Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng 300 triệu để cám ơn khi chỉ nhờ xem điểm thi?

Các nhân chứng đều khai chỉ nhờ các bị cáo xem trước điểm thi nhưng lại cám ơn hàng trăm triệu đồng. Đến nay, nhiều thí sinh được nâng điểm đã phải nghỉ học.

Chiều 16/10, TAND tỉnh Sơn La xét hỏi gần 20 người làm chứng trong vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018. Tất cả cùng khẳng định không nhờ các bị cáo nâng điểm thi dù kết quả chấm thẩm tra cho thấy những thí sinh họ nhờ xem trước điểm thi đã được tăng điểm.

Nhân chứng Lò Thị Trường là cháu họ bị cáo Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La). Trước kỳ thi, bà Trường nhờ Huynh xem điểm của con trước khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả.

Sua diem thi anh 1
Nhân chứng Lò Thị Trường. Ảnh: Hoàng Đông.

Khi đặt vấn đề, nhân chứng hứa sẽ cám ơn ông Huynh. Sau đó, bà Trường đã đưa cho trưởng phòng khảo thí 300 triệu.

Theo lời khai, 2 ngày sau, ông Huynh trả lại tiền và thông báo không giúp được. Con bà Trường lúc đầu đủ điểm đỗ đại học nhưng kết quả sau đó không được công nhận vì chênh lệch với điểm chấm phúc thẩm.

Nhân chứng Trần Văn Điện (Cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Sơn La) cũng chỉ thừa nhận nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên phòng khảo thí) xem trước điểm của 4 thí sinh để điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, bà Nga không báo lại điểm số.

Khi công an triệu tập, ông Điện mới biết các thí sinh này nằm trong danh sách 44 trường hợp được nâng điểm.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga thì khai rằng ông Điện đã nhờ sửa điểm cho 4 thí sinh theo số điểm mong muốn. Sau đó, nhân chứng đã mang hơn một tỷ đồng đến nhà bố mẹ đẻ bà Nga để cám ơn. Nghe phần trả lời này, ông Điện khẳng định lời khai của bị cáo không đúng.

Nhân chứng Nguyễn Thị Thủy (mẹ của một trong 4 thí sinh được ông Điện gửi thông tin) cũng khai chỉ nhờ xem trước điểm của con trai thi vào Học viện Cảnh sát. Sau khi nhập trường, con bà Thủy bị buộc thôi học vì chênh 17 điểm so với kết quả chấm phúc thẩm.

Sua diem thi anh 2
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga khẳng định ông Điện nhờ sửa điểm nhưng nhân chứng phủ nhận. Ảnh: Hoàng Đông.

Một trường hợp khác là bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) khi được gọi lên bục của nhân chứng cũng khai chỉ nhờ bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (Trưởng phòng chính trị - Sở GD&ĐT Sơn La) xem trước điểm thi cho con, không liên quan chuyện tiền nong.

Tuy nhiên, bị cáo Sọn khẳng định ngoài nhờ xem trước điểm, bà Thành còn đề nghị nâng điểm trắc nghiệm cho con. Thời điểm đó, nữ trưởng phòng chưa biết ai có thể sửa điểm nhưng vẫn cầm 400 triệu đồng.

Sau này, bà Sọn sửa được thêm điểm thi môn tự luận nên được bà Thành đưa thêm 40 triệu đồng. Lời khai của nữ trưởng phòng thể hiện lần đưa tiền thứ hai diễn ra khi bị cáo và nhân chứng cùng đi tập huấn. Số tiền 40 triệu được đặt trong phong bì có chữ hội nông dân.

Sua diem thi anh 3
Người làm chứng Hoàng Thị Thành cũng khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước cho con. Ảnh: Hoàng Đông.

Theo cáo buộc của VKS, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến cấu kết với 7 bị cáo còn lại nâng điểm cho 44 thí sinh.

Quá trình điều tra, bị Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh; Cầm Thị Bun Sọn nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh; Lò Văn Huynh khai cầm 1 tỷ đồng nâng điểm cho 2 trường hợp và Đặng Văn Thủy khai cầm 500 triệu đồng để sửa điểm.

VKSND tỉnh Sơn La xác định số tiền các bị can đã nhận do vụ lợi mà có. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, những người bị cáo buộc đưa tiền phủ nhận nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ truy cứu.

Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La phủ nhận việc tiêu hủy chứng cứ Bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận việc yêu cầu chuyên viên Sở GD&ĐT Sơn La xóa dữ liệu trên máy tính khi biết tin Bộ GD&ĐT sẽ vào cuộc thanh tra.

Hai cựu công an tiếp tay vụ sửa điểm thi ở Sơn La ra sao?

Là người cầm chìa khóa, 2 cựu cán bộ công an tỉnh Hà Giang là Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn đã mở phòng để đồng phạm rút bài thi mang về nhà sửa.

Hoàng Đông - Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm