Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng giúp con vượt qua nỗi buồn bằng cách đập phá

Theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, trẻ buồn bực lâu ngày không được giải tỏa rất dễ bị trầm cảm hoặc có hành vi tiêu cực. Cha mẹ phải biết cách giúp đỡ con vượt qua nỗi buồn.

Câu chuyện dạy trẻ nhỏ dùng búa đập khi buồn trong cuốn sách Phép lịch sự dành cho nhi đồng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều phụ huynh băn khoăn làm cách nào giúp con vượt qua nỗi buồn đúng cách?

Trẻ nhỏ buồn lâu dễ có hành vi cực đoan

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Văn Thắng - Trung tâm tư vấn 247 - cho biết không chỉ trẻ nhỏ, sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn. Tâm lý không được giải tỏa, con người luôn trong trạng thái ức chế.

Trẻ em dưới tuổi vị thành niên chưa biết kiềm chế cảm xúc, dễ nảy sinh các hành vi bạo lực hoặc nói thiếu văn hóa. Đặc biệt, nỗi buồn lâu ngày không được giải tỏa, các em rất dễ bị trầm cảm hoặc có hành vi cực đoan.

chuyen gia noi ve cach giai toa noi buon anh 1
Phụ huynh lo ngại về cách dạy trẻ nhỏ giải tỏa nỗi buồn bằng bạo lực trong sách Phép lịch sự.  

Theo bà Hương Thu - Giám đốc Trung tâm cung cấp giải pháp hỗ trợ bà mẹ và trẻ em - bà đã gặp rất nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên bị trầm cảm do buồn bực lâu ngày. Đây là bệnh tâm lý đang xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em thành phố.

Bà Thu cho rằng các em thiếu kỹ năng sống và chưa biết giải quyết những vấn đề phức tạp. Trải qua cú sốc tâm lý, trẻ nhỏ có thể bị trầm cảm, tự ti về bản thân, thậm chí suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Dấu hiệu nhận biết

Theo chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Văn Thắng, trẻ gặp nỗi buồn hay bị chấn động về tinh thần đều có những biểu hiện khác lạ.

Những dấu hiệu này thường lặp lại nhiều lần nên bạn bè thân thiết dễ phát hiện. Bố mẹ không quan tâm sẽ không nhận ra và có thể con trẻ sẽ làm điều đáng tiếc.

"Khi thấy trẻ có biểu hiện khác thường, đặc biệt là u sầu, ủ rũ, cha mẹ cần quan tâm để xác định nguyên nhân và giải quyết ngay. Phụ huynh chú ý tránh cho trẻ rơi vào tình trạng này trong thời gian dài, dễ ảnh hưởng tâm lý của trẻ", ông Thắng nói.

Chuyên gia này cũng cho hay trẻ có thể gặp khó khăn về sinh lý và tâm lý. Khó khăn sinh lý là quá trình các em phát triển về thân thể như tăng cân nhanh, dẫn tới khó chịu bức bối 

Khó khăn tâm lý là sự không được thỏa mãn về tâm hồn, đến từ việc đối xử không công bằng (theo suy nghĩ của các em), dẫn tới thất vọng về vấn đề nào đó.

Giải pháp cho phụ huynh

Chuyên gia Thắng bày tỏ để tránh cho trẻ mắc phải những căn bệnh tâm lý do buồn bực, phụ huynh cần quan tâm và để ý đến con nhiều hơn. Từ đó, cha mẹ nhận biết sớm những dấu hiệu lạ và đưa ra biện pháp kịp thời.

chuyen gia noi ve cach giai toa noi buon anh 2
Chuyên gia Lê Văn Thắng đưa ra giải pháp cho các bậc phụ huynh giúp trẻ giải tỏa buồn bực. Ảnh: NVCC.

Khi thấy trẻ có biểu hiện buồn, người lớn không nên la mắng hay tỏ thái độ khó chịu. Phụ huynh hãy nhìn nhận đó là khó khăn của con và cần giúp đỡ trẻ vượt qua.

"Bạn hãy tâm sự, lắng nghe để xác định đúng nguyên nhân dẫn tới cảm xúc buồn bực, do sinh lý hay tâm lý của trẻ", ông Thắng nêu.

Cha mẹ nên tạo môi trường phù hợp cho trẻ như khích lệ con chơi môn thể thao mình yêu thích.

Con buồn về tâm lý, người lớn cần tìm hiểu rõ câu chuyện. Giả sử con buồn vì các bạn trong lớp được đi chơi vào cuối tuần còn mình thì không, bố mẹ cần biết để xem xét điều chỉnh.

Chuyên gia Thắng khuyên "phòng hơn chữa". Phụ huynh là người đồng hành cùng con hàng ngày, có thể nắm bắt được các hoạt động của trẻ nên giải quyết vấn đề từ sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.

Sách 'Phép lịch sự' dạy trẻ dùng búa đập khi buồn

Câu chuyện dạy trẻ nhỏ dùng búa đập khi buồn trong cuốn sách "Phép lịch sự" dành cho nhi đồng thu hút sự chú ý của nhiều người.



Kiều Trang

Bạn có thể quan tâm