Lần đầu tiên có con vào lớp 1, chị Bùi Lan (quận 1, TP.HCM) đến buổi họp phụ huynh đầu năm trong tâm trạng ít nhiều háo hức.
“Kết quả là trước khi ra về, mình đã đồng ý sau họp lớp sẽ tự nguyện đóng 4,5 triệu đồng, trong đó, 1 triệu quỹ phụ huynh lớp, 500 nghìn đồng quỹ phụ huynh trường. Khoản lớn nhất là 3 triệu đồng đóng góp để mua bảng tương tác”.
Dự thu và chi khoản vận động phụ huynh cho cơ sở vật chất một trường THPT ở TP.HCM trước khi phải dừng thu do bị phụ huynh phản đối. |
Nhiều khoản thu đầu năm
Chị Lan cho biết khi đề cập việc đóng góp mua bảng tương tác, phụ huynh rơi vào thế chẳng thể chối từ.
Đầu tiên là cô giáo chủ nhiệm nói rằng chiếc bảng mà lớp đang dùng là của lớp 1 năm ngoái cho mượn và họ đang đòi lại. Cô cũng cho biết hiệu trưởng yêu cầu không được đòi hỏi phụ huynh phải mua bảng mới, nếu trả cho lớp kia rồi thì cứ phấn trắng bảng đen mà dạy.
Sau đó, cô sử dụng bảng tương tác cho phụ huynh xem thử. Ví dụ như học chữ “c” thì có từ “con cá” hay “quả cam”, trên màn hình ngay lập tức có chữ cái, hình ảnh minh hoạ.
“Xem cô trình diễn xong rồi, phụ huynh nào còn lòng dạ nghĩ tới chuyện học chay nữa. Khi hội trưởng phụ huynh đề xuất đóng góp để mua bảng mới, một người đứng dậy có ý kiến không thực sự đồng tình. Nhưng chưa kịp nói xong, nhiều phụ huynh khác đã gạt đi. Và kết quả với loại bảng dự mua gần 90 triệu đồng thuộc diện cao cấp trên thị trường, hội phụ huynh 'bổ đầu' mỗi học sinh 3 triệu”, chị Lan cho biết.
Tuy nhiên, chị Lan cũng cho rằng khoản “đầu tư” này không đến nỗi vô lý, bởi chiếc bảng sẽ được sử dụng trong cả 5 năm tiểu học.
“Các con được học vui vẻ, sinh động hơn thì đóng ngần đấy tiền cũng được, nhưng cũng tội cho gia đình nào không có điều kiện mà không dám từ chối vì ngại.
Kể lại cuộc họp phụ huynh diễn ra trong tuần vừa qua của con trai học lớp 8, chị Thủy Ngân ở Thủ Đức, TP.HCM cho hay với những nội dung không liên quan tài chính, cô giáo chủ nhiệm của con nói đơn giản: “Phụ huynh xem số tiền phải đóng được trường thông báo ở bảng tin. Đóng bao nhiêu, khoản nào, đóng ra sao được công khai ở đấy. Giáo viên chủ nhiệm không xin của phụ huynh đồng nào, lớp mình cũng không thu quỹ lớp”.
Phổ biến rồi, cô giáo nói phần của mình đã xong, giờ là thời gian của phụ huynh. Sau đó, hội trưởng phụ huynh lớp lên công khai các khoản thu, chi của hội năm ngoái và cuối cùng là “xin cho năm nay”.
“Nào là các dịp sẽ phải chi như Trung Thu, ngày 20/11, Tết Nguyên đán, khen thưởng... Phụ huynh đóng bao nhiêu là tự nguyện. Còn nữa, có mấy bồn nước đã hỏng, trường muốn thay mới, mong phụ huynh đóng hỗ trợ”, người “đại diện cho cha mẹ học sinh” liệt kê các khoản cần sự “tự nguyện”.
Theo chị Ngân, chị hội trưởng nói mà ngượng ngùng. May là phụ huynh của lớp đều hiểu nên mọi người vẫn vui vẻ đóng góp.
Thế nhưng, cũng có những khoản “tự nguyện” được đưa ra mà phụ huynh không thể hiểu nổi. Ví dụ, mới đây, mạng xã hội xôn xao về khoản “trực đánh trống và vệ sinh” ở trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đăk Djrăng, Gia Lai).
Theo phản ánh của phụ huynh có con học tại trường, trong cuộc họp đầu năm học, hội phụ huynh đã đưa khoản thu nói trên với mức 150.000 đồng/ học sinh.
Hay một phụ huynh ở Thanh Hoá đã lên mạng xã hội than thở về việc phải “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” khoản tiền vệ sinh trường 100.000 đồng và vệ sinh lớp 70.000 đồng...
Tin nhắn xin ý kiến đóng góp đầu năm trong một nhóm phụ huynh lớp 1 ở TP.HCM. |
Những người "ở thế khó"
Vì ngại ngùng, nhiều phụ huynh cho hay họ từng từ chối khéo khi được giáo viên chủ nhiệm mời làm hội trưởng. Chị Thuỷ Ngân kể năm ngoái, trước khi diễn ra buổi họp phụ huynh đầu năm, chị nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm.
“Cô giáo hỏi tôi có thể làm hội trưởng phụ huynh lớp giúp cô được không. Biết là cô giáo tín nhiệm và gửi gắm, tôi vẫn nhắn tin từ chối”, chị Ngân kể.
Sở dĩ chị có câu trả lời có thể khiến cô chủ nhiệm mất lòng bởi trước đó, khi con học tiểu học, chị từng trong Ban đại diện phụ huynh của lớp.
“Tôi hiểu được thế khó của công việc này. Nếu hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường không nêu ra cái này cái kia, hội trưởng của trường chẳng việc gì phải truyền lại cho chi hội trưởng lớp. Rồi chi hội lớp lại phải đứng ra kêu gọi, van nài phụ huynh. Đi xin tiền rất mệt lại còn bị chửi nữa. Nhiều phụ huynh đóng tiền mà cũng nhìn mình với ánh mắt dò xét”, chị Ngân nói.
Anh Phan Đạt, một phụ huynh ở Gò Vấp, TP.HCM, cũng công nhận nhiều hội phụ huynh đang bị làm khó. Bởi rất nhiều khoản thu, nhà trường không hề ra mặt nhưng có gợi ý thông qua giáo viên chủ nhiệm. Do đó, nếu đối chiếu theo quy định, nhà trường sẽ không sai.
“Những khoản chi của hội như thưởng cho học sinh, ủng hộ học sinh nghèo... thì không nói, chứ phụ huynh phải chi cả tiền đổ rác, tiền hoa trước cửa lớp, chi tiền màn cửa... thì kỳ quá.
Thực ra, các khoản đó không phải trường nào cũng vậy, có trường chi nhưng cũng có trường không. Việc này tuỳ thuộc hiệu trưởng. Hiệu trưởng có uy và không thích bày vẽ, chính trực thì hội phụ huynh nhẹ nhàng. Ngược lại, hiệu trưởng và cả giáo viên chủ nhiệm nữa, mà thích bày vẽ, nhờ vả, hội phụ huynh rất cực”, anh Đạt nói.
Sau khi thuyết phục được phụ huynh trong lớp về chủ trương mua sắm, ban phụ huynh còn phải đi khảo sát xem ở đâu bán rẻ, rồi lấy báo giá để trình bày với các bố, mẹ. Thế nhưng, họ vẫn luôn gặp những ánh mắt nghi kỵ hoặc "nói vào nói ra" của một số phụ huynh khác.
Với nhiều người, mặc dù không đồng ý với một số khoản thu, họ rất ngại lên tiếng vì dễ trở nên lạc lõng.
"Nếu phản ứng mà chẳng may cô giáo biết lại để ý con mình thì không hay. Ai cũng bảo có gì cứ trao đổi thẳng thắn, nhưng tâm lý của chúng mình đều rất ngại, nên đành đóng cho xong", chị Mai, một phụ huynh có con học lớp 6 ở quận 3, chia sẻ.
Thế nên, chị Mai bảo không lạ khi mà năm nào cũng vậy, cứ đầu năm là trên mạng xã hội và trong các nhóm phụ huynh lại xảy ra không ít tranh cãi về tiền nong. Có người tranh cãi gay gắt, song cũng có kiểu ngầm rỉ tai nói xấu nhau, bằng mặt mà không bằng lòng.