chỉ để được tung hô trên mạng xã hội.

N

gày 31/12/2017, cộng đồng mạng thế giới "sôi sục" trước đoạn video nhạy cảm trên YouTube đến từ vlogger đình đám người Mỹ - Logan Paul (22 tuổi). Clip dài 15 phút quay cảnh Logan cùng bạn bè khám phá khu rừng Aokigahara nằm dưới chân núi Phú Sĩ (Nhật Bản) - một trong những địa điểm tự tử nổi tiếng nhất thế giới.

Mọi chuyện trở nên phức tạp, vượt quá giới hạn khi nam vlogger cùng bạn bè quay cận cảnh một thi thể ở tư thế treo cổ trong rừng và không ngừng cười cợt, đùa nghịch.

Đúng với tựa đề Chúng tôi bắt gặp một xác chết tại rừng tự tử ở Nhật, những cảnh quay phản cảm trong vlog trên đã nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng khắp thế giới.

chieu tro cau like ao anh 1
Vlog quay cảnh thi thể tự tử trong rừng Aokigahara tại Nhật Bản của Logan vấp phải nhiều chỉ trích. Ảnh cắt từ clip.

Paul Logan là ai?

Paul Logan là chàng trai gốc Ohio (Mỹ) cao ráo, điển trai và được biết đến như người có tính cách hài hước, hòa đồng. Anh chàng bắt đầu đăng video lên mạng từ khi 10 tuổi, nổi tiếng nhờ các clip bày trò chơi khăm hay kể chuyện hài tại Vine.

Là "ngôi sao sáng" trên nhiều trang mạng như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, song tới tháng 8/2015, tên tuổi của Logan Paul mới lan rộng tới đông đảo bạn trẻ Việt Nam và thế giới nhờ clip xoạc chân trong một lần anh thăm thành phố New York, Mỹ.

Đoạn video Splitting New York (Xoạc chân ở New York) làm nên tên tuổi của Logan, thu hút tới 78 triệu lượt xem ở thời điểm bấy giờ. Sau đó, anh tiếp tục ghi dấu ấn với video Splitting the world ghi lại tài năng đặc biệt tại nhiều thành phố khác nhau như Paris, Barcelona, Bắc Kinh, Berlin, Tokyo…

Chàng trai xoạc chân trên khắp thế giới Nhân dịp Olympic 2016, Logan Paul (22 tuổi, ngôi sao mạng xã hội) đã làm clip xoạc chân tại nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dân mạng.

Thành công trên mạng khiến Logan quyết định bỏ học đại học vào năm 2014 để tới Los Angeles (Mỹ) phát triển nghệ thuật.

Ngoài việc đảm nhận vai trò diễn viên trong một số bộ phim, chàng trai 22 tuổi còn trở thành vlogger nổi tiếng khi sở hữu 2 kênh Logan Paul Vlogs (hơn 11 triệu người theo dõi) và The Official Logan Paul (hơn 15 triệu fan). Bên cạnh đó, nam vlogger còn có gần 4 triệu người theo dõi trên Twitter và 16,1 người theo dõi tại Instagram.

Chỉ cần nhìn vào "gia tài người hâm mộ" trên các trang mạng của Logan cũng đủ hiểu anh nổi tiếng đến thế nào. Điều đó mang về cho Logan hàng loạt hợp đồng quảng cáo béo bở, cùng thu nhập lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.

Sự nghiệp đứng trên bờ vực

Sự nghiệp và thành công của Logan sẽ chẳng có điều gì đáng chê trách nếu anh không "trót dại" quay cảnh xác chết tại Nhật Bản. Không những sử dụng góc quay cận cảnh (dù đã làm mờ mặt nạn nhân), hành động cười cợt, đùa nghịch của Logan và bạn bè cũng nhanh chóng trở thành đề tài phản đối khắp các trang mạng.

chieu tro cau like ao anh 2
Cộng đồng mạng Nhật Bản đặc biệt tức giận với hành động của Logan và yêu cầu trục xuất anh khỏi đất nước.

Hầu hết chỉ trích cho rằng Logan đã thiếu tôn trọng người đã khuất, đồng thời nhấn mạnh việc tự tử lẫn trầm cảm và những chứng bệnh về tâm lý không phải trò đùa, cũng không phải cách để "câu view" trên mạng.

"Sao anh ta có thể làm vậy? Thật phẫn nộ! Không thể tin nổi là có rất nhiều thanh niên ngưỡng mộ anh ta. Buồn quá! Tự tử không phải là chuyện đùa. Không thể lợi dụng việc tự sát để câu view. Không thể coi thường chuyện tự tử. Tôi không thể chấp nhận những gì anh ta đã làm", một dân mạng bức xúc bình luận.

Đoạn video gây tranh cãi của Logan khiến anh mất hàng nghìn lượt theo dõi YouTube chỉ sau thời gian ngắn. Nhiều người thậm chí còn gửi thư, viết khiếu nại kêu gọi YouTube xóa tài khoản của chàng trai 22 tuổi.

Không chỉ hứng đủ mọi "gạch đá" từ cộng đồng mạng, "ngôi sao" 9X còn phải nhận cái nhìn không mấy thiện cảm từ truyền thông và giới tri thức.

Trao đổi với New York Times, giáo sư Madelyn Gould làm việc tại đại học Colombia cho rằng tự tử là hội chứng có thể lây lan khi hình ảnh được công khai, do vậy video của Logan Paul sẽ có ảnh hưởng rất xấu.

chieu tro cau like ao anh 3
Logan buộc phải gỡ video và quay clip xin lỗi để xoa dịu dư luận. Ảnh cắt từ clip.

Trước sức ép dữ dội từ dư luận, Logan buộc phải gỡ video, đăng tuyên bố hối cải tại Twitter và cả clip xin lỗi trên YouTube để xoa dịu người dùng mạng. Nam vlogger thừa nhận rằng đã "mắc phải một sai lầm lớn" và phủ nhận việc muốn "câu view" từ chủ đề nhạy cảm.

Dù vậy, làn sóng phản đối và kêu gọi tẩy chay tài khoản của Logan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều người không ngừng chỉ trích anh, dự đoán video này có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp đang lên như "diều gặp gió" của chàng trai 22 tuổi.

Cái giá phải trả cho những trò lố câu view

Việc sử dụng những chủ đề nhạy cảm hay thực hiện các trào lưu gây sốc vốn là "chuyện thường ở huyện" đối với người trẻ thích gây chú ý và muốn được nổi tiếng trên mạng xã hội.

Cuối tháng 11/2017, cặp đồng tính Joseph Dasilva - Travis Dasilva (công dân Mỹ) trở thành tâm điểm gây phẫn nộ khi đăng bức ảnh khoe vòng ba trước ngôi chùa nổi tiếng Wat Arun ở Bangkok, Thái Lan.

Sau khi đăng tải, Travis và Joseph đã bị dân mạng Thái Lan chỉ trích, nhận nhiều lời đe dọa vì hành vi báng bổ địa điểm tôn nghiêm của họ. Instagram với 15.000 người theo dõi của đôi này cũng bị xóa không lâu sau đó.

Mặc dù thành công trong việc thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng, 2 nam du khách không ngờ rằng họ cũng "lọt vào tầm ngắm" của chính quyền địa phương. Cảnh sát Thái Lan ngay lập tức tổ chức truy lùng và tóm gọn cả 2 vào tối 28/11/2017 khi đang ở sân bay.

Mặc dù là đất nước nổi tiếng về cuộc sống náo nhiệt về đêm, Thái Lan vẫn có những quy định rất khắt khe về đạo Phật và việc lộ một phần cơ thể hay khỏa thân tại nơi công cộng bị coi là hành vi xúc phạm, có thể phải nhận hình phạt 5 năm tù giam.

Rất may, Joseph và Travis chỉ bị phạt hành chính 5.000 baht (tương đương 154 USD), buộc phải về nước ngay lập tức vì hành vi khiếm nhã. Thoát án tù, nhưng đây có lẽ là bài học nhớ đời dành cho 2 du khách người Mỹ về việc tôn trọng văn hóa, luật lệ của các quốc gia.

Không chỉ bất chấp rào cản văn hóa, nhiều du khách trẻ còn chẳng màng đến mạng sống khi có cơ hội chụp ảnh "nghìn đời có một".

Hôm 4/10/2017, núi lửa Agung (đảo Lombok, Bali, Indonesia) liên tục phun trào các cột đen ngòm tro bụi khiến nhiều chuyến bay bị trì hoãn và khách du lịch bị mắc kẹt ở trên đảo.

Tuy nhiên, trong khi Cơ quan giảm thiểu thiên tai (DMA) của Indonesia tất bật sơ tán hơn 10.000 dân địa phương đang phập phồng lo sợ, Instagram của các du khách lại ngập tràn hình ảnh về ngọn núi lửa.

Đáng chú ý hơn, cơ quan này cho biết nhiều du khách đã từ chối rời đi, thậm chí còn trốn cảnh sát, để ở lại tiếp tục chụp ảnh trong khu vực nguy hiểm.

Đây không phải lần đầu tiên du khách liều mình để có khoảnh khắc hoàn hảo. Năm 2015, một sinh viên người Australia đã tử nạn trong khi cố chụp ảnh cùng bạn bè tại Trolltunga - mỏm đá nhô ra ở độ cao 700 m trên hồ Ringedalsvatnet, Na Uy.

Tại công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ), nhiều người thường rời các lối đi an toàn để có được những bức hình đẹp hơn đăng trên mạng xã hội. Một số trường hợp đã ngã xuống suối nước nóng và thiệt mạng.

Torz Reynolds (30 tuổi, người Anh) cũng từng nổi tiếng khắp Internet vì tự chặt đi ngón tay út và đăng tải hình ảnh lên trang cá nhân khoe khoang "thành tích". Khi được hỏi lý do, cô chỉ bảo "vì mình và như thế tay trông đẹp hơn".

Trong khi cô gái có vẻ vui vẻ với diện mạo mới, cộng đồng mạng lại tỏ thái độ rất gay gắt, phản đối quyết định ngu ngốc này. Những từ ngữ tiêu cực liên tục xuất hiện trong bức ảnh bàn tay thiếu ngón Torz đăng tải.

Trước đó, Torz cũng từng tự làm tổn thương bản thân bằng cách dùng dao lam rạch bỏ mảng da có hình xăm liên quan đến người yêu cũ. Hiện tại, cô thậm chí vẫn giữ mảng da đó như kỷ vật của tình yêu.

chieu tro cau like ao anh 9
Torz Reynolds hứng chịu không ít chỉ trích khi tự cắt tay rồi đăng ảnh lên mạng. Ảnh: FBNV.

Có nên sống vì like ảo?

Động chạm đến những vấn đề nhạy cảm hay ghi hình không đúng lúc đúng chỗ chỉ là cách để người trẻ thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đó đôi khi vượt quá giới hạn cho phép và để lại những hậu quả không thể lường trước.

Một bộ phận giới trẻ luôn sẵn sàng liều mạng để có các bức selfie tại khu vực nguy hiểm chỉ với mục đích cho người khác thấy họ sống táo bạo và không sợ điều gì. Nhưng sau đó, mọi chuyện lại kết thúc trong bi kịch và nỗi đau luôn còn day dứt trong lòng người ở lại.

Ngoài tâm lý thích được nổi tiếng trên mạng xã hội, không ít người trẻ còn tìm đến thế giới ảo để giải quyết các vấn đề về tâm lý như buồn chán, cô đơn. Lâu dần, họ trở thành "con nghiện" mạng xã hội đích thực và sống phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới ảo.

Theo logic của người trẻ, giao tiếp trên mạng là con đường nhanh nhất để được xã hội công nhận. Tuy nhiên, bằng cách gương mẫu thì chẳng mấy ai ngó đến, hành động khác thường, lập dị lại được like mỏi tay.

Vậy phải chăng đám đông thích sự tò mò, cổ vũ cái xấu cũng là nguyên nhân đẩy người trẻ tới "cơn nghiện" được tung hô trên mạng?

Không thể phủ nhận rằng các mạng xã hội mang đến cho con người nhiều lợi ích và chúng vẫn đang lớn mạnh hơn bao giờ hết. Song để không "biến chất" chỉ vì những cái like ảo, mỗi người dùng cần tỉnh táo để sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.

Cá voi xanh và loạt trào lưu đáng bị tẩy chay trong giới trẻ Thích sống ảo, đua đòi theo bạn bè, nhiều người trẻ đã phải trả giá đắt khi hưởng ứng các trào lưu nguy hiểm.

10 'mỏm đá sống ảo' khiến giới trẻ thót tim nhưng vẫn thích check-in

Các mỏm đá nằm ở nơi chênh vênh luôn thu hút "tín đồ" ưa mạo hiểm đặt chân tới để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng.

Thu Trà

Bạn có thể quan tâm