Dứa mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe. Ảnh: Shutterstock. |
Dứa là trái cây nhiệt đới, giàu vitamin, enzyme và chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, loại quả này còn hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, điều trị chứng khó tiêu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), bên trong quả dứa bao gồm: Nước 75,7%, protid 0,68%, lipid 0,06%, glucid 18,4% (saccharose 12,43%, glucose 3,21%), chất chiết xuất 4,35%, cellulose 0,57%, tro 1,24%. Chúng có acid citric, acid malic và các vitamin A, B, C.
Ngoài ra, dứa còn chứa một loại enzyme tiêu hóa mạnh mẽ là bromelin. Enzyme này có khả năng thủy phân một lượng protein lớn gấp 1.000 lần trọng lượng của chính nó chỉ trong vài phút.
Theo Y học cổ truyền, quả dứa có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá. Nước dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ. Nõn dứa thanh nhiệt giải độc, rễ lợi tiểu. Dịch ép lá và quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và tẩy rửa.
Dù mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, những người sau đây cần hạn chế ăn dứa:
- Người dùng thuốc kháng sinh
Dứa chứa bromelain, một hoạt chất có thể tương tác với các loại thuốc kháng sinh, thuốc làm loãng máu, thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều trị mất ngủ. Bromelain có thể làm tăng khả năng chảy máu, đặc biệt khi sử dụng dứa ở liều lượng lớn
- Người bị tiểu đường
Hàm lượng đường cao trong dứa khiến nó trở thành loại trái cây cần thận trọng đối với người mắc bệnh đái tháo đường. Dứa có thể làm tăng đường huyết nếu không được tiêu thụ đúng cách. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm dứa vào chế độ ăn.
- Người huyết áp cao
Dứa có khả năng gây nóng bừng mặt, đau đầu hoặc chóng mặt, đặc biệt ở người có tiền sử huyết áp cao. Do đó, những người này nên hạn chế ăn dứa để tránh nguy cơ tăng huyết áp đột ngột.
- Người bị viêm răng, lở loét khoang miệng
Chất glucoside trong dứa có khả năng kích thích mạnh niêm mạc miệng và thực quản, gây cảm giác khó chịu như tê bì ở lưỡi và cổ họng nếu ăn quá nhiều. Ngay cả người khỏe mạnh cũng được khuyến cáo không nên tiêu thụ lượng lớn dứa cùng một lúc để tránh những tác động không mong muốn này.
- Người bị bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày
Người mắc bệnh dạ dày nên hạn chế ăn dứa hoặc chỉ nên ăn lượng nhỏ. Loại trái cây này chứa nhiều axit hữu cơ và enzyme, có thể làm tăng tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày và đường ruột, gây cảm giác buồn nôn, khó chịu và ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.