Từ nghiên cứu này đã giúp các bà nội trợ dễ dàng trong việc chọn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.
“Giấy thần kỳ” phát hiện thủy sản ướp urê
Nhóm Bùi Phương Toàn và Lâm Vũ Thiên Phúc (cùng học lớp 12A4) thổ lộ qua truyền thông các bạn biết được tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là mặt hàng thủy sản cá biển, tôm, mực. Không ít người kinh doanh vì lợi riêng nên đã sử dụng urê trộn với đá để ướp lạnh hoặc xát trực tiếp vào thực phẩm.
“Điều đó thật có hại cho sức khỏe”, Toàn nói.
Toàn và Phúc (bìa phải) nghiên cứu đề tài “giấy thần kỳ” . |
Từ trăn trở đó, các bạn đặt câu hỏi bằng cách nào nhận biết thủy sản có ướp urê để người tiêu dùng an tâm khi chọn lựa sản phẩm? Và nhóm các bạn đi tìm câu trả lời.
Cả hai mua cá thu hoặc cá ngừ rồi mang vào phòng thí nghiệm của trường nhúng chúng vào urê. Xong, thấm nước ép bắp cải tím vào một tờ giấy thử, rồi đặt lên mẫu hải sản đã bị nhiễm urê để thử nghiệm. Tuy nhiên kết quả không như ý muốn. Kế đến nước ép bông bụp và hàng loạt chất khác nhưng vẫn không thành công.
Cuối cùng, sau 6 tháng nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ tận tình của cô hướng dẫn Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cả hai “nhận mặt” được chất phát hiện thủy sản có bị nhiễm urê, đó chính là nghệ.
Từ đó, đề tài nghiên cứu nhận biết urê có tên là “giấy thần kỳ” ra đời với thành phần gồm giấy thử và dung dịch thử. Trong đó giấy thử được làm từ một loại cellulose có đủ độ dai, độ cứng, độ xốp để có thể thấm dung dịch thử lên đó. Còn dung dịch thử chủ yếu gồm tinh chất nghệ.
Cách thử rất đơn giản: đặt “giấy thần kỳ” lên mẫu thử thủy sản, nếu từ màu vàng tươi giấy chuyển thành màu nâu đỏ thì mẫu thử đó có chứa urê.
Toàn lý giải: “Trong nghệ có thành phần hóa học gồm một nhóm hợp chất được gọi là curcuminoid. Hợp chất này sẽ phản ứng với các axit có trong urê tạo thành hợp chất có màu nâu đỏ”.
“Đũa thần” phát hiện “bột sắt”
Nhóm Đoàn Minh Phúc và Trần Huỳnh Như, lớp 11A4, trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành, cũng có 6 tháng sáng chế ra “đũa thần” giúp người tiêu dùng nhận biết được da gà đã bị nhuộm màu bằng hóa chất mà mắt thường khó nhận biết được.
Phúc bộc bạch: “Hè năm lớp 10 mình lên Sài Gòn và dì mua gà về đãi. Da gà có màu vàng tươi trông rất đẹp nhưng khi rửa sạch qua dung dịch nước chanh để khử mùi thì ngay tức khắc lớp da trên chuyển đổi sang màu vàng cam”.
Như và Phúc (bìa phải) nghiên cứu đề tài “đũa thần” phát hiện “bột sắt”. |
Và câu hỏi người bán gà đã thoa chất gì lên da để gà có màu đẹp, chất ấy có nguy hại cho sức khỏe khi ăn không đã được Phúc đặt ra.
Phúc đem câu chuyện nói với bạn Như rồi cả hai cùng lên mạng tìm hiểu thì được biết có một loại “bột sắt” là phẩm màu được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, mực in...
Bột này giá rẻ, chỉ cần dùng nửa muỗng cà phê là có thể nhuộm vàng trên 100 con gà. Khi nhuộm xong thì nước màu ngấm sâu vào da gà, khiến người tiêu dùng thường không phát hiện được.
Càng tìm hiểu cả hai càng hãi hùng khi biết chất tạo màu này có khả năng tác động cực xấu đến sức khỏe con người khi sử dụng thường xuyên.
Như bộc bạch: “Làm thế nào giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết gà bị nhuộm màu và để họ tự bảo vệ an toàn cho mình và những người thân trong gia đình là điều chúng mình trăn trở và hướng đến nghiên cứu”.
Khi Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh phát động cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học 2015-2016, Phúc và Như cùng đăng ký tham gia dự thi dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Hiền.
Trước tiên cả hai tìm mua “bột sắt” đem về phòng thí nghiệm rồi nhận ra dung dịch “bột sắt” là một loại muối trung tính. Kế tiếp nhóm đem cánh gà nhúng vào dung dịch bột sắt, quả nhiên cánh gà chuyển sang màu vàng tươi.
Sau đó, cả hai chọn bông bụt, rồi đến nghệ bởi biết các loại cây này chứa chất có thể làm biến đổi màu của dung dịch “bột sắt”. Thế nhưng kết quả thất bại khi màu vàng của dung dịch bột sắt trên cánh gà vẫn trơ trơ không thay đổi.
Nhóm quyết định dùng giấm, kết quả có khả quan hơn nhưng sự biến đổi màu không rõ rệt để nhận biết chính xác.
Phúc tâm sự: “Trầy trật mãi, cuối cùng tụi em dùng chanh bởi chanh có hàm lượng axit tương đối cao. Và quả thật hàm lượng axit làm pH của dung dịch nước cốt chanh đủ yếu tố để khiến màu vàng da gà đã nhuộm “bột sắt” chuyển sang màu vàng cam sậm”.
Phúc chia sẻ: “Để tiện cho người sử dụng cũng như tiện cho cuộc thi, tụi em dùng vỏ bút lông, bông tẩm thấm dung dịch nước cốt chanh pha loãng và tạo ra “chiếc đũa thần”. Lấy “đũa thần” quét lên da gà. Nếu da gà biến đổi thành màu vàng cam sậm thì “chắc cú” 100% gà đó bị nhuộm phẩm màu công nghiệp”.
- Năm 2015, đề tài nghiên cứu “giấy thần kỳ” của Bùi Phương Toàn và Lâm Vũ Thiên Phúc đoạt giải nhì trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học do Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Sau đó đề tài này tiếp tục đoạt giải nhì quốc gia về lĩnh vực hóa học và giải ba toàn cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tại cuộc thi, nhóm còn được ĐH Cần Thơ trao giải đặc biệt. Ngoài ra nhóm còn nhận 200 USD của ĐH Yale (Pháp) trao tặng.
- Đề tài “đũa thần” của Đoàn Minh Phúc và Trần Huỳnh Như đoạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho khối học sinh trung học 2015-2016 do Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Đề tài cũng đang được gửi dự thi tiếp cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đồng Nai vào thời gian tới.