Trước mặt Sài Thung, Hưng Đạo Vương ngồi xuống pha trà và cùng uống với hắn. Về sau, người hầu của Thung nhận ra ông, cầm mũi tên chọc vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, sắc mặt ông vẫn không hề thay đổi.
Khi về, Sài Thung ra tận cửa tiễn ông. Toàn bộ chuyện này đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại.
Ngồi yên cho kẻ thù chọc thủng đầu
Năm 1277, Thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi lại cho Hoàng thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông.
Biết tin, Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung dẫn sứ đoàn sang Đại Việt trách móc việc vua mới lập mà không "xin mệnh" của Nguyên triều.
Khi tiến vào biên giới nước ta, Sài Thung dẫn theo vệ binh rầm rộ, đòi triều đình Đại Việt phải phái người lên tận biên tiếp giới đón.
Trước sự ngạo mạn đó, vua Trần Nhân Tông gửi thư có ý trách móc: "Nay nghe quốc công đến biên giới tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi". Sài Thung không đồng ý lại hạch sách đủ điều.
Trần Hưng Đạo tiếp sứ. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước. |
Vào tới nước ta, Sài Thung rất ngạo mạn, vô lễ. Y cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu.
Đến điện Tập Hiền, thấy giăng đầy màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Thượng tướng Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung vẫn nằm khểnh trong nhà không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không thèm ngồi dậy tiếp.
Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế liền tâu với vua Trần xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Trước khi đi, Trần Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi.
Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải này là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà và cùng uống với hắn.
Về sau, người hầu của Thung nhận ra ông, hắn cầm cái tên chọc vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Hưng Đạo Vương không hề thay đổi. Khi về, Sài Thung ra tận cửa tiễn ông.
Trần Hưng Đạo và triết lý đánh giặc
Sau cuộc gặp gỡ đó, nhà Nguyên kéo quân sang xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân và dân Đại Việt đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược.
Bàn về nghệ thuật quân sự đánh bại quân Mông Cổ, Hưng Đạo Vương đã viết trong Binh thư yếu lược rằng: "Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng".
Đó chính là tư tưởng cốt lõi trong phép dùng binh của ông. Nghĩa là thắng trận cuối cùng mới là quan trọng nhất. Trong cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông, ông đã tiến hành phương thức tác chiến rất đặc biệt.
Ông chủ trương chuyển từ trực tiếp đối đầu với khí thế hung hãn của quân Nguyên, sang tránh chỗ mạnh, tấn công vào chỗ yếu của địch. Sau những cuộc chiến ban đầu, ông hiểu rằng đối đầu ngay tức thì không phải chiến thuật hữu dụng trong tình huống này vì những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có nhược điểm chí tử, đó là công tác hậu cần.
Di tích cọc Bạch Đằng - nơi Trần Hưng Đạo đánh bại Mông - Nguyên. Ảnh: Tư liệu. |
Khi quân địch mới vào nước ta, tinh thần chúng rất mạnh, ông cùng hai vua Trần lui về Vạn Kiếp. Giặc truy kích đến Vạn Kiếp, Vương lại đưa quân về Thăng Long. Giặc đuổi theo đến Thăng Long, ông rút về Thiên Trường (Nam Định). Cứ thế, quân ta tránh đụng độ với giặc trong nhiều tháng.
Thay vì tiến hành những cuộc tiến công trực diện ít có cơ hội chiến thắng, đánh vào điểm yếu này của địch sẽ là cách tốt nhất lấy đi sức mạnh của chúng. Áp dụng chiến lược lui binh, ông khiến cho địch không thể đánh theo cách đánh của chúng, nói theo cách khác, ông chủ động kéo dài cuộc chiến đấu. Khi đó, thiếu lương thực, địch tự làm chúng suy yếu.
Chẳng thế mà khi quân Mông Cổ tiến vào kinh thành Thăng Long, thấy thành bỏ trống, không có một bóng người, do Trần Hưng Đạo đã thực hiện kế "thanh dã" - vườn không nhà trống trước đó, chúng đã điên lên.
Nắm được chìa khoá tiêu diệt địch, khi quân Nguyên lần thứ ba đưa quân sang xâm lược Đại Việt (1287-1288), Trần Hưng Đạo đã tự tin tâu với vua Trần "năm nay đánh giặc nhàn".
Sau khi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội binh lương của quân địch tại Vân Đồn, quân địch lại rơi đúng vào tình huống ngặt nghèo về lương thảo, đã từ thế chủ động tấn công sang tình trạng dần mất phương hướng và rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta.
Bàn về sức mạnh của nhân dân, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết rằng: "Hình dáng trận như chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chữ nhân, họp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người, một người làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một trận".
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (?-1330) được biết đến là Quốc công Tiết chế đã chỉ huy quân đội Đại Việt ba lần đánh bại Mông - Nguyên.
Nhận xét về ông, giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết rằng: Ông có một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân.
Cho nên trước khi mất, ông vẫn còn dặn vua Trần Anh Tông rằng: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà".