Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ rắn lục, nọc độc của chúng có thể gây rối loạn đông máu. Ảnh: flickr. |
Bé N.T.D. (Bình Tân, Vĩnh Long) được chuyển vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, với bàn chân trái sưng phù lan qua cẳng chân, vùng mặt trước bàn chân có mốc độc. Trước khi nhập viện khoảng 1 giờ, bệnh nhi đi ra vườn và bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Vì tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nhanh nên em được chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ. May mắn, vết cắn giảm sưng nề, không còn chảy máu. Các xét nghiệm rối loạn đông máu cải thiện tốt. Em được xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết thời gian gần đây, khi bắt đầu bước vào mùa mưa và mùa nước lên, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị rắn cắn, đa số là rắn lục đuôi đỏ.
Bàn chân trái bị rắn cắn của bé D. Ảnh: BVCC. |
Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ có thể gây rối loạn đông máu với biểu hiện ban đầu là chảy máu tại vết cắn, sưng lan nhanh.
Nhiều trường hợp bị rắn cắn đến viện trễ khiến tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nặng, người bệnh có thể xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết tạng và dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Rắn lục đuôi đỏ sinh sống tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các loài rắn hổ. Mùa mưa cũng là thời điểm sinh sản của rắn. Thế nhưng hiện nay, môi trường sống của chúng ngày càng thu hẹp, dẫn đến nguy cơ rắn bò vào nhà người dân trú ẩn tại các góc khuất, tối.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên phát quang xung quanh nhà để không tạo môi trường cho rắn trú ngụ. Khi đi ra vườn, mọi người nên mang ủng cao.
Nếu vô tình bị rắn cắn, người dân cần phải sơ cứu đúng cách theo những bước sau:
- Trấn an người bị rắn cắn
- Bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố
- Rửa sạch vết thương
- Nẹp cố định chi bị cắn
- Nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến bệnh viện
Những việc không nên làm khi bị rắn cắn:
- Rạch dạ để lấy nọc độc
- Đắp các loại thuốc, “bó thuốc nam”
- Garo không được khuyến cáo vì không có hiệu quả, có thể gây nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.