Ý tưởng trang trí cây thông với Labubu, Crybaby được nhiều người trẻ hưởng trong mùa lễ hội năm nay. Ảnh minh hoạ: @ngocloan.tr. |
Nhìn thấy tấm hình cây thông treo đầy Labubu của Lisa (BlackPink) trên mạng xã hội, Tùng Lâm (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhanh chóng “đu trend”.
Anh nảy ra ý tưởng tận dụng những món đồ chơi nghệ thuật của Pop Mart có sẵn, mua thêm cây thông và phụ kiện trang trí để mang không khí lễ hội đến không gian sống.
“Tôi mới mua căn nhà này năm nay nên chưa có nhiều kinh nghiệm trang trí Giáng sinh. Đây là năm đầu tiên tôi phải cân đối chi phí trang hoàng nhà cửa dịp này”, Lâm nói với Tri Thức - Znews.
Anh cho biết đã chi trả 5 triệu đồng cho cây thông và các đồ trang trí truyền thống như quả châu, vớ hay mô hình ông già Noel. 6-7 triệu đồng lại là chi phí dành cho móc khóa Labubu được treo lơ lửng trên trên cành cây.
Số tiền này chưa bao gồm khoản chi dành cho một số món đồ chơi nghệ thuật khác được Lâm bài trí dưới chân cây thông. Tổng giá trị bộ sưu tập art toy của chàng trai 25 tuổi lên đến 50-60 triệu đồng.
Trang trí cây thông với Labubu trở thành xu hướng trong mùa Giáng sinh năm nay. Ảnh: NVCC. |
Được xem như một trong những món đồ chơi thịnh hành nhất năm nay, Labubu không chỉ là móc chìa khóa, phụ kiện túi xách mà còn trở thành đồ trang trí cây thông Noel.
Bắt nguồn từ bức hình trên trang cá nhân của idol K-pop Lisa, nhiều người chơi Labubu lập tức treo những chú thỏ bông răng nhọn này lên cây thông, tạo ra sự thú vị, mới mẻ cho không gian sống trong mùa Giáng sinh năm nay.
Một số cho biết không ngại chi trả cho hoạt động trang trí này, sớm bắt tay vào trang hoàng nhà cửa để chơi được lâu.
‘Đu trend’ trang trí cây thông Labubu
Labubu là một nhân vật trong Vương quốc Quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung từ năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu.
Cuối tháng 8, Pop Mart (hay Bubble Mart), đơn vị sản xuất blind box với món đồ chơi Labubu “gây sốt”, công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024.
Theo báo cáo, doanh thu của nhà sản xuất có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng 62%, đạt mức 4,56 tỷ NDT (khoảng 15.900 tỷ đồng). Lợi nhuận ròng tăng đến 93,3%, vươn lên mức 921 triệu NDT (khoảng 3.200 tỷ đồng).
Trong đó, bộ sưu tập The Monsters, bao gồm nhân vật nổi tiếng Labubu, tạo ra 672 triệu NDT (khoảng 2.300 tỷ đồng), tăng trưởng 292,2%.
Tương tự Tùng Lâm, Hà Trần (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lấy cảm hứng trang trí Noel từ bức hình cây thông Labubu trên mạng xã hội.
“Hình ảnh này là sự kết hợp giữa 2 niềm đam mê của tôi, bao gồm Giáng sinh và Labubu. Sau khi thấy tấm hình này, tôi lập tức tìm mua cây thông để trang trí”, Hà nói.
Giống với mọi năm, cô không chơi cây giả mà ưu tiên sắm cây thật, gia tăng khoảng xanh cho căn hộ chung cư nhỏ. 2 năm trước, Hà Trần trang hoàng nhà cửa với tùng thơm và sơn tùng. Năm nay, cô muốn thử giống thông Nobilis, chi gần 1 triệu đồng cho loại cây này.
Vì thông Nobilis chỉ cao vài chục cm, Hà treo lên cành khoảng 3-4 con Labubu với mức giá dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm. Cô hạn chế trang trí nhiều, tránh khiến cành cây trĩu xuống.
Ngọc Vy yêu thích việc trang trí Noel, nảy ra ý tưởng trang hoàng cây thông bằng Labubu từ tháng 10. |
Khác với Tùng Lâm và Hà Trần, Ngọc Vy (TP.HCM) không lấy cảm hứng trang trí cây thông Labubu trên mạng xã hội. Cô tự nhận là một trong những người khởi đầu xu hướng này.
“Tôi nảy ra ý tưởng này khi trò chuyện cùng bạn thân cũng đam mê đồ chơi nghệ thuật. Từ đầu tháng 10, chúng tôi đã rục rịch chuẩn bị trang trí để chơi được lâu”, Vy nói.
Đây không phải lần đầu Vy trang hoàng nhà cửa dịp Giáng sinh. Mỗi năm, cô đều đau đầu chọn chủ đề, màu sắc chủ đạo để gia tăng tinh thần lễ hội cho không gian sống.
Vy thường chơi cây thông loại cao 1,8 m với mức giá khoảng 1,5 triệu đồng. Ngân sách dành cho những món phụ kiện trang trí như nơ đỏ, quả châu hàng năm dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Năm nay, Ngọc Vy sử dụng Labubu để trang hoàng cây thông, gia tăng điểm nhấn, sự mới lạ cho góc Noel trong nhà. Cô cho biết mỗi chú thỏ răng nhọn trên cây có giá từ 380.000-700.000 đồng.
“Phần lớn đều là những món tôi sưu tầm từ lâu, nên giá thành không đắt đỏ như bây giờ”, Vy nói.
Thú chơi Labubu
Ngọc Vy bắt đầu thú chơi art toy từ 2 năm trước và bắt đầu “nghiện” trong khoảng một năm nay. Cô cho biết việc sắm Labubu ngày càng khó khăn, đặc biệt sau khi Lisa nhiệt tình lăng xê.
Khi không thể săn trực tiếp tại các cửa hàng, website Pop Mart, Ngọc Vy phải mua qua người bán hàng trung gian. Thậm chí, cô còn phải đặt một số phiên bản hiếm qua sàn TMĐT Taobao Trung Quốc.
Phần lớn bộ sưu tập của Vy bao gồm gấu bông móc khóa. Cô sở hữu 2 món V1 (version 1), 2 món V2 (version 2) và các phiên bản đặc biệt như Halloween hay Fall In Wild.
Ngoài ra, những phiên bản cỡ lớn như Flip With Me, Zimomo I Found You hay Zimomo Angel In Cloud cũng nằm trong bộ sưu tập của cô gái trẻ. Ngoài Labubu, Vy cũng sưu tầm một số dòng đồ chơi nghệ thuật khác của Pop Mart như Molly và Dimoo.
Với những món art toy thuộc thương hiệu khác, cô gái trẻ yêu thích Lulu The Piggy của nhà sản xuất Toy Zero.
“Hiện nay, tôi chỉ giới hạn ngân sách cho thú chơi này là 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi không thể đếm nổi tổng chi phí từ trước đến nay”, Ngọc Vy chia sẻ.
Tùng Lâm có kinh nghiệm sắm Labubu qua người bán trung gian và xếp hàng chờ mua từ cửa hàng Pop Mart. |
Trong khi đó, Tùng Lâm mới bắt đầu sưu tầm art toy từ tháng 5 năm nay. Anh sở hữu móc khoá Labubu V1, V2 và 4-5 con phiên bản gấu bông 100%.
Giống với Ngọc Vy, Tùng Lâm cũng không chỉ sắm Labubu, mà còn sưu tầm những món đồ chơi nghệ thuật khác của Pop Mart như Molly hay Dimoo. Một số phiên bản Molly của anh có mức giá dao động từ 4-6 triệu đồng.
Lâm có cả kinh nghiệm săn art toy qua người bán trung gian và xếp hàng tại các cửa hàng Pop Mart. Theo người chơi này, những người bán hàng trung gian lợi dụng sự khan hiếm của Labubu, đặc biệt là các phiên bản đặc biệt, mới ra mắt, tăng giá gấp 3-4 lần.
“Móc khoá Labubu có giá gốc 380.000 đồng, song được bán lại với mức giá khoảng 500.000-800.000 đồng. Tôi từng mua một phiên bản vừa phát hành với giá thành 1,2 triệu đồng”, Lâm nói.
Theo Tùng Lâm, sự thịnh hành của Labubu giúp công chúng biết đến thú chơi art toy nhiều hơn, song phần nào tạo ra cái nhìn sai lệch về sở thích sưu tầm này. Nhiều người chỉ coi món đồ chơi này như phụ kiện túi xách, đồ trang trí cây thông, ít hiểu biết về ý nghĩa, thông điệp nghệ thuật mà nghệ sĩ, nhà sản xuất gửi gắm.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.