Hầu hết quản lý mới lên chức đều bối rối trong ứng xử với cấp dưới. Ảnh: Thirdman/Pexels. |
Từ ngày mới nhận việc, nhiều người đã xác định mục tiêu trở thành sếp sau vài năm. Tuy nhiên, khi đạt được mục tiêu, họ lại loay hoay, không biết ứng xử ra sao ở vai trò mới.
Theo Lawrese Brown, founder tổ chức huấn luyện công ty C-Track Training, hầu hết nhân sự thiếu quá trình đào tạo chuyên sâu cho vị trí quản lý. Phong cách lãnh đạo của họ chủ yếu được bắt chước từ người khác, do đó khó tránh khỏi việc lặp lại sai lầm.
“Phần lớn rắc rối xuất phát từ cách trao đổi, làm tư tưởng với cấp dưới. Nhiều quản lý trẻ hứa hẹn quá nhiều, song chẳng làm được bao nhiêu. Từ đó, họ đánh mất lòng tin của nhân sự dưới quyền và dẫn đến nhiều sự cố không đáng có trong công việc”, Brown khẳng định.
Dưới đây là những điều không nên hứa hẹn nếu bạn là một vị sếp mới, theo Huffpost.
Hứa hẹn giải quyết vấn đề ngay lập tức chỉ khiến nhân viên lệ thuộc vào quản lý. Ảnh: Artem Podrez/Pexels. |
“Nhắn cho tôi khi có bất kỳ sự cố nào”
Lời nói này có vẻ sẽ giúp bạn trở nên đáng tin cậy. Song, rắc rối sẽ kéo đến khi bạn đặt mình vào tình thế bị gián đoạn liên tục bởi những cuộc gọi.
Cứ như vậy, những nhiệm vụ, hoạt động cá nhân dường như không bao giờ hoàn thành đúng hạn.
“Quản lý mới luôn thích cảm giác được hỏi ý. Họ thấy bản thân trở nên quan trọng hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, bạn đang từng bước khiến cấp dưới lệ thuộc vào mình. Các nhân viên sẽ luôn đặt câu hỏi ngớ ngẩn, hoặc không thể chủ động với công việc được giao nếu thiếu sếp”, Brown nói.
Tốt hơn hết, nhà quản lý nên đặt ra giới hạn liên lạc, chẳng hạn dựa trên thời điểm và mức độ khẩn cấp. Ngoài ra, bạn nên trao những quyền quyết định cơ bản cho nhân viên nhằm giúp họ có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ.
Sự gắn bó giữa quản lý - nhân viên không nên được xây dựng từ lời hứa chia sẻ mọi thứ. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels. |
“Tôi sẽ cho các bạn biết mọi thứ”
Huấn luyện viên nghề nghiệp Angela Karachristos cho rằng hứa hẹn chia sẻ thông tin là cạm bẫy lớn với nhiều quản lý mới.
“Tôi hiểu bạn đang cố chứng minh độ tin cậy, gần gũi của bản thân. Tuy nhiên, phải có giới hạn về nội dung được tiết lộ. Sự minh bạch hoàn toàn dễ dàng gây ra nhiều phiền toái cho bạn.
Chẳng hạn, để nhân sự biết nhiều về kế hoạch dự kiến, đường lối hoạt động mới của lãnh đạo công ty chưa bao giờ là ý kiến hay”, Karachristos cho biết.
Dù chia sẻ có thể là công cụ giúp tạo niềm tin và sự gắn kết, sự minh bạch hoàn toàn lại không thực sự phù hợp. Thay vào đó, quản lý chỉ nên trung thực và cởi mở ở giới hạn nhất định.
Nếu muốn lắng nghe, chia sẻ và cùng cấp dưới giải quyết khó khăn, bạn cần hành động cụ thể, chứ không phải lén chia sẻ thông tin mật.
Hãy thẳng thắn góp ý cho nhân viên, thay vì cố trấn an họ. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
“Việc này dễ giải quyết thôi”
Những người mới lên chức quản lý thường không thoải mái với việc góp ý, yêu cầu chỉnh sửa với nhân viên. Vì vậy, họ thường nhận xét sơ bộ, hoặc cho đấy là vấn đề dễ xử lý, không quá to tát.
Tuy nhiên, động thái “trấn an” này chỉ khiến cấp dưới của bạn thêm bối rối.
“Nếu không thực sự quan trọng, vì sao bạn lại yêu cầu họ báo cáo? Thường xuyên giữ thái độ này, quản lý sẽ khiến nhân viên mất phương hướng, khó xử lý vấn đề một cách phù hợp”, Brown cho hay.
Tốt hơn hết, quản lý nên học cách nhận xét chi tiết, kèm gợi ý hướng giải quyết nếu cấp dưới chưa hoàn thành nhiệm vụ đúng với kỳ vọng.
Hãy dùng giọng điệu chân thành để góp ý, cũng như khuyến khích họ chia sẻ khó khăn. Chẳng hạn, quản lý có thể nói “Kết quả này chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, bạn không cần quá hoảng sợ vì tôi sẽ định hướng lại cho cả nhóm”.
Tiệm cà phê mang sách tới để uống miễn phí ở TP.HCM
Quán cà phê “ Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TPHCM được trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Điều khác biệt ở đây là chiếc kệ dùng để "sách đổi sách", tức là khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc.