Tại buổi Tọa đàm Học văn thời 4.0 được tổ chức tại Hà Nội, bà Phạm Diệu Hương - nghệ sĩ thị giác bày tỏ văn học là khơi gợi sự rung rộng nhưng hiện nay đó là điều con người thiếu nhiều nhất.
Văn học bị coi là môn vô tích sự nhất?
Bàn luận về chủ đề này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho hay nếu quan niệm xưa cho rằng “văn tải đạo lý” do ảnh hưởng của Nho học thì ngày nay văn là tình cảm, cảm xúc, cách nhìn cuộc sống.
Văn học trước hết là nghệ thuật. Nếu ai đó trong đời không mang theo văn học theo sẽ thấy cuộc sống thật nghèo nàn, từ việc sử dụng ngôn ngữ đến thể hiện cách nhìn.
Khách mời tham gia tọa đàm Học văn thời 4.0. Ảnh: Q.Q. |
Ông ví von, văn học ngày nay có thể hình tượng hóa một công thức Toán học khiến bớt khô khan như: “Đồ thị hình sin dập dờn trên sóng biển, trải mãi trên trục hoành”.
Văn học là cảm xúc - những điều không phải đến thời đại 4.0 mới có nhưng cuộc sống càng hiện đại, con người càng bị rô-bốt hóa thì văn chương lại càng cần thiết.
“Mỗi tác phẩm có nhiều cách hiểu khác nhau, học văn để sáng tạo nên cách hiểu của chính mình là cốt lõi của văn học thời 4.0” nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Thực tế cho thấy, từ khi có mạng xã hội, nhiều người viết rất hay, cảm xúc vì không sợ sai mẫu câu hay bị bó buộc bởi những khuôn khổ khác.
“Phá cách cũng là một sự sáng tạo, văn học trong nhà trường cần được làm điều đó để tạo ra con người sống linh động ngoài thực tế. Văn học không phải là đóng cửa trái tim, khép tâm hồn”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói
Bà Phạm Diệu Hương - nghệ sĩ thị giác bày tỏ, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có đầy đủ mọi thứ nhưng lại thiếu rung động.
"Chúng ta không phải lo lắng việc trẻ thiếu vật chất, học ngành gì để kiểm tiền. Cha mẹ hãy quan tâm đến cảm xúc, sự rung động của tâm hồn. Văn học là môi trường để trẻ học tập và bồi dưỡng tâm hồn", bà Diệu Hương bày tỏ.
Theo bà Hương, thực tế trong một xã hội ngày càng hiện đại, công nghệ chỉ làm con người xa nhau hơn và xa sự rung động. Trong nhà trường văn học thường bị coi rẻ nhất, vô tích sự nhất trong các môn học vì suy nghĩ học văn không thực tế, không sản sinh ra kinh tế. Nhưng thực sự điều cần cho tâm hồn lại là văn học.
Cách học văn trong nhà trường thời nay
Bàn luận về chủ đề trong trường học, bà Diệu Hương cho hay học văn là sự sáng tạo hình thành nên tư duy phản biện. Vì vậy nếu quá coi trọng điểm số trong nhà trường sẽ làm thui chột điều này. Người lớn đừng dạy trẻ viết văn hoa mỹ, hãy dạy trẻ cảm nhận một cách chân thực nhất.
Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ, điều quan trọng nhất là tổ chức tự học để trẻ thấy được bản thân là một cá nhân độc lập, có nhận thực. Theo thầy Phạm Toàn, học văn thời 4.0 chính là học sự rung động. Trẻ được khuyến khích sự sáng tạo, biết vẽ khi bắt đầu học chữ.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng học văn là học sự rung động. Ảnh: Q.Q. |
Ông cho rằng ở lớp 1 trẻ được học được lòng đồng cảm của người nghệ sĩ chân chính bằng cách đóng vai. Đến lớp 2, trẻ học văn theo cách tưởng tượng để nghĩ ra nhiều điều mới mẻ, thú vị của văn chương. Lớp 4 trẻ học bố cục để có kỷ luật trong nghệ thuật bằng cách cảm nhận và tưởng tượng những điều đã quan sát.
Còn TS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn Lý luận văn học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng trường học hiện nay có thang đo năng lực văn học thể hiện chủ yếu qua khả năng ghi nhớ, học thuộc lòng, ngôn ngữ.
Về năng lực học sinh phải có khả năng suy nghĩ, cảm nhận thế giới xung quanh, hiểu văn bản bằng ngôn từ, rung động. Ngoài ra các năng lực khác bao gồm tạo lập văn bản, tiếp nhận và biểu đạt, thẩm mỹ, đánh giá được cái hay cái đẹp, sự hiểu biết về con người, xã hội và bản thân.
Học sinh khi có đủ năng lực biểu đạt ngôn ngữ thì việc vượt qua các kỳ thi không còn là điều khó khăn. Bố mẹ không nhất thiết phải dạy kiến thức mà hãy dành thời gian cho con đọc các tác phẩm văn học.