Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đức 'Cổ Lễ' dọa tiêu diệt đối phương khi trốn truy nã

Sau khi dàn trận đâm chém giữa 2 băng đảng ở Sài Gòn, "Đức Cổ Lễ" trốn ra Hà Nội, tuyên bố tiêu diệt tiếp các đối thủ, buộc lực lượng công an phải trải quân phòng ngừa.

Sáng 6/1, phát biểu tại Hội thảo khoa học "Lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm - 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành", đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó giám đốc Công an Hà Nội đánh giá, công tác vận động, thanh loại, truy bắt người bị truy nã có ý nghĩa quan trọng để kết thúc vụ án.

Ông Ngọc cho rằng, nếu không kịp thời bắt giữ, để người bị truy nã ở ngoài xã hội, họ sẽ gây án quyết liệt hơn. Ngược lại, nếu bắt nhanh gọn sẽ giúp ngăn chặn tình hình tội phạm phức tạp, giảm trọng án xảy ra.

Đức "Cổ Lễ" khi bị bắt (trái). CMND giả mà Đức mang theo để sử dụng.

Dẫn chứng vụ bắt Nguyễn Văn Đức (31 tuổi, ở Nam Định, tức “Đức Cổ Lễ”), đại tá Ngọc cho biết cuối năm 2014, sau khi tên này dàn trận đâm chém, thanh toán giữa các băng đảng ở TP HCM, đã trốn ra Hà Nội. “Khi ra Hà Nội, Đức tuyên bố sẽ tiêu diệt 2 địa chỉ ở Bạch Đằng và Thạch Thất” - Phó giám đốc Công an Hà Nội kể.

Theo ông Ngọc, nắm được thông tin trên, trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2015, Công an Hà Nội, TP HCM, cùng lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an đã lên phương án, huy động nhiều nhân lực chốt ở 2 địa chỉ Đức công bố sẽ đâm chém để phòng ngừa.

Theo hồ sơ cảnh sát, năm 2014, Đức "Cổ Lễ" và đàn em gây ra vụ việc dằn mặt chấn động giới giang hồ với Phạm Đức Thuận (tức Thuận "adam") tại nhà hàng Sen Đông Dương (ở quận 1, TP HCM).

Hôm đó, khi đang nhậu tại nhà hàng này, nhóm của Thuận có gọi điện cho Đức đến gặp để thương lượng giải quyết mâu thuẫn nhưng họ không tìm được tiếng nói chung. Tối muộn cùng ngày, Đức và 4 đàn em quay trở lại, đạp cửa xông vào nơi Thuận và bạn bè đang nhậu, ra hiệu cho đệ tử cầm mã tấu xử Thuận và đồng bọn gục tại chỗ. Sau vụ này, Đức "Cổ Lễ" trốn ra Bắc.

Sau nhiều tháng theo dấu, cuối tháng 9/2015, Công an Hà Nội phát hiện tên này xuất hiện ở cổng bệnh viện Hữu Nghị thì lập tức quật ngã, khống chế. Khám túi xách Đức mang theo, trinh sát thu 2 khẩu súng loại K54, K59. “Đức khai mang súng để tiếp tục đi thanh toán các băng nhóm có mâu thuẫn” - đại tá Ngọc nói.

Đại tá Ngọc kiến nghị Bộ Công an, ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cần có một đội truy bắt tội phạm truy nã nước ngoài (thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm). Với tính hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta đang miễn visa cho công dân nhiều nước nên việc đi lại giữa các quốc gia dễ dàng, tội phạm truy nã cũng lợi dụng vào đó để lẩn trốn.

Đồng quan điểm với đại tá Ngọc, thiếu tướng Triệu Quốc Kế - Nguyên Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng, tội phạm truy nã dù bỏ trốn nhưng hàng ngày vẫn phải ăn, mặc, ở. “Chúng lấy gì để sinh sống? Chỉ có thể là vi phạm pháp luật, tiếp tục gây án. Trong số hàng chục nghìn đối tượng trốn truy nã hiện nay chỉ cần mỗi tháng có một kẻ gây án đã rất nguy hiểm”, tướng Kế chia sẻ.

Đánh giá cao những kết quả của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm thời gian qua, tướng Kế cho rằng, số lượng tội phạm truy nã tuy giảm hơn những năm trước nhưng vẫn còn cao.

Theo tướng Triệu Quốc Kế, có nhiều nguyên nhân khiến số người bị truy nã cao. Trong đó, khách quan là đặc điểm của tội phạm luôn chuẩn bị tâm lý đánh nhanh và rút nhanh khỏi hiện trường, trước khi công an xuống làm việc. Tuy nhiên, ông cho rằng, lực lượng công an cần khắc phục các nguyên nhân chủ quan, điển hình như việc để phạm nhân trốn nhà tạm giữ.

Ngoài ra, nhiều bị can, bị cáo trong quá trình điều tra được các cơ quan có thẩm quyền khác cho tại ngoại. Lợi dụng việc này, có người bỏ trốn cũng làm tăng số người bị truy nã - tướng Kế nói. 

Lật mặt trùm giang hồ Đức 'Cổ Lễ' giả điên hòng thoát tội

Nhắc đến cái tên Đức “Cổ Lễ”, giới giang hồ trong Nam, ngoài Bắc có lẽ đều biết tiếng. Gã đẹp trai nhưng cũng rất nóng tính nên sẵn sàng đâm chém kẻ khác dù bất cứ lí do gì.


Việt Đức

Bạn có thể quan tâm