Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để trẻ thành ‘ông tướng’

“Chức danh” chủ tịch có thể gây tâm lý hống hách, coi thường bạn bè… ảnh hưởng đến phát triển nhân cách trẻ về sau.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Điều lệ trường tiểu học thay thế điều lệ ban hành năm 2010. Trong dự thảo có quy định mỗi lớp cóchủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Vấn đề dư luận băn khoăn là với “chức danh” chủ tịch, phó chủ tịch, liệu có ảnh hưởng gì đến tâm lý của trẻ, có nguy cơ làm lệch phát triển nhân cách của trẻ? 

Xung quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên giảng viên ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng nếu không cẩn thận thì các chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản kia sẽ trở thành “ông tướng” của lớp.

Tạo tâm lý hống hách

Theo ông Chất, Bộ GD&ĐT đưa ra một khái niệm mới là hội đồng tự quản nhưng với lứa tuổi và nhận thức của các cháu thì chưa thể hiểu thế nào là “hội đồng”. “Nếu người thầy không chu đáo, đề cao hoạt động hội đồng này, giao cho các cháu quyền một cách rộng lớn, có thể quyết định, phán xét hoạt động của từng em trong lớp sẽ dẫn đến sự độc đoán” - ông Chất nói.

Từ đó có thể dẫn đến tâm lý thích hống hách. “Tuổi của các cháu là tuổi hồn nhiên, phải làm cho các cháu hòa hợp với nhau, luôn luôn coi nhau như những người bạn thân thiết. Làm thế nào thầy cô giáo có thể phát huy được tâm lý thân thiện giữa các cháu, đấy là cái quan trọng” - ông Chất nhấn mạnh.

Ông Chất cho rằng khái niệm chủ tịch hội đồng tự quản đưa ngay vào trong lớp rất dễ phản tác dụng bởi giáo viên không phải ai cũng giống ai, ai cũng có một kỹ năng quản lý tốt, dẫn đến tình huống đã có hội đồng tự quản rồi thì giáo viên giao cho học sinh quản lý tất cả. “Thành ra chủ tịch hội đồng tự quản thành một “ông tướng” của lớp, muốn ai làm cái gì thì phải làm, nhận xét ai thế nào thì có quyền, không ai dám phản biện lại. Các thầy cô giáo nếu không cẩn thận sẽ có thể dẫn đến tâm lý các cháu như vậy và nếu dẫn đến tâm lý như vậy nó sẽ trái với mục đích các cháu phải hòa hợp, thân thiện với nhau” - ông Chất phân tích.

“Cái ảnh hưởng nhất là coi thường bạn bè, không cẩn thận dẫn đến sự thô bạo giữa các bạn bè nữa. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến tư cách của các cháu về sau” - ông Chất lo ngại.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM) trong giờ học theo mô hình tự quản đang được thí điểm tại trường này. Ảnh: P.ANH
Học sinh Trường Tiểu học Tân Thông Hội (Củ Chi, TP HCM) trong giờ học theo mô hình tự quản đang được thí điểm tại trường này.

Ảo tưởng về quyền lực

Luật gia - chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý trẻ, TP HCM) cũng cho rằng các em đến lớp học là để được bình đẳng. “Tất nhiên có những em được cân nhắc lên làm người hỗ trợ cho giáo viên trong việc quản lý lớp học nhưng việc này rất bình thường và không thuộc về quyền lực cá nhân. Cho nên việc đặt ra những chức danh chủ tịch, phó chủ tịch sẽ tạo ra sự phân biệt trong học sinh với nhau, tạo tâm lý cho đứa trẻ ảo tưởng về mình” - bà Huệ nói.

Bà Huệ cho rằng điều này vô tình tạo ra rào cản phân cách giữa các em với nhau. Trong khi tuổi của các em phải được học và vui chơi, hòa đồng. “Khi các em gọi bạn mình là lớp trưởng sẽ thấy gần gũi, còn gọi chủ tịch nghe xa lạ và quan cách, vai vế trên dưới. Trong khi lớp học phải là nơi mà những đứa trẻ cảm thấy thoải mái, dễ dàng chia sẻ cảm giác bình đẳng với nhau” - bà Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo bà Huệ, khi mang danh chủ tịch, trưởng ban thì các em dễ bị ảo tưởng quyền lực. Để rồi khi các em không còn được làm nữa hoặc bị thay thế thì dễ rơi vào khủng hoảng nội tâm, luẩn quẩn vì có thể bị bạn bè chọc vì “mất chức”.

Lớp trưởng khác chủ tịch

Trao đổi về sự khác nhau giữa lớp trưởng và chủ tịch hội đồng tự quản, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng lớp trưởng trước đây nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp, theo dõi các bạn đi học muộn, không học bài. Giờ lớp trưởng không làm thay việc này nữa, mà chính các thành viên trong lớp bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.

“Với hội đồng tự quản, chính các em đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh. Điều này không phải là để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kỹ năng sống cho các em” - ông Hiển nói.

Không hay tí nào

Nếu đưa lên bàn cân lựa chọn giữa lớp trưởng và chủ tịch, tôi sẽ chọn từ lớp trưởng, bởi lẽ nghe gần gũi và có tình. Ít ra thì đây là cái tình bạn bè khi cùng học chung một môi trường. Với từ chủ tịch, liệu được mấy em sẽ hiểu nghĩa của nó và khi gọi như vậy nó mang một khoảng cách và có ý là “kẻ cả”. Khi các em hiểu theo cái nghĩa “cao to” mà xã hội đặt để, lúc đó dễ nảy sinh tiêu cực trong thái độ của các em mà điều này thì không hay tí nào trong việc hình thành nhân cách ở độ tuổi tiểu học. Tóm lại, tôi sẽ giữ những cụm từ gần gũi với các em như lớp trưởng, lớp phó và sẽ không sử dụng cụm từ chủ tịch hội đồng tự quản.

Thầy Phạm Xuân Quang, giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Bình Thuận (quận Bình Tân, TP.HCM)

Cô gọi trò là chủ tịch cũng thấy nhột!

Tôi bị dị ứng với những từ nghe to tát, khó hiểu khi áp dụng vào trường học, nhất là với những bậc học nhỏ. Ngay cả giáo viên còn không hiểu nghĩa những từ gọi là hội đồng tự quản, chủ tịch, ban này ban nọ trong lớp nói gì đến học sinh. Chúng ta hiểu mơ hồ thì có cần thiết phải sử dụng không. Những từ ngữ cao siêu nhưng nhiệm vụ cũng không thay đổi thì có cần gán vào cho các em không. Vào lớp học mà nói bạn chủ tịch hay em chủ tịch nghe cũng nhột miệng.

Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên tiểu học tại huyện Củ Chi (TP.HCM)

http://phapluattp.vn/giao-duc/dung-de-tre-thanh-ong-tuong-569247.html

Theo Huy Hà - Phạm Anh/Báo Pháp Luật

Bạn có thể quan tâm