Cô N.T.V. (60 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ 5 năm trước, trong lần đi khám bệnh, bác sĩ cho biết cô có khối u rất nhỏ ở bên vú trái. Cô được khuyên nên theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng vì thấy không đau nên cô chủ quan.
Đến khi cô sờ thấy cục u sưng to mới đi khám thì nhận kết quả ung thư (K) vú giai đoạn đầu, cần phẫu thuật cắt bỏ vú trái. Sau đó, tham khảo hóa trị và xạ trị bổ túc.
Cô V. bày tỏ hối hận vì chủ quan, không tầm soát sức khỏe thường xuyên để đến khi khối u phát triển thành K mới phát hiện.
Đừng đợi phát hiện ung thư vú mới nói "giá như"
Cùng tình trạng với cô V., cô P.T.H. (73 tuổi, Khánh Hòa) cho biết bản thân không có thói quen kiểm tra tầm soát sức khỏe tuyến vú, chỉ khi thấy có triệu chứng đau ngực mới đi khám. Sau khi siêu âm chụp nhũ ảnh, sinh thiết, cô H. nhận kết quả bị K vú giai đoạn IIIA, phải cắt bỏ một bên vú và tiếp tục hóa, xạ trị kết hợp.
“Giá như tôi chịu tầm soát sớm hơn, có lẽ bệnh không đến nỗi nặng và điều trị phức tạp, mất thời gian như vậy”, cô H. nói.
Cô N.T.V. được bác sĩ hỏi thăm sức khỏe khi điều trị tại khoa Ngoại vú - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vào tháng 2. |
Theo ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM), ung vú khá phổ biến ở phụ nữ, nhưng rất ít có triệu chứng. Khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ ràng như đau ngực, chảy máu ở đầu vú, sờ thấy khối u… thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
“Lúc này, tế bào ung thư đã phát triển, lan rộng, thậm chí di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, gan, phổi, não. Việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém, tiên lượng xấu và tăng nguy cơ tử vong”, ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang nói.
Những trường hợp trên may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và chưa quá muộn nên vẫn có thể cứu chữa, can thiệp, chưa ảnh hưởng đến tính mạng.
Tầm soát sức khỏe định kỳ, giảm thiểu rủi ro
Theo Globocan 2020, mỗi năm, thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh và 680.000 người tử vong vì ung thư vú. Trong đó mỗi năm, Việt Nam có hơn 21.000 ca mắc mới, với khoảng 9.000 ca tử vong. Vì vậy, bác sĩ Giang cho rằng việc thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ rất quan trọng.
Phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm sẽ tiên lượng tốt, điều trị thuận lợi và ít có nguy cơ biến chứng. Bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả ở giai đoạn sớm, bảo tồn tuyến vú, tỷ lệ sống còn trên 80% sau 10 năm, tỷ lệ tái phát 5-7%, di căn 13%. Bệnh tái phát được phát hiện sớm sẽ điều trị ổn định lâu dài.
Điều đáng mừng là nhiều thống kê cho thấy dù ung thư vú có xu hướng tăng, tỷ lệ tử vong trên thế giới giảm đáng kể trong những thập niên gần đây. Điều này nhờ phát hiện sớm bệnh hơn thông qua tầm soát, sàng lọc và nâng cao nhận thức, các phương pháp điều trị tốt hơn.
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang khám cho bệnh nhân. |
BS.CKII Lê Hồng Cúc - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - cho biết thêm công nghệ cải tiến hiện nay giúp tầm soát bệnh chính xác ở giai đoạn sớm nên điều trị cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Các phương tiện phổ thông nhất là siêu âm vú, nhũ ảnh và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Nếu trước đây, siêu âm chỉ là hình ảnh trắng đen thì hiện nay có thể siêu âm mạch máu, siêu vi mạch, giúp phát hiện mạch máu nhỏ; siêu âm đàn hồi phát hiện những khối u lành hay ác tính. Phương tiện chụp nhũ ảnh cũng vậy. Chụp nhũ ảnh 2D (chụp một ảnh duy nhất) được thay thế bằng nhũ ảnh 3D có thể chụp các lớp (40-60 hình ảnh khác nhau). Nhờ đó, bác sĩ quan sát vú chi tiết bằng những lát cắt rất mỏng.
Những trường hợp khó, đã siêu âm và nhũ ảnh nhưng bác sĩ chưa xác định được bản chất của sang thương vú thì chụp MRI là cơ sở để chẩn đoán khối u lành hay ác tính, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp.
Phương pháp điều trị ung thư vú cũng đa dạng hơn như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, kết hợp liệu pháp nội tiết, sinh học (điều trị trúng đích). Tùy giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, các dấu ấn miễn dịch, đột biến gen mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tối ưu, cá thể hóa.
Song song thăm khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Giang khuyến nghị phụ nữ nên tầm soát ung thư vú 3 năm/lần đối với người ở lứa tuổi 20-30, mỗi năm/lần khi từ 40 tuổi. Đặc biệt với đối tượng nguy cơ như có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, béo phì, mang gen đột biến BRCA1 và BRCA2, lạm dụng thuốc nội tiết tố nên thăm khám 6 tháng/lần. Ngoài ra, phụ nữ 20 tuổi trở lên nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm 7-10 ngày sau khi sạch kinh nguyệt.