Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng kỹ thuật chưa từng có trong y văn lấy tăm trong bụng bệnh nhân

Chiếc tăm đã xuyên qua thành ruột non của nam bệnh nhân, một đầu găm vào thành bụng tạo ổ áp xe.

Ông N.V.L. (nam, 49 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) có thói quen ngậm tăm trong miệng, kể cả khi đi ngủ. Cách đây 2 tuần, ông L. vô tình nuốt chiếc tăm nhưng cho rằng không sao và không để ý. Gần đây, ông thấy đau bụng vùng hố chậu bên phải nên đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện một ổ áp xe vùng hố chậu phải. Đặc biệt, một đầu tăm nằm trong thành bụng bệnh nhân, một đầu lại nằm trong ruột non. Sau khi siêu âm và chụp cắt lớp, bác sĩ nhận định chiếc tăm đã xuyên qua thành ruột non, một đầu găm vào thành bụng, một đầu vẫn nằm trong lòng ruột. Đặc biệt, đầu ngoài chiếc tăm gây viêm ở thành bụng tạo thành ổ áp xe.

Tam dam xuyen thanh bung anh 1

Chiếc tăm xỉa răng được lấy ra từ bụng của nam bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định lấy dị vật qua hướng dẫn của siêu âm. Đây là kỹ thuật chưa từng có trong y văn, các bác sĩ can thiệp đã dùng siêu âm định vị tạo một đường hầm đi trong thành bụng, để ống kính camera đi vào tiếp cận và rút chiếc tăm ra an toàn.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, khoa Chẩn đoán hình ảnh, điều khó nhất của kỹ thuật này là phải tạo được đường hầm vào đúng đầu chiếc tăm nhưng không làm thay đổi vị trí của dị vật. Nếu không, tăm sẽ làm tổn thương rộng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng thành bụng cũng như viêm phúc mạc.

BS Cương cho biết nhiều người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn. Điều này rất nguy hiểm nếu vô tình nuốt chiếc tăm vào ống tiêu hoá. Chất liệu tăm tre không thể bị phân huỷ bởi men tiêu hoá nên khi di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột, chúng dễ gây ra nhiều biến chứng khó lường. Biến chứng nặng nhất có thể gây thủng ống tiêu hoá và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng về sau.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân sau khi sử dụng tăm nên vứt ngay vào sọt rác, tránh ngậm trong miệng gây mất thẩm mỹ hoặc vô tình nuốt phải trong khi nói chuyện, ngủ. Đặc biệt, nếu trong nhà có trẻ nhỏ, việc vô tình làm rơi tăm sẽ rất nguy hiểm.

Nếu không may nuốt phải tăm, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được can thiệp và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Cứu bé trai nuốt 3 viên bi nam châm vào bụng Ngày 24/2, ê-kíp bác sĩ phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) gắp ra ngoài 3 viên bi nam châm trong bao tử và ruột non cứu bé N.H.L. (6 tuổi, ở Tiền Giang).

Người đàn ông bị tăm đâm thủng ruột

Ngậm tăm sau bữa ăn, ông Đ. bất ngờ nuốt vào bụng dẫn đến thủng ruột. Sau khi mổ nội soi, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã đưa dị vật ra ngoài.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm