Những sự bức xúc của phụ huynh không phải vô căn cứ, bởi lẽ, câu chuyện về tình trạng nhập nhằng thu chi, đặc biệt là thu hộ, chi hộ vẫn cứ “đến hẹn lại lên”.
Phụ huynh bức xúc, giáo viên tổn thương
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có những quy định cụ thể về các nội dung liên quan tài chính cần phải công khai như học phí, mức chi thường xuyên/ học sinh; các khoản chi theo từng năm học; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, nhưng ở nhiều nơi, việc thực hiện chỉ là hình thức.
Điều này khiến nhiều phụ huynh rơi vào tình thế khó xử. Một số người vì không muốn làm “phật ý” giáo viên và nhà trường, đành chấp nhận nộp tiền theo kiểu “bổ đầu người”.
Số phụ huynh khác vì bất bình với sự “tự nguyện gượng ép” này đã “ra mặt” phản đối công khai. Những cảm xúc tiêu cực vì thế càng bị khắc sâu thêm, gây sụt giảm lòng tin của phụ huynh đối với giáo viên, nhà trường.
Nhiều phụ huynh bức xúc vì những khoản thu vô lý. Ảnh: VietNamNet. |
Trước những sự phản ứng mạnh mẽ từ phía phụ huynh, nhiều giáo viên cảm thấy ấm ức và tổn thương vì họ bị nghi ngờ “có sự khuất tất, ăn chia với hội phụ huynh”.
“Tiền quỹ phụ huynh qua các năm tôi làm chủ nhiệm đều được thu chi minh bạch, hoàn toàn phục vụ cho lớp học, học sinh. Thế nhưng, khi có chuyện xảy ra, giáo viên lại là người "chịu trận". Chúng tôi bị mang tiếng được “ăn chia” và sử dụng tiền quỹ phung phí. Là nhà giáo, chúng tôi cũng cảm thấy buồn và rất tổn thương”, một giáo viên tại Hải Dương chia sẻ.
Từng có nhiều năm làm quản lý tại các ngôi trường khác nhau, cô giáo Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), cho rằng dù ở ngôi trường nào, giáo viên cũng không tránh khỏi những băn khoăn từ phía phụ huynh.
“Thực tế vẫn có một số ban phụ huynh đã chưa làm đúng vai trò của mình nên mới trở thành tâm điểm của sự chú ý. Ví dụ, họ tự tổ chức các hoạt động liên hoan, ngoại khóa, gala, nhưng không nhận được sự đồng thuận chung của cả lớp hay đề xuất những khoản thu quỹ vượt quá khả năng của nhiều phụ huynh. Từ sự thiếu quan tâm và thấu hiểu đến từng hoàn cảnh đã làm nảy sinh bức xúc và những ý kiến trái chiều”.
Tuy nhiên, theo cô Yến, những phụ huynh đó chỉ là số ít, cũng không đại diện cho phần đông phụ huynh thực sự tâm huyết, trách nhiệm và hết lòng vì việc học của học sinh.
“Vẫn có những người luôn đồng hành, đồng thuận, đồng lòng cùng nhà trường trong mọi mặt của hoạt động giáo dục. Do đó không thể vì một vài trường hợp làm không đúng quy định mà chuyển sang nghi ngờ nhà trường. Điều này vô tình làm cho mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường đáng lẽ phải rất gần để mang lại những điều tốt đẹp cho học trò thì đang dần xa nhau”, cô Yến nói.
Để phụ huynh và nhà trường “xích lại gần nhau”
Cô Yến cho rằng ban phụ huynh của mỗi lớp chính là một xã hội thu nhỏ với nhiều tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cần phải rất khéo léo trong việc tìm sự đồng thuận và tiếng nói chung ở những công việc cần triển khai.
Để tránh những trường hợp biến tượng, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ và niềm tin của phụ huynh, theo cô Yến, các thông tin về thu chi cần phải được công khai, minh bạch, đồng thời cũng phải nhận được sự đồng thuận chung của tất cả phụ huynh trong lớp
“Vì một lý do nào đó, một số phụ huynh không có điều kiện để đóng góp, nhưng nếu mục đích này là tốt đẹp và có phương pháp đúng đắn thì chắc chắn cũng sẽ tìm được tiếng nói chung”, cô Yến nói.
Ngoài ra, để tránh những băn khoăn của phụ huynh, cô Yến cũng công khai số điện thoại của mình trên website và có lịch tiếp công dân hàng tuần để phụ huynh nếu còn vướng mắc hay tâm tư, đều có thể tìm đến hiệu trưởng để trình bày.
“Tôi sẽ luôn kiên nhẫn lắng nghe và giải thích để phụ huynh hiểu. Tôi nghĩ rằng sự cầu thị, lắng nghe sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề”, nữ giáo viên nói.
Cho rằng nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hòa giải các mối quan hệ, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu quan điểm trước khi định phát động đóng góp khoản gì, ban giám hiệu cần thẩm định chặt chẽ mức thu và mục đích chi tiêu có thực sự thiết thực, chính đáng. Cùng đó là sự khảo sát về đặc điểm nghề nghiệp, thu nhập và điều kiện sống của từng hộ gia đình trước khi đưa ra mức đóng góp.
Thay vì đưa thẳng các mục đóng góp ra biểu quyết tại các cuộc họp đông người, các hội phụ huynh nên tiến hành thăm dò từng bậc cha mẹ trước khi dự định phát động đóng góp để giảm áp lực đám đông lên tâm lý phụ huynh.
“Sau khi được biểu quyết thông qua, mức đóng góp cũng không nên cứng nhắc chia đều cho các gia đình. Thay vào đó, các phương án miễn giảm cần được hội phụ huynh đề xuất và kín đáo thực hiện với các gia đình thực sự gặp khó khăn. Đây là cách hành xử văn minh, thấu tình và đồng cảm”, TS Đáng nói.
Đồng tình với điều này, TS Dương Đức Đại cho rằng nhà trường phải có vai trò định hướng các khoản hỗ trợ của hội phụ huynh vào những việc giúp nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không phải nâng cao hình thức cho trường.
“Nhà trường sẽ định hướng tổ chức hoạt động gì và không tổ chức hoạt động gì, không thể “chuyển trách nhiệm” cho hội phụ huynh rằng “vì hội phụ huynh tự nguyện đề nghị” mà thực hiện những hoạt động tốn kém nhiều chi phí của phụ huynh”, TS Đại khuyến nghị.
Một thông tin được nhiều độc giả ủng hộ là cách làm của Khánh Hòa. Ngay trước ngày khai giảng, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các khoản thu của học sinh.
Trong đó, sở yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu trên bảng tin, website của đơn vị và thông báo đến từng phụ huynh, học sinh. Khánh Hòa đưa ra yêu cầu cụ thể, các đơn vị phải thực hiện đồng phục học sinh theo kiểu truyền thống, không triển khai đồng phục riêng.
Các trường cũng không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo học sinh dưới bất cứ hình thức nào. Nếu trường nào có quy định thêm về bảng tên, phù hiệu thì có thể đặt hàng giúp cho học sinh theo đúng giá thị trường,…
Việc công khai và thực hiện đúng quy định sẽ tránh được những băn khoăn, bức xúc từ phía phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu cũng không phải chịu sự tổn thương vì những hiểu lầm không đáng có.