Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để tử vong vì côn trùng

Côn trùng cắn để lại những vết thương nhỏ nhưng chúng có thể khiến bạn tử vong nhanh chóng khi không xử lý kịp thời.

Nhiễm độc vì chủ quan

Gần đây, bệnh nhân N.T.N (49 tuổi, ở thành phố Đồng Hới) đã phải nhập viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình trong tình trạng nhiễm độc rất nặng do bị côn trùng cắn. Anh Nam nhập viện khi rơi vào tình trạng lơ mơ, khó thở, cổ chân trái sưng tấy, đỏ và có dấu hiệu bị nhiễm trùng nặng. Người nhà anh Nam cho biết, khi đang làm vườn thì anh bị một con côn trùng cắn vào chân nhưng không rõ loài gì. Lúc đầu chỉ cảm thấy đau rát nhẹ nên anh chủ quan không bôi thuốc. Nhưng vài giờ đồng hồ sau vết thương tấy đỏ, đau rát với mức độ nhiều hơn kèm các biểu hiện tức ngực, khó thở nên gia đình nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu.

Cũng khoảng thời điểm gần đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã cấp cứu bé Trần Thu Ngân 11 tuổi bị suy hô hấp nặng vì ong đốt. Người nhà cho hay, trong khi đang tắm, em Ngân bị một con ong đậu trong khăn bay ra đốt bàn tay phải. Sau đó, toàn thân em bị nổi mề đay, ngứa toàn thân mệt mỏi và khó thở. Tại bệnh viện địa phương, em được chẩn đoán bị sốc phản vệ, có biểu hiện môi tái, da xanh, mạch nhẹ, lơ mơ, khó thở. Ngân phải nằm viện điều trị, sau 2 ngày mới qua cơn nguy kịch.

Sơ cứu nhanh, tránh nguy hiểm

Tình trạng nhiễm độc như anh Nam, bé Ngân, một phần có nguyên nhân vì sơ cứu chậm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, khoa khám Bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội khuyên bệnh nhân khi bị côn trùng căn cần xử lý vết thương càng sớm càng tốt, không nên để quá 6 giờ vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Trước tiên bạn cần rửa vết cắn của côn trùng bằng nước sạch, tốt nhất là dùng vòi nước xịt có áp lực để rửa sạch vết bẩn Sau đó rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, dung dịch cồn hoặc thuốc sát khuẩn.

Những vết cắn của côn trùng thường có cảm giác đau hoặc ngứa, để giảm tình trạng này bạn nên dùng một cục nước đá chườm lên vết cắn khoảng 5-10 phút. Nếu vết cắn của côn trùng chỉ là một vết đỏ, bạn có thể điều trị tại nhà, dùng nước muối loãng hoặc nước vôi loãng thoa lên vết cắn từ 3-4 lần/ngày, sau 2-3 ngày vết thương sẽ tự khỏi. Nếu trường hợp vết cắn bị đau rát nhiều, có hiện tượng mưng mủ, viêm loét, bạn cần đến khám điều trị ở chuyên khoa da liễu.

Đề côn trùng tránh xa

Theo bác sĩ Thủy thời gian chuyển mùa khiến các loài côn trùng phát triển mạnh. Để phòng tránh bị các loài côn trùng cắn, lúc sang mùa, bạn cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng ở những vị trí có nhiều bụi rậm, kênh mương, ao hồ gần nhà.

Khi ngủ nên mắc màn để chống muỗi cắn, hoặc ngăn một số côn trùng lạ có thể bay vào nhà. Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc bôi chống muỗi, chống côn trùng để đề phòng bị côn trùng cắn. Nếu bạn phải đi rừng hoặc nhà ở gần những nơi có núi rừng, cần mặc quần áo dài tay dài chân đeo ủng, đội mũ che kín, bịt khẩu trang, đeo kính phòng vệ.

http://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/dung-de-tu-vong-vi-con-trung-15861/

Theo Chuyên đề sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Bạn có thể quan tâm